Báo Mỹ: Âm thầm triển khai F-16 ở Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đang dại dột chọc giận "gấu Nga"?

Hoài Giang |

Theo nhà phân tích Joseph Trevithik, nếu có thêm bằng chứng cho thấy các tiêm kích F-16 tham chiến, đây sẽ là bước leo thang cực kỳ nguy hiểm trong xung đột Armenia - Azerbaijan.

Sáng 8/10 giờ Việt Nam, tờ The Drive đăng tải bài phân tích nhan đề: "Satellite Images Confirm Turkish F-16 Fighters Secretly Deployed To Azerbaijan" (tạm dịch: Ảnh vệ tinh xác nhận tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ được bí mật triển khai tới Azerbaijan) của tác giả Joseph Trevithik.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là diễn biến mới nhất liên quan tới vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột đang tiếp diễn giữa Armenia - Azerbaijan, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Tình tiết mới liên quan tới cáo buộc F-16 Thổ bắn rơi Su-25 Armenia?

Ít nhất 2 tiêm kích F-16 và 1 vận tải cơ hạng nhẹ CN-235 đã được hiển thị trên ảnh vệ tinh của Planet Labs chụp tại Sân bay Quốc tế Ganja nằm ở miền tây của Azerbaijan, cách Nagorno-Karabakh khoảng 50 dặm (80 km) hôm 3/10.

Đây là bằng chứng đầu tiên chứng minh rằng ít nhất một nhóm máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã ở Azerbaijan sau khi giao tranh nổ ra giữa quốc gia Nam Caucasus và nước láng giềng Armenia liên quan tới khu vực Nagorno-Karabakh.

Christiaan Triebert, thành viên nhóm Điều tra Hình ảnh của tờ The New York Times, một trong những người đầu tiên phát hiện ra điều bất thường nói trên tiết lộ rằng khu vực này được nhóm của ông đặc biệt quan tâm kể từ khi xung đột nổ ra giữa Azerbaijan và Armenia hôm 27/9.

Báo Mỹ: Âm thầm triển khai F-16 ở Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đang dại dột chọc giận gấu Nga? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: The Drive/Planet Labs).

Kể từ năm 1994, Cộng hòa Artsakh ly khai được Armenia hậu thuẫn đã nắm quyền kiểm soát đa phần Nagorno-Karabakh, mặc dù khu vực này đã được cộng đồng quốc tế công nhận là lãnh thổ Azerbaijan. Giao tranh cũng đã bùng lên nhiều lần trong những thập kỷ qua.

Vấn đề về sự hiện diện của F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tại Ganja và khả năng chúng tham chiến được đề cập lần đầu tiên vào ngày thứ 2 của cuộc xung đột.

Ngày 29/9, Thư ký báo chí của Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan tuyên bố rằng một trong những chiếc tiêm kích F-16 bay cất cánh từ Ganja đã bắn rơi một cường kích Su-25 Frogfoot của Không quân Armenia.

Báo Mỹ: Âm thầm triển khai F-16 ở Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đang dại dột chọc giận gấu Nga? - Ảnh 2.

Các hình ảnh hiện trường vụ Su-25 của Armenia bị bắn rơi (Nguồn: The Drive/Twitter).

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã phủ nhận cáo buộc này và tuyên bố rằng không có chiếc F-16 nào đang tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực.

Cáo buộc của Armenia về vụ bắn rơi Su-25 vẫn chưa được xác thực, nhưng những hình ảnh của Planet Labs đã xác nhận một chi tiết rằng F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã ở Ganja vào ngày xảy ra vụ việc.

Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn chủ sở hữu của những chiếc F-16 nói trên, nhưng thật khó để bác bỏ việc chúng có thể thuộc về thế lực nào khác ngoài Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình huống cáo buộc tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-25 Armenia (Nguồn: Bộ Quốc phòng Armenia).

Có tới 6 chiếc F-16 ở Azerbaijan?

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã công khai triển khai một nhóm máy bay quân sự đến Ganja, là một phần của cuộc tập trận chung TurAz Qartali-2020 với Quân đội Azerbaijan vào ngày 31/7.

Cuộc tập trận được coi là một cảnh báo từ Ankara nhằm thẳng vào Yereva diễn ra chỉ khoảng 2 tuần sau một đợt bùng phát xung đột giữa Armenia và Azerbaijan dự kiến kết thúc vào ngày 10/8.

Báo Mỹ: Âm thầm triển khai F-16 ở Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đang dại dột chọc giận gấu Nga? - Ảnh 4.

Tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tập trận TurAz Qartalı-2017 (Nguồn: Bộ Quốc phòng Azerbaijan).

Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh của Planet Labs hôm 10/9 cho thấy 6 chiếc F-16, cũng như 1 chiếc có vẻ là CN-235, vẫn đang ở Sân bay Quốc tế Ganja.

Các hình ảnh có độ phân giải thấp hơn trong kho lưu trữ của Planet Labs từ ngày 10/8 đến ngày 10/9 và từ đó cho đến ngày 3/10 cho thấy sự hiện diện của những thứ trông giống như tiêm kích trong cùng một khu vực thuộc sân bay.

Có thể tạm kết luận là là "biệt đội" F-16 này vẫn ở Azerbaijan sau khi TurAz-Qartali-2020 kết thúc. Còn CN-235, một máy bay khác mà Thổ Nhĩ Kỳ vận hành còn Azerbaijan thì không, nhiều khả năng đóng vai trò hỗ trợ cho những chiếc F-16.

Báo Mỹ: Âm thầm triển khai F-16 ở Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đang dại dột chọc giận gấu Nga? - Ảnh 5.

Hình ảnh với độ phân giải thấp cho thấy 6 máy bay được cho là tiêm kích F-16 cùng chiếc vận tải cơ CN-235 hôm 10/9 (Nguồn:Planet Labs).

Hiện vẫn đang có ý kiến phản bác rằng những chiếc máy bay trong hình ảnh phân giải cao vào ngày 3/10 không phải là F-16.

Vào tháng 2/2020, Azerbaijan tuyên bố rằng họ đang mua máy bay phản lực huấn luyện Leonardo M-346 từ Italia, và một số người cho rằng nó có thể bị nhầm với F-16 trong ảnh vệ tinh.

Cần phải nhấn mạnh rằng cho tới nay không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ chiếc Leonardo M-346 nào trong đơn hàng đã được chuyển giao cho Baku.

F-16 cũng có kích thước và hình dạng riêng biệt, rất khó để nhầm lẫn với các tiêm kích MiG-21, MiG-29 và cường kích Su-25 của Không quân Azerbaijan.

Bất chấp sự hiện diện của những chiếc F-16 ở Ganja, việc chúng có tham chiến ở Nagorno-Karabakh và khu vực xung quanh điểm nóng này hay không là điều chưa rõ ràng.

Nếu không, câu hỏi sẽ là những chiếc tiêm kích này có thể có vai trò gì trong thế đối đầu giữa Armenia và Azerbaijan và tại sao việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chúng phải giữ bí mật?

Báo Mỹ: Âm thầm triển khai F-16 ở Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đang dại dột chọc giận gấu Nga? - Ảnh 6.

Vũ khí trang bị trên một chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: Flickr.com).

Nga, Iran liệu có để yên?

Bên cạnh các loại vũ khí thông minh khác, đặc biệt là Máy bay không người lái (UAV) tự sát IAI Harop do Israel sản xuất, Azerbaijan đã và đang vận hành UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một đoạn phim mới đây được lan truyền trên mạng xã hội cũng cho thấy Azerbaijan đã khai hỏa ít nhất một tên lửa đạn đạo tầm ngắn LORA do Israel sản xuất vào một cây cầu nối Armenia và Nagorno-Karabakh.

Cầu nối Armenia với Nagorno-Karabakh bị Azerbaijan pháo kích bằng tên lửa Israel hôm 2/10 (Nguồn: Sputnik).

Các đoạn phim khác cho thấy Armenia đã phóng ít nhất một tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka-U, tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Yeveran sử dụng Tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật Iskander-E do Nga sản xuất trong cuộc xung đột.

Có thể thấy các lực lượng pháo binh, bao gồm lựu pháo, pháo phản lực và tên lửa đạn đạo chiến thuật đang là nhân tố chính trong xung đột hiện tại.

Cả hai phía đều cáo buộc đối thủ pháo kích bừa bãi vào các khu dân cư, bao gồm cả thành phố Ganja, nơi có sân bay mà những chiếc F-16 đang trú đóng.

Cũng không rõ việc hiện diện của F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tại Ganja, bất chấp sự phủ nhận của cả Baku lẫn Ankara, có thể tác động như thế nào đến cuộc xung đột trong tương lai.

Nếu có bằng chứng cho thấy các tiêm kích này đã tham gia vào giao tranh, đây sẽ là bước leo thang nguy hiểm trong cuộc xung đột giữa hai quốc gia Nam Caucasus.

Nhưng khả năng kích hoạt hành động can dự vào xung đột từ các đối tác trong khu vực của Armenia, bao gồm cả Nga lẫn Iran vẫn là một ẩn số.

Hôm 7/10, đài phát thanh Rossia 24 dẫn tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng

"Chúng tôi có những nghĩa vụ nhất định theo hiệp ước (quân sự với Armenia) này. Nga luôn tôn trọng và sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của mình. Thật đáng tiếc khi các hành động thù địch vẫn tiếp diễn nhưng chúng không xảy ra trên lãnh thổ của Armenia".

Báo Mỹ: Âm thầm triển khai F-16 ở Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đang dại dột chọc giận gấu Nga? - Ảnh 9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu lên tiếng về giao tranh giữa Amernia và Azerbaijan (Ảnh: Điện Kremlin).

Tuyên bố này có thể hiểu rằng người Nga công nhận Nagorno-Karabakh là lãnh thổ của Azerbaijan.

Về phần Iran, theo hãng tin Reuters, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố sẽ ưu tiên bảo vệ an ninh cho Iran và không cho phép "gửi những kẻ khủng bố đến biên giới của Iran dưới bất kỳ hình thức nào".

Đây cũng có thể hiểu là một dẫn chứng làm rõ ràng hơn các cáo buộc Ankara đã tạo điều kiện thuận lợi cho lính đánh thuê Syria di chuyển và tham chiến trong khu vực.

Ông Hassan Rouhani cũng đã kêu gọi chấm dứt bất kỳ sự can dự nào của nước ngoài vào cuộc xung đột và kêu gọi cả hai phía ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một giải pháp "trong khuôn khổ luật pháp quốc tế".

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ nhất quán dành cho hoạt động quân sự đang tiếp diễn của Azerbaijan, với mục dường như là nhằm tái chiếm toàn bộ, hoặc ít nhất là phần lớn khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Ít nhất cho tới thời điểm hiện tại, những gì chúng ta được biết là vào ngày 3/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai tiêm kích F-16 tới Azerbaijan, nơi chúng có một bàn đạp tốt để tham chiến - nếu Ankara chưa làm điều đó trước đây.

Nhà phân tích Joseph Trevithick là biên tập viên của chuyên trang quốc phòng The War Zone Wire, trực thuộc tạp chí điện tử The Drive của Mỹ.

Ông đồng thời là thành viên của GlobalSecurity.org, một chuyên trang nghiên cứu và phân tích quốc phòng và an ninh và là cộng tác viên của The War is Boring.

Joseph Trevithick đã được phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông Mỹ và quốc tế về một số chủ đề liên quan đến quốc phòng và an ninh.

Báo Mỹ: Âm thầm triển khai F-16 ở Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đang dại dột chọc giận gấu Nga? - Ảnh 12.

Tiêm kích MiG-29 Azerbaijan và F-16 Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: Yeni Safak).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại