Theo Business Insider, những "siêu vũ khí" này hiện đang được trang bị trong các lực lượng vũ trang Nga đe dọa an ninh Mỹ.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân Yars RS-24. Ảnh: AP.
Mở đầu danh sách là các hệ thống phòng thủ tên lửa được coi là hiện đại nhất thế giới hiện nay, S-300 và S-400, có khả năng tấn công từ mặt đất đến mục tiêu trên không ở những khoảng cách khác nhau.
Tác giả tập biên soạn ghi chú rằng, hệ thống này có thể ngắm 12 tên lửa vào mục tiêu. "S-300 có thể bắn hạ 6 máy bay cùng một lúc", trong tài liệu viết.
Còn hệ thống tên lửa phòng không S-400 được cải tiến sâu hơn về các thiết bị điện tử so với S-300 và có thể trang bị thêm 4 loại tên lửa mới khác nhau cho hệ thống, cho phép có thể lựa chọn loại tên lửa phù hợp với từng kiểu mục tiêu nhất định.
Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600km, cao 40-50km và có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu. Ngoài ra, Nga cũng chuẩn bị trang bị cho các lực lượng vũ trang thêm hệ thống phòng thủ thế hệ mới nhất S-500 "Prometheus".
Thứ hai trong danh sách này là tàu ngầm diesel-điện "Novorossiysk" thuộc dự án 636.3 (NATO định danh là Kilo). Loại tàu ngầm này hiện đang phục vụ trong thành phần của Hạm đội Biển Đen. Nhờ có công nghệ tàng hình siêu đẳng ứng dụng trong thiết kế của tàu ngầm và động cơ siêu êm, nó gần như không thể bị phát hiện dưới nước.
Tác giả bài báo trên tờ Business Insider gọi tàu ngầm này là "vô hình". Ngoài ra, loại tàu ngầm này được Mỹ gọi là "hố đen đại dương" bởi vì quá trình nó hoạt động dưới nước hầu như không bị phát hiện. Tốc độ tối đa lên tới 20 hải lý, phạm vi hoạt động khoảng 400 dặm và có thể hoạt động liên tục trong vòng 45 ngày.
Tàu được trang bị 18 ngư lôi và 8 tên lửa phòng không có tầm tác chiến rộng, có thể tấn công các mục tiêu trên bộ, trên biển và dưới nước.
Tiếp đến là máy bay ném bom - phóng tên lửa chiến lược Tu-160 "Thiên nga trắng" - loại máy bay siêu thanh lớn nhất trong lịch sử hàng không quân sự. Trọng tải chiến đấu tối đa của Tu-160 là 40.000kg, có thể được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân.
Ngoài ra, ưu điểm của Tu-160 là sự kết hợp của tốc độ và tên lửa hành trình tầm xa. Tu-160 có thể đạt tốc độ tối đa 2.200km/giờ, có khả năng nhanh chóng xuất phát và sử dụng tên lửa hành trình trước khi đối phương kịp phản ứng.
Sự xuất hiện của các loại vũ khí tầm xa, cùng với tầm bay hơn 12.000km làm cho Tu-160 trở thành sát thủ đặc biệt lợi hại, với tầm tấn công bao phủ gần như toàn cầu.
Các nhà báo phương Tây cũng đánh giá cao các loại máy bay trực thăng Nga. Họ đưa vào danh sách trực thăng tấn công Mi-28 Night Hunter ("Thợ săn đêm"), theo định danh của NATO là "Kẻ tàn phá".
Đây là loại trực thăng chiến đấu tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và yểm trợ bộ binh. Dưới mũi máy bay này được lắp khẩu pháo tự động với cỡ nòng 30mm (250 viên đạn), trên mũi máy bay được lắp đặt các thiết bị trinh sát quang học, hồng ngoại, laser cho phép chúng hoạt động cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.
Ngoài ra, trên các cánh nhỏ có những móc treo cho phép mang theo tối đa 16 tên lửa chống tăng, tên lửa "không đối không", bom và có thể là các thùng dầu phụ. Mi-28 Night Hunter đã thể hiện tính năng siêu việt trên chiến trường Xy-ri.
Danh sách này cũng bao gồm tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S, gồm cả phiên bản cơ động trên mặt đất và phiên bản lắp đặt trên hạm, được sử dụng để tiêu diệt cả các mục tiêu bay lẫn tên lửa hành trình, chuyên bảo vệ các mục tiêu đầu não.
Mỗi tổ hợp phòng không này gồm hai khẩu pháo phòng không tự động với 2 nòng 30mm, các tên lửa "đất đối không" 57E6 cùng với các ra-đa, thiết bị quang học theo dõi mục tiêu cho phép theo dõi, cung cấp chính xác các thông tin về mục tiêu cả trên không lẫn trên mặt đất.
Lọt vào danh sách vũ khí nguy hiểm nhất có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân Yars RS-24. Tác giả tài liệu lưu ý đến thực tế là mỗi quả tên lửa như vậy mạnh hơn gấp 100 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống Hi-rô-si-ma.
RS-24 là loại tên lửa nhiên liệu rắn, 3 tầng cơ động mới nhất của Nga, có tầm bắn hơn 11.000km và có khả năng xuyên qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Mỹ.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng RS-28 "Sarmat" đóng lại danh sách này-tác giả bài báo không cung cấp bất kỳ thông số kỹ thuật nào của hệ thống tên lửa, tuy nhiên có nhắc lại rằng, nó được NATO mệnh danh là "Satan-2" đã chứng tỏ sức mạnh kinh hoàng của loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này.
Theo một số tài liệu trước đó thì RS-28 có sức công phá rất khủng khiếp; chúng có khối lượng khoảng 100 tấn và trở thành loại tên lửa lớn nhất trong lịch sử thế giới.
RS-28 "Sarmat" có thể mang khoảng 15 đầu đạn hạt nhân, được trang bị động cơ nhiên liệu lỏng, hình trụ, không có cánh, có tốc độ tối đa 24.500km/giờ (gấp 20 lần tốc độ âm thanh), tầm bắn trên 10.000-16.000km và sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với định vị vệ tinh GLONASS.
"Tên lửa này sẽ sớm gia nhập kho vũ khí sát thương của Nga", bài báo trên Business Insider kết luận.