Indonesia là quốc gia gần đây nhất có đề nghị đặt lại tên. Tuần qua, chính phủ nước này thông báo sẽ đưa một đề nghị lên Liên hợp quốc liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế chung quanh quần đảo Natuna.
Người đứng đầu cơ quan đặc trách chống đánh cá trái phép của Indonesia, ông Ahmad Santosa: "Nếu không có phản đối…thì đó sẽ chính thức trở thành vùng Biển Natuna (Natuna Sea)."
Năm 2012, Philippines đã chính thức đặt lại tên một phần của South China Sea trên bản đồ và sử dụng tên đó trong các công văn nhà nước. Manila đã tuyên bố vùng biển bên trong khu đặc quyền kinh tế của họ tên là Biển Tây Philippines.
Đây là một bước quan trọng để làm sáng tỏ “vùng tranh chấp nào là của Philippines,” như tổng thống Benigno Aquino đã khẳng định vào thời đó. Và Philippines đã chuyển một công văn hành chính và một bản đồ chính thức lên Liên hợp quốc.
Chiến dịch kêu gọi đổi tên trên mạng "A Change.org" khởi xướng từ 5 năm qua đề nghị đổi tên thành Southeast Asia Sea (Biển Đông Nam Á) đã đưa ra một số điểm thú vị đáng lưu ý, trong đó có nhận định: Các quốc gia Đông Nam Á bao bọc gần như toàn bộ vùng biển này với các bờ biển cộng lại dài khoảng 130.000km, trong khi bờ biển phía Nam Trung Quốc chỉ dài khoảng 2.800km.
Một số đề nghị khác còn nêu lên tên Biển Đông Dương (Indochina Sea) và Biển Asean (Asean Sea). Đề nghị chót này vấp phải sự chống đối của Campuchia, quốc gia không liên quan đến tranh chấp.
Vùng biển này đã từng có một loạt tên gọi trong lịch sử, South China Sea là tên đặt tương đối mới đây, sử dụng trong thập niên 1930, phân biệt với vùng Biển Hoa Đông (East China Sea).
Cố vấn tại Trung Tâm nghiên cứu Đông Tây tại Hawaii, bà Ellen Frost phân tích rằng trong tiếng Anh, đổi tên biển thành Nam Hải (South Sea) có thể được.
Bà cho rằng những người Trung Quốc dân tộc chủ nghĩa sẽ bác bỏ tên Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea), nhưng họ gặp khó khăn hơn để lập luận chống lại tên South Sea - cho dù từ “China” bị bỏ đi, vì trong tiếng Hoa tên Nam Hải “Nanhai” đã có từ hàng thế kỷ nay.
Theo bà, việc thay đổi này sẽ là dấu hiệu về một đóng góp nhỏ, có tính chất kỹ thuật nhưng đầy ý nghĩa cho hòa bình./.