Nỗi buồn của cặp vợ chồng Việt kiều
Sáng qua, tôi ngồi cafe với vợ chồng một tiến sĩ người Việt định cư tại Úc. Tiến sĩ ấy là con một vị tướng quân đội.
Thế nhưng, cả buổi café giữa một vườn đầy dây leo, hoa lá trong thời tiết se lạnh tuyệt đẹp của sáng Hà Nội, anh chị lại chỉ toàn nói đến những chuyện buồn "không biết giải quyết đến bao giờ" trong xã hội: Quá tải đường xá, quá tải bệnh viện, quá tải tiếng ồn, quá tải bụi, quá tải gian dối…
Chị kể rằng, trên đường từ sân bay về, chị tự thấy ruột quặn lên khi nhìn những hàng cây "nghe nói được nhập ngoại tốn kém" trồng giữa hai làn đường cao tốc.
Chị tự hỏi: "Tại sao giữa đường cao tốc lại phải trồng cây che khuất tầm nhìn. Nếu như mỗi cái cây ấy, quy thành một suất đầu tư cho một người nghèo, thì sẽ đỡ đần được bao nhiêu người dưới đáy? Hình ảnh sang chảnh của một con đường và hình ảnh nghèo khó thương tâm vùng sâu vùng xa, có phải là hai mặt của một vấn đề?".
Rồi trên đường từ Hà Nội về Nam Định quê mình, chị thấy hàng chục đám cưới ngang nhiên dựng rạp chiếm cả lòng đường liên tỉnh. "Ai cũng làm thế thì làm gì còn trật tự giao thông nhỉ?".
Chị ngạc nhiên khi nghe một người làng hân hoan kể rằng, nhờ "thông minh nhanh nhạy", họ đã kiếm được một suất trợ cấp diện nghèo. "Thế có nghĩa là một số người nghèo thật, sẽ không được hưởng" – chị thở dài.
Như mọi lần về Việt Nam khác, anh chị ra viếng mộ những người bạn cùng lứa trước đã ngã xuống trong chiến tranh.
"Có những người chỉ 17 tuổi thôi em ạ, nhìn ảnh bạn trẻ măng trên bia mộ, lần nào cũng thấy đau lòng. Nhưng hôm trước, nghe tin mấy đứa thanh niên trong làng chết vì ung thư, lại thấy thấy đau hơn nữa. Chị theo Phật, vẫn biết cuộc sống vô thường, nhưng nhìn những tồn tại của xã hội, thấy nhiều trăn trở quá".
Trước khi chia tay, ngước nhìn giàn hoa giấy rất đẹp ở quán café, chị kết luận: "Ở bên Úc, gần như chẳng có một khẩu hiệu, pa no, áp phích nào giăng trên phố xá kêu gọi người yêu thương người, bảo vệ trẻ em, bảo vệ môi trường, chăm lo người hoàn cảnh, nhưng họ đối xử với nhau đúng nghĩa đồng bào; họ trách nhiệm với nhau và với xã hội từ hành vi, ứng xử và suy nghĩ.
Họ nói thật, làm thật, chứ họ không sống hai mặt, nói một đằng, làm một nẻo.
Những cái đó xuất phát từ sâu thẳm trái tim nhân hậu rồi, nên đâu cần kêu gào khẩu hiệu. Ở Việt Nam, khẩu hiệu treo đầy đường, mà nhức nhối, tồn tại, buồn bã thì đâu cũng thấy".
Trong chúng ta, ai không có cuộc sống hai mặt?
Suốt mấy ngày qua, thời tiết thì dịu dàng, nhưng sự phẫn nộ của dư luận đã cực điểm, khi đứa trẻ 20 ngày tuổi bị sát hại, nhiều đứa trẻ bị bảo mẫu mầm non và bảo mẫu tại nhà tra tấn, hành hạ, đứa trẻ 6 tuổi bị dân phòng cứa cổ tử vong...
Mỗi năm, có cả tháng hành động vì trẻ em, hàng chục ngàn tấm pa nô áp phích bảo vệ trẻ em đã được giăng mắc khắp đất nước. Mỗi năm, đều phát hiện những bảo mẫu ác thú, và nhiều người trong số đó đã phải trả giá đau đớn trước pháp luật. Thế thì tại sao vẫn xuất hiện thêm những "từ mẫu" bụng chứa đầy bồ dao găm?
Trong 2 vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em, tôi đặc biệt chú ý đến một chi tiết: Trước mặt các bố mẹ, các bảo mẫu đều tươi cười, dịu dàng, cưng chiều trẻ. Chỉ khi bố mẹ quay lưng, "ác thú" mới hiện nguyên hình.
Thái độ hai mặt, cuộc sống hai mặt của những bảo mẫu này, có cá biệt trong xã hội?
Rất tiếc, phải khẳng định là không.
Trong một cuộc nhậu, một nhà thơ nổi tiếng hỏi chúng tôi: Trong chúng ta ngồi đây, ai dám tuyên bố mình không có cuộc sống hai mặt? Hôm ấy, tôi không thấy ai giơ tay cả.
Phần lớn những quan chức hôm nay xộ khám, nhúng chàm, thì hôm qua đều là người rao giảng đạo đức trơn tru.
Không ít người nông dân thuần phác trong nhiều lĩnh vực, có thể rất ranh ma trong việc trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng. Họ không bao giờ ăn nhầm luống rau, con lợn sẽ bán cho đồng loại.
Một bộ phận giáo viên ngày dạy đạo đức và lẽ sống làm người, tối đến đứng lớp dạy thêm. Học sinh nào không học thêm sẽ "biết ngay" kết quả ở lớp.
Một số diễn giả dạy cách làm giàu chân chính hóa ra lại là kẻ lừa đảo trơ trẽn nhất.
Trong số những người chửi rủa nạn kẹt xe nhiều nhất có không ít kẻ thường xuyên vượt đèn đỏ, phi xe lên vỉa hè để tước đoạt thời gian và cơ hội giao thông của người khác.
Vô số người khinh bỉ đồng hương bị bắt vì ăn cắp ở siêu thị nước ngoài, lại thản nhiên ăn cắp giờ làm việc, ăn cắp ý tưởng, đạo văn đạo nhạc, ăn cắp ngân sách, tài nguyên đất nước.
Nhiều người lên án quan tham rất mạnh mẽ nhất. Áy nhưng, khi có cơ hội chạy chọt cho mình, con em mình vào vị trí "thơm ngon", thì họ túm lấy nhanh như chớp. Họ đâu có nghĩ: Mình ấm chỗ nhờ chạy chọt, thì những người tài xứng đáng có được chỗ ấy, sẽ bị đẩy ra lề đường.
Trong số những người hôm nay nghiến răng trèo trẹo vì có kẻ chen ngang khi xếp hàng chờ khám ở bệnh viện, thì ngày mai mấy ai đủ tự trọng từ chối khi có người quen can thiệp cho mình chen ngang, khám nhanh?
Khi có một người trong họ làm quan, chắc chắn rất nhiều kẻ mừng vì nhận thấy cơ hội được nhờ vả. Nhưng trước đó, tôi đảm bảo chính những người này đã "phẫn nộ một cách chân chính", khi đọc tin cả họ làm quan ở nơi khác.
Đâu có ít những chàng trai, cô gái ngoan hiền, sáng láng trên facebook, nhưng cuộc sống thực thì tăm tối, bê tha. Đâu có ít những cặp luôn cập nhật hình ảnh hạnh phúc đủ đầy trên mạng, nhưng đời sống vợ chồng đã "củi một cành khô lạc mấy dòng", đã bên rìa địa ngục.
Có thể gặp rất nhiều con người hai mặt, cuộc sống hai mặt như vậy trong xã hội.
Những bảo mẫu ác thú có tra tấn con mình như vậy không? Tất nhiên là không.
Những kẻ sản xuất mỹ phẩm giả, thuốc giả có cho người thân mình dùng thuốc đó? Tất nhiên là không?
Chuyện này đâu khác gì người nông dân không bao giờ ăn rau và lợn nhiễm độc mà chỉ bán cho người khác.
Họ thấy họ được giảm nhẹ lương tâm hơn khi bạo hành con của người khác và đầu độc người khác? Họ biện minh cho hành vi không đàng hoàng của mình bằng tiêu chuẩn kép: Buộc tội người nhưng lại tha bổng mình.
Hỡi rất rất nhiều người Việt nhân hậu và tử tế, làm sao có thể ngăn chặn hết được sự xuất hiện các bảo mẫu ác thú, khi mà rất rất rất nhiều người trong chúng ta, vẫn chọn cách sống hai mặt như thế?