Không dám nói tiếng Trung Quốc phổ thông
Min, chuyển đến Hong Kong từ đại lục năm 1995 và đang điều hành quỹ đầu tư riêng cho biết, anh đã dặn các con của mình không nói tiếng Trung Quốc phổ thông (được sử dụng ở đại lục) nơi công cộng vì lo sợ bị đánh.
Trước khi ra ngoài ăn tối, Min phải kiểm tra tin tức trên điện thoại để biết những đường nào bị chặn do diễn ra các cuộc tuần hành quy mô lớn hoặc va chạm bạo lực. Anh cũng ngừng sử dụng dịch vụ bay Cathay Pacific Airway của Hong Kong, nơi một số nhân viên của hãng này tham gia biểu tình và một số khác bị sa thải.
Khi các cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình lan ra ngày một rộng, Min cho biết, anh đang cân nhắc chuyển công việc đến Thượng Hải và đưa cả gia đình sang Canada.
Hơn 1 triệu người đại lục, bao gồm nhiều chuyên gia, đã đến Hong Kong kể từ khi Trung Quốc giành lại quyền kiểm soát thuộc địa cũ của Anh vào năm 1997.
Cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình, rất xa lạ với những cư dân sinh ra ở đại lục.
Trong khi phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, đã xuất hiện một số người biểu tình đã đốt cờ Trung Quốc, hay giơ cao biểu ngữ "Hong Kong không phải là Trung Quốc!"
Các nhóm biểu tình cũng đã phá hủy một số chi nhánh ngân hàng và doanh nghiệp bán lẻ của Trung Quốc, bao gồm một cửa hàng của nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi Corp.
Căng thẳng giữa người đại lục và người Hong Kong
Căng thẳng giữa người đại lục và người Hong Kong cũng xuất hiện trong các hoạt động thường ngày.
Nhân viên nói chung được khuyến khích không thảo luận về chủ đề này và không bày tỏ quan điểm chính trị tại nơi làm việc, ông Cameron Quinlan, giám đốc điều hành của công ty tư vấn dịch vụ tài chính Quinlan & Associates cho biết.
Yang, một chuyên gia tài chính 34 tuổi đến từ Trung Quốc, đã đứng ở trong một tòa nhà chọc trời lấp lánh của của thành phố, quan sát từ trên cao khi đám đông tràn ra đường.
TV trong văn phòng - và các chương trình phát trực tiếp trên máy tính - tất cả đều được chỉnh sang các kênh đưa tin về cuộc biểu tình phản đối trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam.
Điện thoại di động liên tiếp được truyền đi các tin nhắn qua WeChat về những cuộc biểu tình và bạo lực bên ngoài, bao gồm một đoạn video về một nhân viên ngân hàng Trung Quốc của JPMorgan Chase & Co. bị một người biểu tình tấn công và có tiếng ai đó hét lên: "Cút về đại lục đi!".
Yang cho biết, cô cũng lo sợ khi nói tiếng Trung Quốc phổ thông và các chuyến đi đến Thâm Quyến để tránh bạo lực ngày càng thường xuyên hơn.
Chiều thứ Sáu, cô về sớm và đến gặp chồng và con gái tại trạm xe buýt, ngay trước khi thành phố rơi vào tình trạng bạo lực tồi tệ nhất vào dịp cuối tuần hồi đầu tháng 10.
"Khi tôi vội vã đến trạm xe buýt để tập trung với gia đình, tôi đã rất căng thẳng, tôi nghe thấy tim mình đập nhanh và mạnh. Khi chiếc xe bus đi qua cầu và chuẩn bị tiến vào Thâm Quyến, khoảnh khắc tôi nhìn thấy đèn neon màu đỏ ở bên kia sông, tôi cảm thấy thực sự nhẹ nhõm", Yang nói.
Một số người đại lục được hỏi cho biết họ không muốn phá bỏ cuộc sống mà họ đã xây dựng ở Hong Kong trong nhiều năm: công việc đáng ao ước tại các công ty quốc tế, môi trường giáo dục ở các trường quốc tế mà con cái họ theo học, nhà cửa...
Trong lĩnh vực tài chính, những xung đột giữa những người ủng hộ người biểu tình và những người thân Bắc Kinh cũng được bộc lộ rất rõ.
Hao Hong, chiến lược gia trưởng tại Bocom International Holdings Co. tại Hong Kong, gần đây đã đến một công ty khác để gặp gỡ các nhân viên từ Trung Quốc đại lục, bước vào một văn phòng và nói chuyện với họ bằng tiếng phổ thông.
Các đồng nghiệp Hong Kong có mặt gần đó đã nhanh chóng tăng âm lượng một chương trình TV phát bằng tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ được sử dụng tại Hong Kong), nhằm át đi cuộc trò chuyện của Hao Hong.
Một số người đã bắt đầu xem xét việc trở lại đại lục, mặc dù đã dành hàng thập kỷ ở thành phố, một phụ nữ làm việc tại một quỹ phòng hộ của Trung Quốc chia sẻ. Người đại lục ở Hong Kong lo ngại con cái họ sẽ phải đối mặt với tâm lý chống chính phủ ở trường học, cô nói.