Thời gian gần đây, tại khu vực Đại Tây Dương liên tiếp xuất hiện những cơn bão mạnh thậm chí là cả siêu bão liên tiếp hình thành và gây thiệt hại cho con người.
Những siêu bão như Katia, Irma hay Harvey gây thiệt hại nặng nề cho nước Mỹ vẫn chưa dừng vì mùa bão ở Đại Tây Dương vẫn còn kéo dài (tháng 8, 9, 10 là mùa cao điểm mưa bão ở Đại Tây Dương).
Đây cũng là lần đầu tiên sau 7 năm nước Mỹ chứng kiến sự xuất hiện của 3 cơn bão cùng một thời điểm trên biển Đại Tây Dương.
Nước Mỹ chứng kiến sự kiện 3 cơn bão mạnh cùng xuất hiện một lúc ở Đại Tây Dương kể từ sau năm 2010. Ảnh Hurricanes.gov.
Chỉ một tuần sau khi bão Irma và Harvey càn quét, 3 cơn bão nhiệt đới là Jose, Maria (riêng Maria trở thành siêu bão cấp 4, mạnh ngang ngửa bão Irma) hay Lee lại tiếp tục khiến nước Mỹ "đứng ngồi không yên".
Những cơn bão xuất hiện ngày càng nhiều và cùng lúc một cách bất thường dường như ẩn giấu những nguyên nhân đáng lo ngại phía sau.
Những cơn bão mạnh hình thành thời gian gần đây. Ảnh Twitter/Helen Yates.
Chúng ta đã nghe nói rất nhiều về tình trạng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, mặc dù chưa thể chứng minh mối liên hệ này một cách rõ ràng và thuyết phục nhất, nhưng những sự kiện gần đây có thể làm cho người nghi ngờ nhất cũng phải dao động.
Tuy chưa thể khẳng định mối liên hệ phức tạp này nhưng dường như sự ấm lên của bề mặt nước biển do biến đổi khí hậu đang tạo điều kiện cho các cơn bão hình thành và có cường độ ngày càng mạnh hơn.
Việc nhiều cơn bão xuất hiện có thể không bắt nguồn từ nguyên nhân biến đổi khí hậu hay sự ấm lên của đại dương vì bão vốn là hiện tượng có từ rất lâu và mang tính tự nhiên.
Thế nhưng, việc bão trở nên mạnh hơn, nhiều siêu bão xuất hiện trong cùng một khoảng thời gian ngắn (như Harvey, Irma hay Maria) thì có rất nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân tới từ biến đổi khí hậu.
Nhà khí tượng học Sean Sublette tại trung tâm Thời tiết (Mỹ) cho hay "tác động của biến đổi khí hậu làm cho những cơn bão thêm tồi tệ". Cụ thể hơn những tác động đó bao gồm:
1. Sự ấm lên toàn cầu: Mực nước biển dâng cao, nhiệt độ làm bốc hơi nhiều nước hơn
Mức nước biển dâng cao làm tình hình bão thêm tồi tệ. Ảnh NASA.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự dâng cao của nước biển là sự ấm lên toàn cầu khiến cho băng tan ở hai cực và sự giãn nở của nước biển khi nhiệt độ tăng.
Climatesignals.org cho biết, chỉ riêng khu vực vịnh Mexico nơi bão Harvey hình thành thì nhiệt độ nước biển đã ấm hơn trung bình 1,5 đến 4 độ C.
Trước khi đổ bộ vào nước Mỹ, những cơn bão mạnh như Irma đã được hình thành ở vùng nước ấm hơn 30 độ C và sau đó đi qua vùng nước ấm (hơn so với trung bình) từ 0,7 đến 1 độ C, điều này giúp nó được cung cấp nhiều nước và năng lượng hơn để trở thành siêu bão.
Nếu như điều kiện để bão có thể hình thành và phát triển là nhiệt độ nước biển phải cao hơn ít nhất 26 độ C thì dường như khu vực biển Đại Tây Dương hoàn toàn đáp ứng điều kiện này. Xem ảnh dưới:
Nhiệt độ nước biển ở Đại Tây Dương từ ngày 3 đến 6 tháng 9 năm 2017. Ảnh Earthobservatory.nasa.gov.
2. Cường độ bão tăng lên: Lượng mưa kỷ lục, sức gió khủng khiếp
Khi được cung cấp lượng hơi nước nhiều hơn, hiển nhiên những cơn bão sẽ gây mưa nhiều hơn trước rất nhiều, đó là trường hợp kỷ lục của cơn bão Harvey trút tới 125.000 tỷ lít nước mưa xuống Mỹ mà bang Texas là nơi bị tác động nhiều nhất.
Lượng mưa này thậm chí còn nhiều hơn tới 4 lần siêu bão Katrina năm 2005 (theo IFL Science).
Bên cạnh lượng mưa nhiều hơn, sức gió của các cơn bão cũng ngày càng đáng sợ như trường hợp của siêu bão Irma với vận tốc gió cực đại lên tới 305 km/h, đây là kỷ lục cao nhất mà 1 siêu bão hình thành trên biển Đại Tây Dương, ngoài vịnh Mexico đạt được.
Sức mạnh ấy còn được duy trì sức mạnh cơn bão ở cấp độ 5 (cao nhất) tới 3 ngày) đây là một kỷ lục của một cơn bão trong thời kỳ vệ tinh, sức mạnh từ năng lượng xoáy bão tích tụ cũng xếp thứ hai trong thời kỳ vệ tinh.
Nếu so sánh với các cơn bão thông thường khác ở Đại Tây Dương thì năng lượng mà bão Irma sản sinh còn bằng tổng hợp năng lượng của những cơn bão này!
Thị trưởng bang Miami Tomás Regalado nói về cơn bão Irma: "Nếu nó không phải do biến đổi khí hậu, tôi không biết nó là gì nữa".
Nhà khoa học thời tiết Katharine Hayhoe người Canada tại Đại học Công nghệ Texas (được Tạp chí Time bình chọn là trong 100 Nhà tư tưởng Toàn cầu là người) cho rằng sự ấm lên đã làm gia tăng cường độ bão cho rằng:
"Bây giờ rõ ràng là thời gian tốt nhất để có một cuộc đàm luận về ảnh hưởng thực tế của biến đổi khí hậu".
Lượng mưa tăng kỷ lục với những cơn bão gần đây. Ảnh CNN.
Một nhà khí tượng lâu năm tại CNN, người chuyên nghiên cứu về sự ấm lên toàn cầu trong hơn 1 thập kỷ bày tỏ quan điểm: "Bão Irma và Harvey có phải bị tác động bởi biến đổi khí hậu? Chắc chắn rồi".
Và một điều chắc chắn nữa là những gì mà các cơn bão có thể gây ra trong tương lai sẽ còn vượt xa sự tưởng tượng của con người cũng như diễn biến ngày càng khôn lường, khó dự đoán.
Con người không ai khác, cần ngồi lại để tìm ra phương án hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu ngay từ lúc này.
Bài viết được dịch từ các nguồn: CNN, Climatesignals.or, Nytimes.com, Theguardian.com, Earthobservatory.nasa.gov