Bangladesh chìm trong bạo loạn
Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) ngày 21/7 đưa tin, Bangladesh đã ghi nhận ít nhất 133 người thiệt mạng và hơn 900 người vượt biên sang Ấn Độ sau khi bạo loạn dâng cao chưa từng thấy tại quốc gia Nam Á.
Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra tại Bangladesh vào đầu tháng 7 để yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch viên chức. Tuy nhiên sau đó, nó dần trở thành cuộc đụng độ chết người giữa hàng nghìn sinh viên và cảnh sát vũ trang ở thủ đô Dhaka.
Quy định tuyển dụng công chức theo hạn ngạch đang phân bổ 1/3 chỉ tiêu cho các thành viên gia đình cựu chiến binh từng tham gia giành độc lập cho Bangladesh năm 1971.
Tuy nhiên, trong bối cảnh gần 32 triệu người (1/5 dân số Bangladesh) không có việc làm, các sinh viên cho rằng quy định này chỉ có lợi cho những người ủng hộ đảng Liên đoàn Awami của Thủ tướng Sheikh Hasina.
Họ muốn chính phủ xây dựng một chương trình tuyển dụng dựa trên thành tích.
Bạo loạn đang bùng phát dữ dội ở Bangladesh. Ảnh: Economic Times, NPR, CBC
Ngày 18/7, hàng nghìn sinh viên Bangladesh mang theo gậy gộc, gạch đá biểu tình trên đường. Khi cảnh sát đáp trả bằng đạn cao su và hơi cay, những người này đã chống trả, dồn cảnh sát vào trụ sở Đài truyền hình Bangladesh và phóng hỏa đốt một tòa nhà của đài này.
Hàng chục chiếc xe ở lối vào cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia của Bangladesh cũng bị người biểu tình thiêu rụi. Khoảng 60 cảnh sát mắc kẹt trên nóc tòa nhà trong khuôn viên Đại học Canada (ở Dhaka) - nơi xảy ra những vụ đụng độ nghiêm trọng nhất, và phải chờ trực thăng tới giải cứu.
Ngày 19/7, theo hãng thông tấn AFP, người biểu tình đã xông vào một nhà tù ở huyện Narsingdi (cách thủ đô Dhaka khoảng 50 km về phía đông bắc) và thả hàng trăm tù nhân, trước khi đốt cháy trại giam.
Cảnh sát Bangladesh sau đó đã áp dụng biện pháp quyết liệt là nghiêm cấm tất cả các cuộc tụ tập nơi công cộng. Dịch vụ internet trên toàn quốc cũng ngừng hoạt động nhằm ngăn chặn các nỗ lực kêu gọi/tổ chức biểu tình. Tuy nhiên, tình hình không khả quan hơn.
Hình ảnh cuộc bạo loạn tại Bangladesh. Nguồn: Al Jazeera English
Quân đội Bangladesh được huy động trước tình hình bạo loạn diễn biến phức tạp. Nguồn: Tribune
Bangladesh ban hành lệnh giới nghiêm,
chính phủ ra lệnh "bắn ngay tại chỗ"
Tới ngày 20/7, AFP đưa tin, quân đội Bangladesh đã bắt đầu thi hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Xe bọc thép và các binh sĩ vũ trạng hạng nặng liên tục tuần tra trên đường phố thủ đô Dhaka.
Người phát ngôn của lực lượng vũ trang Bangladesh Shahdat Hossain thông báo: "Quân đội Bangladesh đã được triển khai trên toàn quốc để kiểm soát tình hình trật tự và đảm bảo pháp luật được thực thi".
Cũng trong ngày 20/7, theo ghi nhận của phóng viên AFP, cảnh sát Bangladesh đã bắt đầu sử dụng đạn thật để ngăn chặn bạo loạn, thay vì chỉ dùng đạn cao su và hơi cay.
"Cảnh sát Bangladesh đã bắn đạn thật vào người biểu tình ở Dhaka" - AFP cho hay.
Trước đó, theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dhaka, vũ khí của cảnh sát (đạn cao su và hơi cay) đã gây ra hơn một nửa số ca tử vong được ghi nhận tại bệnh viện trong tuần này. Dự kiến, số người thiệt mạng sẽ còn tăng lên sau khi cảnh sát bắt đầu sử dụng đạn thật.
Theo tờ Guardian cho biết, chính phủ Bangladesh đã ban hành lệnh cho phép cảnh sát "bắn ngay tại chỗ". Ông Obaidul Quader - Tổng thư ký Đảng Liên đoàn Awami cầm quyền tại Bangladesh cho biết, lệnh này cho phép cảnh sát nổ súng vào đám đông biểu tình và những người vi phạm lệnh giới nghiêm trong trường hợp nghiêm trọng.
Mặc dù lệnh "bắn ngay tại chỗ" mới áp dụng cho cảnh sát nhưng các hình ảnh do tờ Tribune (Ấn Độ) công bố cho thấy xạ thủ của lực lượng quân đội Bangladesh cũng đã được bố trí tại một số điểm nhất định.
Các nước phản ứng
Trước tình hình bạo loạn diễn ra ở Bangladesh, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức cảnh báo du lịch lên cấp 4 trong ngày 20/7, đồng thời ra khuyến cáo kêu gọi công dân Mỹ cân nhắc việc di chuyển tới quốc gia Nam Á.
"Du khách không nên đến Bangladesh do tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Dhaka. Các cuộc biểu tình và đụng độ bạo lực đã được ghi nhận trên khắp thành phố này và các khu vực lân cận.
Dịch vụ viễn thông đã bị gián đoạn trên toàn quốc. Ví lý do an ninh, có thể sẽ có sự chậm trễn trong việc cung cấp các dịch vụ lãnh sự như thông thường" - Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo qua website chính thức.
Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ đã cho phép các nhân viên không có nhiệm vụ cấp bách và gia đình họ tự nguyện rời khỏi Bangladesh vì lý do an toàn.
Chính phủ Canada cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình hình Bangladesh. Thông qua mạng xã hội X, Ngoại trưởng Melanie Joly kêu gọi tất cả các bên liên quan hợp tác để ngăn chặn bạo lực gia tăng và tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric thì kêu gọi "kiềm chế từ mọi phía".
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Bangladesh đảm bảo môi trường thuận lợi cho đối thoại. Và chúng tôi khuyến khích những người biểu tình tham gia đối thoại để giải quyết bế tắc. Bạo lực không bao giờ là giải pháp" - Ông Dujarric nhấn mạnh.
Về phần Nga, Đại sứ quán Nga tại Bangladesh cho biết, cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục duy trì hoạt động, dù đang gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về hệ thống liên lạc.
"Internet bị ngắt kết nối, liên lạc quốc tế kém và không liên tục. Tuy nhiên, tình hình tại khu vực có Đại sứ quán Nga vẫn tương đối bình lặng" - Hãng thông tấn TASS dẫn lời người đại diện của Đại sứ quán Nga cho hay.