Mới đây, tờ Jerusalem Post (JP) đăng tải bài viết nhan đề "Inside Iran's massive drone army" (tạm dịch: Thâm nhập quân đoàn không người lái khổng lồ của Iran) của nhà phân tích Seth j.Frantzman.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan (JP là một tờ báo lớn và có uy tín của Israel) về năng lực quân sự của Iran, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
"Quân đoàn không người lái" Iran bắt nguồn từ công nghệ Mỹ?
Vào những ngày đầu tháng 6/2020, truyền thông Iran tuyên bố nước này đã trải qua "một cuộc cách mạng máy bay không người lái (UAV) và hiện đang sở hữu phi đội UAV tấn công (UCAV) lớn nhất ở Trung Đông.
Trong những năm gần đây, UAV do Iran sản xuất đã bị cáo buộc là đã tiến hành các cuộc tấn công vào Arab Saudi, "quấy rối" tàu chiến Mỹ và ít nhất một chiếc đã thâm nhập không phận Israel vào năm 2018.
Tehran tuyên bố rằng "quân đoàn không người lái" mà họ đang sở hữu bắt nguồn từ "kỷ nguyên của cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran" với những "công nghệ" thu được từ Không quân Iran trước năm 1979.
Công nghệ nói trên có lẽ đã được sao chép từ những mục tiêu bay MQM-107 Streaker và QM-74 Chukar được Mỹ chế tạo và bán cho Không quân Iran những năm 1970 để cho ra đời UAV HESA Karrar vào năm 2010.
Câu hỏi về việc tại sao Iran lại lựa chọn các nguyên mẫu của Mỹ và mất tới nhiều thập kỷ để cho ra đời loạt UAV nói trên hiện vẫn chưa có lời giải.
Mục tiêu bay MQM-107E của Mỹ và UAV HESA Karrar của Iran.
Tướng Soleimani liên quan tới những chiếc UAV Iran đầu tiên?
Theo hãng tin Fars News của Iran, tiêu hao nhân mạng và khí tài khủng khiếp trong Chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988) là lý do chính khiến Tehran tập trung triển khai các phương tiện không người lái trong hoạt động quân sự.
Mặc dù trang bị các tiêm kích hạng nhẹ F-4 do Mỹ sản xuất nhưng Iran không muốn tung chúng vào chiến trường khi chưa thật sự nguy cấp do nguy cơ bị bắn rơi bởi phòng không và không quân có ưu thế vượt trội của Iraq.
Vào năm 1983, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã quyết định thành lập một tiểu đoàn có tên là Raad (Sấm sét) để vận hành các mô hình máy bay tại Ahwaz thuộc tỉnh Khuzestan gần biên giới với Iraq.
Cũng chính tại đây, Qasem Soleimani (người sau này trở thành tư lệnh Lực lượng Quds của IRGC) đã chỉ huy Sư đoàn 41 tham gia các trận đánh đẫm máu nhất của Chiến tranh Iran - Iraq với mục tiêu vượt qua tuyến đường thủy Shat-Al-Arab để chiếm lấy thành phố Basra ở Iraq.
Nhiều khả năng trong trận Karbala-5 (Sư đoàn 41 của Tướng Soleimani cũng tham chiến), một trận đánh lớn nhất chiến tranh và cũng đã khiến Iraq phải sử dụng vũ khí hóa học vào năm 1987, UAV trinh sát có thể đã được IRGC sử dụng.
Theo Far News, Tiểu đoàn Raad đã cung cấp các hình ảnh có độ phân giải cao được UAV Mohajer-1 ghi lại. Đến cuối cuộc chiến, 940 phi vụ trinh sát đã được tiến hành, 54.000 bức ảnh đã được chụp trong khu vực rộng 187.070 km2 - tương đương phân nửa lãnh thổ Iraq.
Tướng Soleimani (người đã bị UAV Mỹ ám sát tháng 1/2020) trong thời gian Chiến tranh Iran - Iraq đã từ một đại đội trưởng trở thành chỉ huy Sư đoàn 41 "Tharallah" của IRGC khi mới hơn 20 tuổi.
Thiết kế UAV của Iran đến từ đâu?
Vào giữa thập niên 1980, ngành công nghiệp quốc phòng Iran đã phát triển song song hai dòng UAV trinh sát là Mohajer (1985) của Công ty Công nghiệp Hàng không Qods (QAIC) và Ababil (1986) của Công ty sản xuất máy bay Iran (HESA).
HESA có một nhà máy trước đây được vận hành bởi Công ty Textron của Mỹ và có kinh nghiệm chế tạo máy bay trực thăng trước cuộc cách mạng Iran. Quan trọng hơn, Textron cũng đã tham gia quá trình phát triển UAV Pioneer của Israel vào những năm 1980.
Với hai động cơ phản lực tương tự các UAV của Israel cùng thời kỳ, UAV Mohajer của QAIC chủ yếu được bộ binh IRGC mang vác tới khu vực chiến sự với phía Iraq và được thu hồi bằng cách "nhảy dù" xuống địa điểm đã định.
UAV Mohajer-1 được binh sĩ Iran mang vác tới khu vực chiến trường trước khi vận hành trong thời kỳ chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988).
Nguồn gốc các thiết kế của QAIC hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên cũng như HESA, công ty có liên kết với IRGC này nằm trong Tổ chức Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Iran và nhận được chia sẻ công nghệ nhất định từ các đơn vị khác.
Ngoài hai công ty nói trên, Fars News cho biết thêm rằng các trung tâm nghiên cứu hàng không của IRGC (phụ trách việc phát triển các loại tên lửa đạn đạo) cũng tham gia quá trình nghiên cứu và phát triển UAV.
Quá trình này dẫn đến sự ra đời của dòng UAV Shahed, trong đó nổi tiếng nhất là chiếc Shahed 121 đã bay qua tàu sân bay USS Harry Truman vào tháng 1/2016 và tiếp cận tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp.
Hải quân Pháp đã phải phái một trực thăng tới theo dõi chiếc UAV và dường như nó đã tiếp tục "vo ve" xung quanh các khinh hạm FS Provence của Pháp và USS Bulkeley.
Shahed 121 là UAV trinh sát có trọng lượng 30 kg và có thể bay trong 10 tiếng với tốc độ 180km/giờ. Tiếp sau nó là chiếc Shahed-129, được mô phỏng theo MQ-1 Predator nổi tiếng của Mỹ và cất cánh lần đầu tiên vào năm 2012.
Theo tuyên bố của Iran, Shahed-129 được dẫn đường bằng vệ tinh và với phạm vi hoạt động được cho là lên tới 1.700 km, và trần bay là 24.000 feet (7,3 km) nó được cho là có tầm hoạt động xa hơn MQ-1 Predator. Với tải trọng 100 kg UAV được trang bị bom thông minh Sadid.
Mặc dù thua kém đối thủ MQ-9 Reaper hiện đại của Mỹ, tuy nhiên Shahed-129 được cho là một UCAV đáng gờm trên bầu trời Trung Đông.
RQ-170 Sentinel đã mở ra "kỷ nguyên mới" của UAV Iran?
Sau vụ "ép hạ" UAV RQ-170 Sentinel của Mỹ vào năm 2011, Iran đã "sao chép" thành công bằng sự ra đời của UAV Shahed 171 (còn được gọi là Simorgh). Đây được cho là "một chương mới" của năng lực không người lái Iran các công nghệ trinh sát hiện đại trên RQ-170.
Tiếp sau Shahed-171, Iran cho ra đời Shahed-191, một UAV "chiến tranh điện tử" có tốc độ 300 km/giờ trong 4,5 tiếng, trần bay 40.000 feet (khoảng 12 km) và mang theo lượng vũ khí nặng 50 kg (được cho là tương đương trọng lượng của 2 quả bom thông minh Sadid).
Đặc điểm nổi bật của Shahed-191 (còn được gọi là Saegheh-2) này là "khía cạnh chiến thuật" đi cùng với nó. Nó có thể được gắn trên thùng của một chiếc xe, cất cánh bằng cách lái xe nhanh để tạo đủ lực nâng đưa UAV lên cao nhất định trước khi động cơ khởi động.
Iran cho biết nếu thay thế động cơ của Shahed-191 bằng động cơ cánh quạt thay vì động cơ phản lực, nó có thể mang theo 4 quả bom thông minh Sadid.
Tất cả những gì chiếc UAV "tàng hình" này cần là một bề mặt bằng phẳng để xe chạy, thậm chí là đường phố nằm trong đô thị. Theo các nguồn tin chưa được kiểm chứng, Iran cũng đã tìm cách sao chép bí mật UAV Hermes 450 của Israel với cái tên Shahed 133.
UAV Shahed-191 được phóng từ xe bán tải và khai hỏa bom thông minh Sadid.
Báo Israel đánh giá ra sao về sự nguy hiểm của UAV Iran?
Vào năm 2017, Khoảng 50 UAV Iran bao gồm Shahed-129, Shahed-133, Shahed-191... đã tham gia cuộc tập trận Bayt al-Maqdis (đường tới Jerusalem) ở Vịnh Ba Tư. Các UAV đã được vận hành theo nhóm và không kích các vị trí quanh đảo Farur (Farvar) gần Eo biển Hormuz.
Điểm mấu chốt của cuộc tập trận là các UAV cất cánh từ nhiều nơi ở Iran như Khuzestan, Fars, Bushehr và Hormozgan để khẳng định tầm bay của chúng lên tới 1.200 km. Ngoài ra Tehran cũng đã khẳng định về khả năng tấn công chính xác mà các bom thông minh Iran đã "thể hiện".
Người đứng đầu Không quân IRGC Amir ali Hajizadeh được cho là đã lên một chiến lược liên quan tới các loại UAV do Iran sản xuất và được Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei ủng hộ.
Fars News cho rằng: "Sự ủng hộ của lãnh đạo tối cao (Iran) đối với UAV là rất quan trọng vì nó cho thấy các nhà lãnh đạo của Tehran có hiểu biết sâu sắc về thực tế chiến trường.
Tự bản thân những chiếc UAV sẽ không thể đem đến thắng lợi nhưng nếu kết hợp chúng với số lượng lớn (tương tự chiến thuật của các thuyền tấn công nhanh) với hàng loạt vụ tấn công rất có lợi trong việc bao vây đối phương".
Theo Tehran, chi phí sản xuất thấp là "một khía cạnh tích cực" của chiến tranh không người lái và trên thực tế, nhiều cáo buộc cho thấy Iran đã cung cấp công nghệ UAV cho các đồng minh khu vực như Hezbollah ở Lebanon, Quân đội Arab Syria (SAA) hay lực lượng Houthi ở Yemen.
Tàu cao tốc vũ trang của Hải quân IRGC tiếp cận tàu chiến Mỹ tại Vịnh Ba Tư, tháng 4/2020.
Trong vụ tập kích các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi vào tháng 9/2019, Iran bị cáo buộc đã sử dụng 25 UAV và tên lửa hành trình. Và vào mùa hè năm 2020, tàu cao tốc vũ trang của Hải quân IRGC cũng đã sử dụng chiến thuật "bầy đàn" để "quấy rối" các tàu chiến Mỹ.
Iran cũng đã sử dụng UAV để tấn công ISIS vào năm 2016. Nói cách khác, truyền thông Iran đang biến UAV trở thành một "thương hiệu", biểu tượng của ngành CNQP và cũng là một "sức mạnh răn đe" của Tehran.
Iran đang gửi đi một thông điệp: "Chúng tôi có rất nhiều UAV, nếu các vị cố tình gây chuyện với chúng tôi, chúng tấn công nhiều mục tiêu của bạn trong khu vực".
Theo nhà phân tích Trung Đông Elijah Magnier, "căng thẳng trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện mới" khi "các hoạt động quân sự đang được chuẩn bị để đối đầu với Israel và chấm dứt sự hiện diện trái phép của các lực lượng nước ngoài ở Syria".
Nói cách khác, dường như Tehran đang cố gắng tối đa hóa việc sản xuất UAV để chuẩn bị cho một số cuộc đối đầu với Mỹ, Israel hoặc Arab Saudi trong tương lai.
Các đám cháy sau cuộc tập kích bằng UAV và tên lửa hành trình vào cơ sở dầu mỏ Arab Saudi tháng 9/2019 (Nguồn Reuters).