Báo Israel: S-400 Nga có "siêu năng lực" làm thế giới hỗn loạn mà không cần bắn tên lửa

Lâm Vy |

Các đồng minh của Mỹ đang "đổ nghiêng đổ ngả" vì S-400, điều khiến Washington phải bẽ bàng.

S-400: Công cụ ngoại giao của Nga

Mỹ đã ngừng tiếp nhận thêm các phi công Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình huấn luyện F-35 – Reuters đưa tin hôm 7/6. Cùng ngày, Nga thông báo nước này chưa hề nhận được đề nghị nào của Iran về việc mua các hệ thống phòng không S-400.

Cả 2 tin tức này đều liên quan tới các thỏa thuận cung cấp S-400 của Nga và cách mà Moscow sử dụng hệ thống phòng không tiên tiến của mình như một công cụ ngoại giao ở Trung Đông.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý mua tổ hợp S-400 và dự kiến sẽ được chuyển giao trong tháng này. Điều đó đã khiến Mỹ nổi giận.

Không lâu trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga còn ở hai phía đối lập trong cuộc chiến tranh Syria: Nga hỗ trợ chính quyền Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn các tổ chức nổi dậy. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hai quốc gia đã tiến tới gần nhau hơn thông qua các thỏa thuận năng lượng và mối quan hệ hợp tác để thiết lập thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.

Báo Israel: S-400 Nga có siêu năng lực làm thế giới hỗn loạn mà không cần bắn tên lửa - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga trên Quảng trường Đỏ tháng 5/2018.

Nga hiểu rằng việc nước này bán hệ thống phòng không cho Ankara sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO và là một thành viên trong chương trình tiêm kích thế hệ năm F-35.

Tuy nhiên, Washington tuyên bố thỏa thuận S-400 có thể phá vỡ mối quan hệ Mỹ-Thổ trong chương trình F-35. Các phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tham gia huấn luyện từ năm ngoài nhưng cuối tháng 5 vừa qua, các báo cáo cho biết Mỹ có thể đã từ chối tiếp nhận thêm các phi công đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai quan chức Mỹ cho biết quyết định này vẫn có thể được thay đổi và chỉ ảnh hưởng tới nhóm phi công, cùng kíp bảo dưỡng tiếp theo của Ankara.

"Chưa có quyết định chính thức nào về việc tạm ngưng chương trình đào tạo các phi công và kíp bảo dưỡng Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân Luke ở Arizona" – hai quan chức nói, song đây có thể là diễn biến tiếp theo nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thỏa thuận S-400. Hiện có 4 phi công Thổ Nhĩ Kỳ đang được đào tạo tại Mỹ.

Không ngạc nhiên khi Mỹ trở nên giận dữ. S-400 là sản phẩm do đối thủ của Washington chế tạo. Việc nó được triển khai tại cùng một quốc gia với F-35 có thể tạo điều kiện cho Nga tìm ra cách đối phó với mẫu tiêm kích tiên tiến của Mỹ.

Điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ mục đích ban đầu, là có trong tay một mẫu máy bay tiên tiến có thể qua mặt được các hệ thống như S-400.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần tuyên bố Ankara sẽ không hủy bỏ thỏa thuận. Hôm 4/6, ông Erdogan một lần nữa khẳng định "Chúng tôi đã tiến tới một thỏa thuận và sự quyết tâm của chúng tôi chứng minh điều đó. Không có lý nào chúng tôi phải từ bỏ cả".

Ông Erdogan đồng thời cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cân nhắc khả năng mua hệ thống phòng không Patriot từ Mỹ theo như hướng hai phía đã thỏa thuận vào tháng 12/2018.

Trong khi đó, Mỹ đã thành lập một nhóm riêng để xem xét những tranh cãi xung quanh thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Washington cho biết họ vẫn duy trì quan điểm rằng thỏa thuận này "không thể chấp nhận được".

Khả năng làm bẽ mặt Washington

Hôm 30/5, xuất hiện những thông tin đầu tiên cho biết Nga đã từ chối đề nghị mua S-400 của Iran. Tờ Bloomberg cho biết Ngoại trưởng Iran đã tới thăm Moscow hôm 7/5 và Kremlin đã từ chối đề nghị của Tehran.

Trong tháng qua, căng thẳng giữa Mỹ-Iran đã dâng cao khi Washington cáo buộc Tehran gây ra nhiều mối đe dọa ở vùng Vịnh. Nga có vẻ không muốn gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực.

Chính sách làm giảm căng thẳng của Nga là một phần trong chính sách rộng lớn hơn của nước này ở Syria. Moscow đã đồng ý tham gia cuộc gặp 3 bên với Mỹ và Israel trong tháng này. Nước này cũng tìm cách giảm căng thẳng tại Syria trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa Israel và Syria đang gia tăng vì Iran.

Đã có 4 cuộc tấn công, trong đó có các cuộc không kích từ Israel, nhằm vào Syria từ ngày 27/5 – 6/6. Nga không muốn có một cuộc xung đột khác tại Syria bởi đồng minh của họ đang phải chiến đấu chống lại quân nổi dậy ở Idlib.

Báo Israel: S-400 Nga có siêu năng lực làm thế giới hỗn loạn mà không cần bắn tên lửa - Ảnh 2.

Nhiều đồng minh của Mỹ đang thể hiện sự quan tâm lớn đến hệ thống phòng không của Nga.

Nga và Thổ đã ký thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib trong tháng 9/2018 nhưng thỏa thuận đó nhanh chóng bị phá vỡ bởi các cuộc giao tranh quy mô lớn giữa quân đội Syria và quân nổi dậy tại đó.

Giảm căng thẳng là điều rất quan trọng với Nga, bởi Moscow có một căn cứ quân sự ở Latakia, gần Idlib. Do đó, bất cứ căng thẳng nào ở phía nam, giữa Israel và Syria, đều sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu của Moscow trong khu vực. Điều này cũng bao gồm căng thẳng leo thang giữa Mỹ-Iran và Israel-Iran.

Theo quan điểm của Moscow, cuộc chiến tranh khu vực giữa Mỹ, cùng đồng minh, với Iran sẽ là một thảm họa.

Mặc dù Nga có thể vui mừng khi thỏa thuận S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ được thông qua nhưng có vẻ nước này không mấy hứng thú với việc dùng S-400 để thắt chặt mối quan hệ liên minh với Iran.

Ngày 7/6, Phó thủ tướng Yury Borisov cho biết Moscow chưa hề nhận được lời đệ nghị từ Iran về việc "cung cấp các hệ thống phòng không S-400". Tờ TRT và một số tờ báo khác của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn lại tuyên bố này từ Nga.

Trước đó, theo truyền thông Syria, ông Borisov đã có cuộc gặp với một phái đoàn Syria vào hôm 5/6 và cho thấy mối quan tâm chính của Nga lúc này vẫn là Syria, chứ không phải Iran.

Ông Borisov khẳng định những báo cáo liên quan tới Iran và S-400 là "tin tức giả".

Phản ứng của Nga trước các thông tin liên quan tới việc Iran muốn mua S-400 cũng được hãng tin Fars News của Iran đăng tải.

Theo tờ Jerusalem Post (Israel), cứ cho những gì Nga nói là thật thì những gì diễn ra vẫn cho thấy các vấn đề liên quan tới hệ thống S-400 và vai trò của Nga trên khắp khu vực có tầm quan trọng rất lớn.

Tin đồn về mối quan tâm của Iran đối với S-400 có thể được tung ra để kiểm tra phản ứng của Mỹ-Israel.

Iran không phải là quốc gia duy nhất muốn có được hệ thống này ở Trung Đông. Hôm 15/5, hãng thông tấn TASS của Nga cho biết Iraq cũng đang tìm cách mua các tổ hợp này.

Mỹ đang tham gia chặt chẽ vào quá trình huấn luyện và trang bị cho các lực lượng Iraq, điều đó có nghĩa một đồng minh khác của Washington trong khu vực có thể trở thành thành viên tiếp theo của "câu lạc bộ S-400".

Năm ngoái, CNBC cho biết Saudi Arabia, Qatar, Algeria, Morocco và Ai Cập cũng đã thảo luận khả năng mua S-400.

Saudi Arabia, Qatar, Ai Cập và Morocco đều là đồng minh của Mỹ, trong đó Saudi Arabia là đối tác quân sự quan trọng, còn Qatar là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự. Washington cũng đã hậu thuẫn quân đội Ai Cập kể từ những năm 1980.

Với những gì đã và đang diễn ra hiện nay, Jerusalem Post cho rằng, ngoài khả năng chiến đấu trên chiến trường, hệ thống S-400 của Nga còn có một khả năng khác, đó là làm bẽ mặt Washington và gây nhiễu loạn mạng lưới đồng minh truyền thống của Mỹ trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại