Ngày 6/8, tờ Israel National news cho đăng tải bài viết có tựa đề "Beirut explosives 'could have been made into fuel for missiles" tạm dịch "Kho 'thuốc nổ' ở Beirut có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa", đưa ra thông tin khá bất ngờ đó là 2.750 tấn ammonium nitrate được lưu giữ ở cảng Beirut của Lebanon có thể thuộc về phong trào Hồi giáo Hezbollah.
Cụ thể, theo chuyên gia về các vấn đề Ả Rập, Ehud Yaari kho chứa hàng ngàn tấn hợp chất hóa học ammonium nitrate ở Beirut có liên quan đến Hezbollah và nó có thể được sử dụng để chế tạo rocket.
Hình ảnh được cho là kho chứa ammonium nitrate ở cảng Beirut trước khi thảm họa xảy ra. Ảnh: The Mirror.
Ông Yaari cho rằng một bức tranh toàn cảnh về nguyên nhân vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4/8 vẫn chưa rõ ràng thế nhưng phía Lebanon đã vội vàng kết luận thảm họa trên là sự cố ngoài ý muốn. Điều này khiến chuyên gia người Israel đặt ra nhiều nghi vấn về sự can thiệp của Hezbollah nhằm ngăn các nhà điều tra đưa sự thật ra ánh sáng.
Mặc dù, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab hứa sẽ trừng phạt bất cứ ai có liên quan đến thảm họa ở Beirut thế nhưng nó không giải thích được tại sao gần 3.000 tấn hợp chất hóa học được xếp vào hạng nguy hiểm được lưu giữ một cách sơ sài ngay giữa thủ đô Lebanon trong suốt 6 năm mà không ai đoái hoài (từ năm 2014).
Dựa trên một số nguồn tin riêng của Yaari, người thực sự nắm quyền điều hành cảng Beirut là anh rể của Hassan Nasrallah - thủ lĩnh phong trào Hezbollah, rõ ràng họ biết về kho hóa chất trên và có liên quan đến chúng.
Cũng theo ông Yaari, mặc dù ammonium nitrate là một hợp chất hóa học được sử dụng chủ yếu để chế tạo phân bón nhưng nó cũng có thể được điều chế để tạo thành thuốc nổ công nghiệp. Ở một khía cạnh khác, ammonium nitrate cũng có khả năng được sử dụng để chế tạo nhiên liệu rắn cho tên lửa hoặc rocket.
Ảnh chụp vệ tinh cảng Beirut trước và sau vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: Rabzthecopter.
Cũng cần phải nói thêm là hầu hết các loại rocket hoặc tên lửa của Hezbollah hiện tại đều sử dụng động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn.
Với sự giúp đỡ của một số nhà khoa học, chuyên gia Yaari đã so sánh vụ nổ ở Beirut với các thảm họa tương tự và đưa ra kết luận rằng chúng không giống nhau.
"Thảm họa ở Beirut hoàn toàn khác biệt, nó được kích hoạt với ít nhất hai vụ nổ liên tiếp", chuyên gia Yaari nhấn mạnh.
Do đó, chuyên gia Yaari tin rằng kho chứa ammonium nitrate ở cảng Beirut có liên quan đến Hezbollah cũng như việc phong trào này bắt đầu chế tạo tên lửa với sự hỗ trợ của Iran trong thời gian gần đây.
Được biết, ngay sau khi vụ nổ ở cảng Beirut diễn ra, phong trào Hezbollah đã phát đi thông báo không có liên quan đến thảm họa này.
Tính tới thời điểm hiện tại, vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4/8 đã làm ít nhất 137 người thiệt mạng và làm 5.000 người khác bị thương, hơn 300.000 người mất nhà cửa.
Cận cảnh hiện trường vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut.