Dù đã nhận được phản hồi từ LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) về trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Thái Lan, LĐBĐ Indonesia có vẻ như vẫn chưa hài lòng. Thậm chí, Tổng thư ký PSSI, ông Yunus Nusi còn nhấn mạnh sẽ tiến hành một cuộc họp để cân nhắc khả năng có rời AFF hay không.
Chủ tịch PSSI, Mochamad Iriawan. Ảnh: Bola Times.
Giữa lúc vấn đề chưa có dấu hiệu lắng xuống, Liên đoàn bóng đá Ấn Độ (AIFF) lại có nguyện vọng muốn gia nhập AFF. Trước đó, tờ Times of India (Ấn Độ) dẫn lời của Tổng thư ký AIFF, ông Kushal Das cho rằng gia nhập AFF sẽ giúp ĐT Ấn Độ có thêm giải đấu chất lượng để thi đấu và mang đến sự tươi mới cho giải vô địch AFF Cup.
Đáp lại ý tưởng này, AFF đưa ra nhiều phương án giải quyết. Một trong số phương án được tính đến là đưa cả Australia và Ấn Độ cùng gia nhập AFF.
Theo tờ báo Suara (Indonesia), trong trường hợp đội nhà không rời khỏi AFF, đồng thời có thêm sự xuất hiện của Ấn Độ. Khi đó, ĐT Indonesia sẽ gặp khó khăn vì có đối thủ mới.
Ký giả Setiawan của tờ báo này chỉ ra một số ảnh hưởng tiêu cực mà ĐT Indonesia phải đối mặt: "Đầu tiên, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn bởi ĐT Ấn Độ là một trong những đối thủ mạnh nhất của bóng đá Đông Nam Á.
Tại giải vô địch Nam Á (SAFF Cup), họ đã 8 lần giành chức vô địch vào các năm 1993, 1997, 1999, 2005, 2009, 2011, 2015 và 2021. Trong bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển quốc gia có biệt danh "Những chú hổ xanh" cũng xếp thứ 104, cao hơn hầu hết các đội tuyển thuộc Đông Nam Á.
Thứ hai, Indonesia sẽ thường xuyên phải thi đấu ở nơi xa lạ vì các trận đấu loại trực tiếp ở AFF Cup thường áp dụng luật sân nhà – sân khách. Khi đó, Indonesia phải trải qua một chặng đường di chuyển dài hơn. Điều này khó khăn hơn việc đá sân khách khi gặp các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba là sự lãng phí về ngân sách. Nếu làm khách trên sân Ấn Độ thì PSSI tốn chi phí cho đội bóng nhiều hơn, do quãng đường di chuyển bằng đường hàng không tỷ lệ thuận với tổng chi phí phát sinh cho việc đi lại và ăn ở".
Ấn Độ từng đánh bại Thái Lan 4-1 ở vòng bảng Asian Cup 2019.
Theo tờ Suara tiết lộ, các lãnh đạo của PSSI sẽ ngồi lại với nhau để phân tích những mặt tích cực và tiêu cực khi rời khỏi AFF. Từ đó, PSSI sẽ có câu trả lời cụ thể trong tuần tới.
Mặc khác, tờ báo này cũng cho rằng việc PSSI rời khỏi AFF rất khó xảy ra. Dẫn chứng cho nhận định này, ký giả Aditia Rizki lập luận: "Một trong những hệ quả của việc PSSI quyết định rời AFF và gia nhập EAFF là khoảng cách xa hơn đối với ĐT Indonesia. Điều kiện này chắc chắn sẽ khác nếu Indonesia chỉ đá các trận gặp các đội bóng ở Đông Nam Á. Nhưng khi làm khách trên sân các quốc gia ở khu vực Đông Á, ĐT Indonesia phải di chuyển quãng đường xa hơn nên ảnh hưởng đến thể lực của các cầu thủ.
Ngoài ra, các khoản chi phí cũng cần được PSSI cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn gia nhập EAFF. Vì khi đó, ngân sách phát sinh sẽ cao hơn rất nhiều. Đồng thời, việc mời các đội bóng này đến Indonesia thi đấu cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với các đội tuyển ở Đông Nam Á".
Thực tế, vấn đề PSSI muốn rời khỏi AFF sẽ sớm có kết quả, trước khi lễ bốc thăm AFF Cup 2022 diễn ra trong tháng Tám này tại Băng Cốc (Thái Lan).