Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 18/8 dẫn tin của mạng Forbes Mỹ cùng ngày cho biết, các vệ tinh thương mại đã chụp được ảnh Trung Quốc triển khai 2 máy bay chiến đấu J-20 tại sân bay Hòa Điền ở Tân Cương.
Đây là lần đầu tiên vệ tinh nước ngoài chụp được ảnh Trung Quốc triển khai máy bay J-20 ở phía nam Tân Cương.
Ngoài J-20, các máy bay chiến đấu J-16 và máy bay ném bom H-6K của Chiến khu Miền Tây PLA gần đây cũng đã được triển khai tới các sân bay khác nhau ở Tân Cương.
Hòa Điền là một trong những sân bay quân sự chính ở Tân Cương, cách khu vực Ladakh ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ khoảng 300 km.
Ngoài J-20 gần đây được triển khai tới sân bay này, các máy bay chiến đấu kiểu mới như J-16 và H-6K cũng đã được triển khai tới sân bay Kashgar ở Tân Cương để uy hiếp kẻ thù tiềm tàng ở phía Tây.
2 máy bay tiêm kích tàng hình J-20 được triển khai tới sân bay Hòa Điền, Tân Cương (Ảnh: Đa Chiều).
Trước đó, trong đoạn phim tuyên truyền do không quân PLA phát hành ngày 1/7, cũng có cảnh một lữ đoàn J-16 mang tên lửa không đối không tầm xa PL-15 làm nhiệm vụ trực chiến trên cao nguyên.
J-20 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc hiện được trang bị cho các đơn vị ở các Chiến khu Miền Đông, Chiến khu Trung tâm và Miền Tây.
Ở Cam Túc có một đơn vị được trang bị J-20, có thể là máy bay của đơn vị này đã được điều đến Hòa Điền để huấn luyện.
Tuy nhiên, phân tích của Forbes cho rằng ý nghĩa chiến đấu thực tế của việc triển khai hai chiếc J-20 là không lớn.
Nếu chỉ có 2 chiếc J-20 được triển khai ở Hòa Điền, thì chúng chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra nhiều nhất một lần mỗi ngày. Nếu phi đội J-20 được nhân đôi lên thành 4 chiếc, thì sẽ có 2 máy bay trực chiến mỗi ngày.
Tuy nhiên, Forbes thừa nhận hiện không rõ PLA rốt cuộc đã triển khai bao nhiêu chiếc J-20 tại sân bay này.
Hiện nay tình hình căng thẳng ở biên giới Trung - Ấn vẫn tiếp tục leo thang. Theo trang web Forbes, Ấn Độ cũng đang triển khai máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang ở khu vực biên giới, Ấn Độ đã triển khai tới đây các máy bay chiến đấu Su-30, MiG-29 và MiG-29K.
Ngoài các máy bay chiến đấu, Không quân Ấn Độ đã triển khai 2 trực thăng vũ trang hạng nhẹ LCH do Ấn Độ sản xuất tới khu vực Ladakh đang tranh chấp.
Giàn phóng đạn phản lực tầm xa PHL-03 diễn tập ở Tây Tạng (Ảnh: NDNB).
Cũng theo Đa Chiều, trang Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/8 đã đăng tải đoạn video về hoạt động huấn luyện quân sự trên cao nguyên của Quân khu Tây Tạng khiến dư luận chú ý.
Nội dung cho thấy cách quân đội Trung Quốc tấn công quân đội Ấn Độ ở biên giới một khi nổ ra cuộc chiến.
Theo đoạn phim, Quân khu Tây Tạng gần đây đã tiến hành một cuộc diễn tập bắn đạn thật đa binh chủng, nhiều loại vũ khí tại vùng giữa dãy Himalaya ở độ cao hơn 4.600 mét để kiểm tra khả năng tấn công phối hợp hỏa lực đa binh chủng.
Cuộc tập trận đã huy động các đơn vị lựu pháo, pháo phản lực tầm xa và phòng không.
Trong số các vũ khí hạng nặng, thấy xuất hiện các bệ phóng tên lửa tầm xa PHL-03 với tầm bắn tối đa hơn 150 km; lựu pháo 122mm gắn trên xe PLC-161, là phiên bản mới nhất của hệ thống pháo binh số hóa, có khả năng phản ứng nhanh mạnh mẽ; tên lửa phòng không Hongqi-16, có thể được sử dụng để đánh chặn máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, v.v.
Với tầm bắn tối đa 70 km; tên lửa chống tăng Hongjian-10 có thể tấn công xe tăng, xe bọc thép và trực thăng bay thấp với tầm bắn tối đa hơn 10 km.
Tên lửa chống tăng Hongjian-10 được phóng trong cuộc diễn tập (Ảnh: NDNB).
Trong cuộc diễn tập, các đơn vị phòng không đầu tiên sử dụng tên lửa Hongqi-16 để đánh chặn và bắn hạ tên lửa đối phương.
Sau đó, hỏa lực tầm xa bắn tên lửa dẫn đường chính xác mô phỏng các cuộc tấn công vào sở chỉ huy tung thâm, bệ phóng tên lửa, trung tâm thông tin liên lạc của đối phương, ... tiêu diệt hoàn toàn hệ thống liên lạc chỉ huy phía sau và vũ khí phản công quan trọng của đối phương.
Sau đó, pháo xe kéo, pháo gắn trên xe, giàn pháo phản lực, sử dụng các biện pháp bắn đồng loạt, bắn nhanh để bao phủ hỏa lực vào các vị trí tiền tuyến, boongke, doanh trại và các mục tiêu khác của đối phương. Sau đó các bệ phóng tên lửa thực hiện tiêu diệt chính xác các mục tiêu kiên cố còn lại của địch.
Từ cuộc tập trận này có thể thấy nếu chiến tranh Trung-Ấn bắt đầu, PLA trước tiên sẽ đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu tấn công và trinh sát trên không của quân đội Ấn Độ; sau đó sử dụng lợi thế về hỏa lực tầm xa để cắt đứt các liên kết chỉ huy và liên lạc giữa hậu phương và mặt trận, tập trung hỏa lực tấn công cho đến khi các vị trí ở tiền tuyến của quân đội Ấn Độ bị xóa sổ.
Tuy nhiên, để đối phó với nguy cơ bị tấn công, quân đội Ấn Độ cũng đã tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực biên giới, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ đưa quân và trang thiết bị tới biên giới, nước này còn triển khai các loại trực thăng vũ trang, máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không và trang thiết bị mặt đất tiên tiến.
Tên lửa phòng không Hongqi-16 của Trung Quốc triển khai trong cuộc diễn tập trên cao nguyên Tây Tạng (Ảnh: NDNB).
Trong số đó, các máy bay chiến đấu Rafale do quân đội Ấn Độ mua từ Pháp được gửi gắm nhiều hy vọng, cho là có thể đối phó hiệu quả với không quân của Trung Quốc ở biên giới Trung-Ấn.
Một số phương tiện truyền thông Ấn Độ thậm chí còn tung hô: Rafale có thể đánh bại J-20.
Ngày 17/8, các bức ảnh vệ tinh lan truyền trên Internet Trung Quốc cho thấy 2 máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đã xuất hiện tại sân bay Hòa Điền ở Tân Cương, cách biên giới Trung-Ấn 300 km và cách Leh, thị trấn quân sự của Ladakh chỉ 380 km.
Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy ngoài J-20, sân bay Hòa Điền đã triển khai ít nhất 6 máy bay chiến đấu J-8, 2 máy bay cảnh báo sớm KJ-500, 2 máy bay vận tải Y-9 và 24 máy bay chiến đấu J-11.