Cụ thể theo BHXH Việt Nam, hiện tại, 63/63 tỉnh, thành phố đã liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Công tác khám, chữa bệnh BHYT cho trẻ được thực hiện theo quy trình thông suốt giữa các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số trẻ em cần khám, chữa bệnh ngay sau khi sinh ra nhưng chưa có giấy khai sinh, khiến một số trẻ chưa được tiếp cận kịp thời với chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, việc cấp mã thẻ BHYT tạm thời cho trẻ thể hiện sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với trẻ em, bảo đảm không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Trường hợp trẻ sơ sinh cần điều trị ngay từ khi được sinh ra mà tử vong, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi văn bản thông báo kèm bản tóm tắt hồ sơ bệnh án của trẻ đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT để cơ quan bảo hiểm xã hội lập danh sách những trường hợp này gửi Sở Tài chính nơi người mẹ cư trú hoặc Sở Tài chính nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở (đối với trường hợp trẻ sơ sinh không có người nhận hoặc bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) để Sở Tài chính chuyển kinh phí theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí được đóng bằng nguồn ngân sách nhà nước. Theo đó, trẻ em khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật.
Còn đối với trường hợp trái tuyến thì tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (trước đây là 60%); Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Với quy định này, trẻ dưới 6 tuổi khi tham gia khám chữa bệnh trái tuyến tỉnh và trung ương chỉ được quỹ BHYT chi trả khi điều trị nội trú. Nếu đi khám bệnh, điều trị ngoại trú ở tuyến tỉnh và trung ương thì sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, Quỹ BHYT sẽ không hỗ trợ chi trả về trường hợp này.