Ngày 21-4, Công an TP HCM cho biết đã tiếp nhận đơn của nhiều người dân tố cáo liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Manulife phân phối qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Nhân viên ngân hàng giới thiệu bảo hiểm
Theo đó, chỉ tính từ ngày 18 đến 20-4, 146 đơn tố cáo của người dân gửi tiền tiết kiệm tại SCB nhưng bị "hô biến" thành gói bảo hiểm có tên gọi là sản phẩm "Tâm an đầu tư" của bảo hiểm Manulife đã được gửi tới Công an TP HCM.
Người dân đến Công an TP HCM tố cáo .Ảnh: PHẠM DŨNG
Một trong những người tố cáo, chị Đ.T.M.L (quận Bình Tân, TP HCM) cho hay trong năm 2020 khi đến SCB để đáo hạn sổ tiết kiệm thì được nhân viên giới thiệu có gói tiết kiệm đầu tư sinh lãi cao. Nếu tham gia sẽ được tặng thêm bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ khi có rủi ro.
Năm đầu tiên chị đóng 100 triệu đồng, sang năm thứ 2 rơi vào dịch COVID-19 nên không đi đâu được, chị được nhân viên ngân hàng gọi điện "chia sẻ" về dịch bệnh khó khăn rồi gợi ý điều chỉnh giảm đóng. Nhân viên này yêu cầu chị L. sau khi tình hình bình thường trở lại thì ra phòng giao dịch để ký tên về sự điều chỉnh trên.
"Đến tháng 10-2022, khi có vụ lùm xùm ở ngân hàng này thì kiểm tra lại hợp đồng mới tá hỏa là bảo hiểm nhân thọ. Tìm đến ngân hàng, tôi được trả lời nhân viên tư vấn đã nghỉ việc. Liên hệ Manulife thì nhận được thông tin nếu rút tiền ra ngay thì chẳng được bao nhiêu" - chị L. nói.
Anh H.C.D. ở quận 8 cho biết gia đình anh có nhiều sổ tiết kiệm tại SCB, trong đó 2 sổ với tổng số tiền hơn 361 triệu đồng. Khi đến thời gian đáo hạn, anh được nhân viên ngân hàng tư vấn sang gói tiết kiệm đầu tư sinh lợi với lãi 9%, còn được tặng thêm 5 triệu đồng và 1 chỉ vàng. Theo anh D., nhân viên tư vấn không cung cấp thông tin đầy đủ, không nói cụ thể đây là bảo hiểm nhân thọ cũng như sản phẩm "Tâm an đầu tư". Nếu biết rõ, anh đã không tham gia.
Một trường hợp khác, chị H.T.P (ngụ TP Thủ Đức) kể tháng 6-2021 chị đến một chi nhánh SCB gửi tiết kiệm và được tư vấn mua sản phẩm bảo hiểm với mức phí đóng 100 triệu đồng cố định và 150 triệu đồng linh hoạt. Hơn 1 năm sau, chị không thấy lãi đầu tư chuyển về, liên lạc với SCB thì được biết phía Manulife chỉ có thể hoàn cho chị 124 triệu đồng, còn 100 triệu đồng có nguy cơ mất trắng vì nếu theo phải duy trì đóng trong 7 năm tiếp theo với số tiền 97 triệu đồng/năm…
SCB, Manulife nói gì?
Để rõ thêm thông tin, phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều lần liên hệ với SCB và Manulife. Phía SCB cho biết chưa có thông tin gì mới. Khi nhận được đơn khiếu nại của khách hàng, SCB sẽ tổng hợp và chuyển cho Manulife để trả lời vì công ty bảo hiểm ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng.
Trong khi đó, Manulife cho biết đã ghi nhận thông tin liên quan việc khách hàng gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an. Công ty này cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu. Việc này nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết.
Theo tìm hiểu, trong hơn 140 đơn tố cáo gửi đến, Công an TP HCM ghi nhận 2 trường hợp không hợp lệ nên đã trả lại tài liệu cũng như có hướng dẫn gửi đơn lại. "Việc người dân tố cáo chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về việc tiếp nhận đơn tố giác tội phạm" - lãnh đạo Công an TP HCM thông tin.
Về vấn đề giải quyết đơn tố giác tội phạm, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM - cho biết điều 147 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh. Từ đó, ra một trong những quyết định như: Quyết định khởi tố vụ án; quyết định không khởi tố vụ án; quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng… Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động như thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...
Mong giải quyết sớm
Chị P.L.T.K (quận 10), một trong những người cùng chung nguy cơ mất tiền, cho biết các nạn nhân trước đó đã thành lập nhóm gần 400 người đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước để chia sẻ những câu chuyện bị "gợi ý" mua bảo hiểm.
Sau khi hàng trăm nạn nhân "Tâm an đầu tư" gửi đơn tố cáo lên Công an TP HCM thì nhóm trên có thêm gần 60 người xin tham gia để biết cách làm hồ sơ, đơn tố cáo như thế nào. Từ đó, gửi nội dung tố cáo đến cơ quan công an một cách đúng nhất để được giải quyết sớm nhất.