Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng tàu ngầm mới hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) có thể là những lựa chọn tiếp theo khi Triều Tiên muốn tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân.
Các bước đi tiềm tàng nhất mà Triều Tiên có thể thực hiện như một cách để tăng cường khả năng hạt nhân sẽ là phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) và hạ thủy một tàu ngầm mới, mặc dù Bình Nhưỡng dự kiến sẽ phải đối mặt với một tình thế khó xử trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các chuyên gia cho biết hôm thứ Hai.
Sau một tuần vắng bóng trước công chúng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã triệu tập cuộc họp Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên và thảo luận về "các chính sách mới để tăng thêm năng lực răn đe tác chiến hạt nhân", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên đưa tin hôm Chủ nhật.
Thông báo này đã thu hút sự chú ý đến một cảnh báo được Triều Tiên đưa ra vào cuối năm ngoái rằng họ sẽ ra mắt một "vũ khí chiến lược mới" và có thể "hành động mạnh" trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Hoa Kỳ.
Hoàn thiện bộ ba hạt nhân chiến lược
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có tầm bắn lớn hơn, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) hoặc tàu ngầm có khả năng bắn SLBM đã được trích dẫn là vũ khí chiến lược mới mà nước này có thể ra mắt.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết họ đã giám sát chặt chẽ các hoạt động của Triều Tiên liên quan đến việc chuẩn bị cho ra mắt tàu ngầm mới, lần đầu tiên được tiết lộ vào tháng 7 năm 2019.
Tàu ngầm này, được cho là nặng 3.000 tấn, có khả năng mang theo ba SLBM và đang được xây dựng tại căn cứ hải quân của họ ở Sinpo trên bờ biển phía đông.
"Con tàu này dường như đã sẵn sàng để được triển khai," một nguồn tin quân sự cho biết. "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ khi nào Triều Tiên sẽ tổ chức lễ ra mắt."
Đầu tháng này, Cơ quan Tình báo Quốc gia Seoul đã lưu ý rằng các tàu ngầm lớp Gorae 2.000 tấn và thiết bị phóng tên lửa dưới nước đã được phát hiện tại xưởng đóng tàu Sinpo.
Hiện tại, Triều Tiên được cho là có 70 tàu ngầm, trong đó có khoảng 20 chiếc Romeo loại 1.800 tấn. Nhưng hầu hết trong số chúng được cho là đã lỗi thời và không phù hợp với các hoạt động ngoài vùng biển ven bờ.
Triều Tiên cũng có thể tiến hành các thử nghiệm bổ sung cho SLBM mới nhất của họ, Pukguksong-3, sau lần phóng thử nghiệm đầu tiên vào tháng 10/2019 ngoài khơi bờ biển phía đông gần Wonsan.
Được phân loại là tên lửa tầm trung, Pukguksong-3 được cho là phiên bản nâng cấp của tên lửa Pukguksong-1. Trong cuộc thử nghiệm hồi tháng 10 năm ngoái, tên lửa này đã bay khoảng 450 km ở độ cao tối đa khoảng 910 km, theo Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS).
Cùng với các máy bay ném bom có khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), SLBM hoàn thành kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Triều Tiên.
SLBM, về tổng thể, có tỷ lệ chính xác thấp hơn ICBM và chỉ có thể mang đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn. Nhưng SLBM có thể được sử dụng một cách hiệu quả để khởi động một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa bất ngờ chống lại các mục tiêu mềm nếu Triều Tiên đối mặt với "cuộc tấn công phủ đầu" từ các lực lượng đối thủ.
Theo các quan chức tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên đã phát triển hai tên lửa loại Pukguksong và tầm bay của chúng đạt khoảng 1.300 km.
Tăng cường sức ép đàm phán hạt nhân
Shin Jong-woo, một nhà phân tích cao cấp tại Diễn đàn an ninh quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul nói: "Vũ khí này sẽ kéo theo các mối đe dọa không chỉ cho khu vực mà cả an ninh toàn cầu, vì các tên lửa được phóng từ dưới nước rất khó phát hiện. Nó còn có thể được thiết kế để phóng từ các hộp vũ khí để có thể dễ dàng vận chuyển".
Trong cuộc họp quan trọng trên, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đề bạt Ri Pyong-chol, người phụ trách chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa, lên vị trí Phó chủ tịch ủy ban. Pak Jong-chon, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên phụ trách lực lượng pháo binh, cũng được thăng cấp phó nguyên soái.
"Việc thăng chức của họ cho thấy ông Kim sẽ tiếp tục mở rộng khả năng hạt nhân và tên lửa của đất nước này trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ với Hoa Kỳ," Shin nói thêm.
Tuy nhiên, sự thúc đẩy mới nhất về phát triển khả năng hạt nhân dường như cũng gây thêm áp lực cho Hoa Kỳ để có những bước đi cụ thể hóa giải cuộc đối thoại bế tắc hiện tại và thắt chặt kỷ luật giữa các tổ chức quân sự của chính họ, hơn là lời cảnh báo về các động thái khiêu khích sắp xảy ra, theo các chuyên gia.
"Triều Tiên dường như đang triển khai hoặc sẽ sớm triển khai các tên lửa tầm ngắn mới được công bố vào năm ngoái và dự kiến sẽ tối đa hóa các khí tài đó như đòn bẩy trong một khoảng thời gian, thay vì vượt qua lằn ranh đỏ", theo Hong Min, một nhà nghiên cứu của Viện Thống nhất Hàn Quốc.
Minh chứng cho luận điểm trên, có thể thấy rằng, kể từ khi tiến trình đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên với Mỹ hồi đầu năm ngoái rơi vào bế tắc, Bình Nhưỡng đã ra mắt một số loại tên lửa mới và thực hiện các vụ thử vũ khí lớn, chủ yếu liên quan đến các tên lửa tầm ngắn. Đầu năm nay, Bình Nhưỡng cũng đã cảnh báo về một "vũ khí chiến lược mới" và một "hành động thực tế gây sốc", nhưng trên thực tế, họ đã dừng việc phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.