Đúng như thông tin dự báo thời tiết của các chuyên gia khí tượng quốc tế, bão Hạ Long - cơn bão nhiệt đới tại Tây Thái Bình Dương - đã tăng cấp thành siêu bão.
Trung tâm dịch vụ thời tiết Mỹ AccuWeather cho biết, tính đến 7 giờ sáng ngày 5/11, sức gió mạnh nhất của siêu bão Hạ Long là 213 km/giờ, gió giật mạnh 259 km/giờ. Siêu bão Hạ Long đang di chuyển về phía Tây Bắc, mỗi giờ đi được 11 km.
Như vậy, siêu bão Hạ Long (tên quốc tế là HaLong) hiện đang đạt sức mạnh của một siêu bão cấp 4 chiếu theo thang đo bão phương Tây Saffir-Simpson lưu vực Đại Tây Dương.
Trước đó, Trung tâm dự báo Thời tiết nguy hiểm châu Âu (Severe Weather Europe) cảnh báo, siêu bão Hạ Long có khả năng mạnh hơn nữa và sẽ đạt sức mạnh cực đại vào ngày 6/11.
Sở dĩ Hạ Long liên tiếp gia tăng sức mạnh là vì, sau khi sử dụng phương pháp phân tích Bản đồ Nhiệt Đại dương (OHC), các nhà khí tượng nhận thấy, hệ thống bão đang di chuyển qua vùng nước biển ấm lên đến 29 độ C liên tục trong vài ngày tới. Sức nóng của đại dương ảnh hưởng đến việc bão hút hơi nước ấm, ẩm hơn vào hệ thống của nó.
Nguyên lý
Trong bản phúc trình lần thứ 4 của cơ quan Đánh giá Khí hậu Quốc gia Mỹ (NCA) đề cập đến vấn đề:
Các cơn bão ngày càng dữ dội hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn trong bối cảnh khí hậu ấm hơn. Bầu không khí nóng hơn có thể làm cho bão mạnh hơn, khiến bão di chuyển chậm hơn và ẩm ướt hơn.
Không những ngày càng mạnh lên, siêu bão cấp 4 Hạ Long còn được NASA nhận định là sẽ gây ra những trận mưa rất lớn. Đó là dự báo sau khi cơ quan này sử dụng thiết bị đo quang phổ hình ảnh MODIS của vệ tinh Terra (thuộc NASA) và nhận thấy vùng trung tâm siêu bão không chỉ xuất hiện nhiều trận sét lớn, mà nhiệt độ đỉnh mây xuống đến âm 62,2 độ C.
Chuyên gia dự báo của Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp (Mỹ - JTWC) cho biết, phải đến cuối tuần này, siêu bão Hạ Long mới suy yếu.
Điều may mắn hiếm hoi của siêu bão 'quái vật' vùng Tây Thái Bình Dương
Tây Thái Bình Dương (hay Tây Bắc Thái Bình Dương, gồm Biển Đông) là lưu vực có bão hoạt động mạnh nhất hành tinh. 'Ổ bão' này không chỉ sinh ra những trận bão dữ dội hàng năm mà các cơn bão còn xuất hiện hầu như cả năm. Trung bình, mỗi năm có khoảng 30 cơn bão nhiệt đới mạnh xuất hiện tại đây(xem chi tiết).
Bão Hạ Long là trận bão thứ 25 của mùa bão Tây Thái Bình Dương năm 2019.
Không như siêu bão cấp 5 Hạ Long năm 2014, khiến 12 người thiệt mạng, làm tổn hại kinh tế lên đến 72,8 triệu USD (năm 2014), vị trí của siêu bão Hạ Long 2019 (và đường đi dự kiến) của nó hoàn toàn ở trên biển. Nghĩa là, nó có khả năng không đổ bộ vào khu vực có người sinh sống tại Tây Thái Bình Dương.
Dự kiến đường đi của siêu bão Hạ Long cho thấy, nó khả năng không tấn công đất liền. Nguồn: Severe Weather Europe
Đây có lẽ là điều may mắn hiếm hoi của một siêu bão vùng Tây Thái Bình Dương. NẾU KHÔNG, với sức mạnh không ngừng gia tăng mà Severe Weather Europe miêu tả là 'sức mạnh quái vật' và có khả năng gây mưa như trút, siêu bão Hạ Long nếu đổ bộ vào đất liền có thể gây những hậu quả đáng lo ngại về người và của.
Mùa bão Tây Thái Bình Dương 2019 được nhận định là hoạt động rất mạnh, tổng có 25 trận bão trong đó có 5 siêu bão tính cho đến thời điểm hiện nay, gồm: Wutip, Lekima, Lingling, Hagibis và HaLong.
Theo các nhà khoa học, những trận bão mạnh liên tục xuất hiện là một trong những biểu hiện dễ dàng nhận thấy của một thế giới đang nóng dần lên. Sự nóng lên toàn cầu còn khiến băng tan nhanh hơn (trực tiếp khiến cho mực nước biển dâng cao), xuất hiện các đợt nóng khắc nghiệt...
Nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu là lượng khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC) phát thải ồ ạt ra bầu khí quyển. Lượng khí nhà kính đến từ các hoạt động sống của con người (gồm sản xuất công nghiệp, hoạt động giao thông, đốt phá rừng, sinh hoạt...); và các hoạt động tự nhiên (chiếm phần ít, như núi lửa hoạt động...).
Bài viết sử dụng nguồn: AccuWeather, NASA
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.