Nhưng ra quân bắt cóc bỏ đĩa chưa đủ mà cần một triết lý về phát triển dài hạn. Đường phố không chỉ để bước chân người qua. Nếu thiết kế và quản lý tốt thì sẽ mang lại phồn vinh cho quốc gia.
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng
Một thời bao cấp có chế độ phân phối hàng, các quan chức cao được mua ở cửa hàng trên phố Tôn Đản, cấp thấp chút mua ở phố Nhà Thờ.
Không biết mua bán ở đâu vì tem phiếu có hạn, đi chợ một lần là hết bay tiêu chuẩn, lại ngăn sông cấm chợ, hè phố trở thành "cửa hàng" cho thứ dân. Vì thế có mấy câu thơ vui vui
Tôn Đản là của các quan
Nhà Thờ là của trung gian quần thần
Đồng Xuân là của thương nhân
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng
Người lam lũ sử dụng vỉa hè làm nơi mua bán rau cỏ, thực phẩm rẻ tiền, chè chén, kẹo lạc, thuốc lá hôi, hàng rong đủ kiểu, mà ít người nhớ ra rằng, vỉa hè thiết kế dành cho từ quan đến dân.
Thời bao cấp nghèo khó đó kéo theo vỉa hè tiếp tục oằn lưng mang trên vai "sứ mệnh lịch sử buôn bán" trải dài hai thế kỷ.
Dù sang thế kỷ 21 gần hai thập kỷ, hè phố trở thành cái nút thắt cản trở phát triển mà nặng nề nhất là Hà Nội.
Gần đây với sự ra quân đồng loạt ở Hà Nội và HCM nhằm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhất là biện pháp mạnh của ông Đoàn Ngọc Hải, PCT Q1 TP HCM và sau đó là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Tp Hà Nội, được dư luận đồng tình.
Ngày 4/3/2017, ông Chung đã làm dư luận dậy sóng khi nêu rõ hiện tượng công an đứng sau quán bia vỉa hè, người nhà cán bộ đứng sau bãi giữ xe. Ông kể thời giám đốc CA TP Hà Nội, ông thống kê hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng sau.
Rồi ông nói thêm "Các điểm, bãi đỗ xe xung quanh Bến xe Mỹ Đình có những ai? Người nhà nhà ai ở đấy? Quê ở đâu? Các đồng chí cứ lôi lên xem có phải quê Bắc Ninh không?
Thế thì ai là người quê ở Bắc Ninh, các đồng chí cứ tra ngược ra". Ông không tiện nói thẳng tên, nhưng con voi trong phòng khách đã quá rõ.
Như vậy vỉa hè của "nhân dân anh hùng" một thời nay được chia sẻ "giá trị chung" với "trung gian quần thần", một biến tướng đáng ngại.
Rất mừng, ông Chung đã nhìn nhận thẳng thắn, đưa là 14 vấn đề, 14 giải pháp.
Có một vị chủ tịch trẻ, năng động, dám nghĩ đến bỏ loa phường, nay tấn công vỉa hè, thì hy vọng trật tự sẽ được lập lại.
Buông lỏng quản lý đô thị, vỉa hè biến tướng từ nơi dành cho xe đạp và nạn kẹt xe đạp ở thế kỷ trước, rồi xe máy và nạn kẹt xe máy đầu thế kỷ 21, và hiện nay thì dành cho đủ loại xe đua nhau phát triển, tạo thành một "thương hiệu kẹt xe và ô nhiễm".
Triết lý phát triển… vỉa hè
Ông Fred Kent, Giám đốc "PPS - Project for Public Spaces – Dự án Không gian Công cộng" của Hoa Kỳ, hàng năm đi khoảng 250 ngàn km khắp năm châu để giúp xây dựng những thứ tưởng chừng không đáng kể như cái vỉa hè.
Ông Kent có câu nói nổi tiếng "If you plan cities for cars and traffic, you get cars and traffic. If you plan for people and places, you get people and places. – Nếu xây dựng thành phố để dùng cho ô tô và kẹt xe thì sẽ có ô tô và kẹt xe. Nếu xây thành phố cho con người và cõi đi về thì có cả hai"
Trong quá khứ ở khu trung tâm nhất là những nơi có dấu ấn của người Pháp, vỉa hè, đường phố của Hà Nội, TP HCM được xây dựng theo triết lý trên.
Phố phường không chỉ là nơi để đi từ nơi này qua nơi khác, mà đó là nơi bạn muốn tới, mua bán, chia sẻ, một chốn rong chơi và tạo ra sự tiền bạc và giá trị trường tồn khó đong đếm.
Mỗi mét vỉa hè được thiết kế dài hạn, có tầm nhìn, sẽ mang lại lợi ích cho người ở tại đó, người kinh doanh, người qua đường và đương nhiên chính quyền ngồi thu thuế của cả ba lớp người trên. Có tiền lại đầu tư trở lại, đó gọi là giá trị gia tăng.
Như vỉa hè Hà Nội hiện nay, chỉ có chủ sở hữu, quản lý khu vực, được hưởng đôi chút. Còn người qua lại chỉ thấy khó chịu, ô nhiễm, kẹt xe và đôi lúc nguy hiểm tới tính mạng. Chính quyền thành phố không thu được bất kỳ đồng xu nào.
Ảnh: Hải Ninh.
Nếu sang Paris, Warsaw, Brussels, Washington DC, hay nhiều nhà cao tầng như New York, Tokyo, Hongkong, sẽ thấy vỉa hè được quản lý chặt chẽ ra sao. Những thành phố này không thể phát triển nếu không có kế hoạch cho phát triển không gian công cộng.
Washington DC có vỉa hè khá rộng, có người bán hàng rong, có nhạc công đường phố, có quán vỉa hè lấn ra ngoài, xe bán thức ăn đậu trên phố.
Nhưng các dịch vụ sinh lời phải có giấy phép, phải trả phí nếu cần. Vào ngày cao điểm có sự kiện đông người, xe bán hàng phải mua chỗ từ mấy tháng trước.
Cứ việc bán mua, cứ việc mang ghế ra vỉa hè cho khách nhâm nhi café, nhưng phải có giấy phép hoặc theo hướng dẫn chung của thành phố. Sai là phạt, thu giấy phép và nhiều hệ lụy.
Mỗi năm, Thủ đô DC thu hàng trăm triệu đô la tiền phạt xe đỗ sai chỗ trong khi Los Angeles thu 250 triệu và New York thu hơn nửa tỷ.
Hà Nội thời Pháp có vài cảnh sát mà vẫn quản lý được thủ đô mấy chục ngàn dân vì luật chặt chẽ, phạt tiền, đưa về đồn, là cách mà dân làm sai phải sợ.
Tám nguyên tắc xây dựng vỉa hè thành "chốn đi về"
Dự án PPS đưa ra 8 nguyên tắc nhằm lên kế hoạch, xây dựng và quản lý hè phố như sau:
1. GREAT ACTIVITIES & DESTINATIONS: Là nơi cho hoạt động vui chơi và điểm đến
2. SAFE: Hè và đường phố phải an toàn cho người qua lại
3. INVITING AND RICH IN DETAIL: Đến phố đó rồi lại muốn đến nữa, mỗi ngôi nhà, góc phố có chiều sâu văn hóa cùng nghệ thuật
4. DESIGNED FOR LINGERING: Thiết kế để người qua lại rong chơi, trải nghiệm và giải trí đầu óc, thư giãn,
5. INTERACTIVE AND SOCIAL: Là không gian để trao đổi và kết bạn xã hội. Biết bao các bạn tri kỷ gặp nhau trên phố hay một quán café thân thiện.
6. UNIQUE: Có một không hai, mang tính bản địa nhưng vẫn có tầm toàn cầu
7. ACCESSIBLE: Dễ đến dễ đi. Chỉ vài chỉ dẫn, vài cú quay xe đã tới nơi chứ không thể là mê cung
8. FLEXIBLE: Linh động, tiện cho các hoạt động văn hóa, bồn hoa mùa hè khác mùa đông, có thể sắp xếp dễ dàng. Hà Nội đang làm được điều tuyệt vời là Bờ Hồ cấm xe máy cuối tuần, biến đường giao thông thành nơi vui chơi, được người dân ủng hộ
Hà Nội, Sài Gòn phải thay đổi tư duy về vỉa hè. Thay vì ra quân, bắt cóc bỏ đĩa, tuyên truyền vận động dân chúng, thì lãnh đạo nên nhìn ra văn hóa, kiến trúc và sau đó là tiền bạc, cho không gian tưởng chừng nhếch nhác này.
Đường phố chỉ để đi lại là phố chết. Muốn sinh trở thành không gian sống động thì hãy quên đi chuyện kẻ vạch cho xe máy đỗ hay bảo kê cho quán cóc để thu tiền.
Như một cửa hàng ăn mở ra thì vỉa hè cũng vậy. Nếu khách đến, trải nghiệm và muốn quay lại như một cõi đi về, thì đó là giá trị gia tăng bền vững ẩn chứa khó đong đếm.