Thế nhưng bao giờ lục địa này mới trở thành nơi có thể trồng trọt và là chốn định cư của con người?
Những thay đổi diễn ra ở Nam Cực
Nam Cực là nơi băng giá, khắc nghiệt, với nhiệt độ mùa đông trung bình giảm còn âm 49 độ C, tốc độ gió đạt 321 km/giờ và lượng mưa hằng năm chỉ 160 mm. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi lục địa cực Nam này hoàn toàn không có cư dân thường trú, chỉ một số ít nhà khoa học làm công việc nghiên cứu trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Nhưng với những tiến bộ về công nghệ và khí hậu đang thay đổi, liệu Nam Cực có thể hỗ trợ con người định cư như ở những nơi khác trên Trái đất?
Theo các nhà khoa học, trong khi một số lượng lớn các loài động - thực vật đang di chuyển đến Nam Cực trong điều kiện nhiệt độ ấm dần lên, con người vẫn chưa nằm trong danh sách này, ít nhất là trong thế kỷ tới. Một phần là do khí hậu và địa thế hiện tại không duy trì được sự đa dạng sinh học cho các loại cây trồng hoặc động vật làm thực phẩm.
Một trở ngại khác là vị trí xa xôi của Nam Cực. Steven Chown, Giáo sư Khoa Sinh học thuộc Đại học Monash ở Australia, cho biết, nếu vấn đề duy nhất là thời tiết, mọi người có thể có cơ hội ở đó lâu dài, nhưng sự cô lập về địa lý sẽ tạo ra những khó khăn trong việc cung cấp thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Ngoài ra, mạng lưới điện cung cấp cũng là một vấn đề lớn. Do tất cả đều được xây dựng trên băng, hệ thống này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do sự nóng lên toàn cầu.
Lục địa đóng băng có thể không dành cho những con người thường trú ngay bây giờ. Nhưng trong tương lai, khi hành tinh ấm dần lên, liệu mọi chuyện có thay đổi?
Chown nói với Live Science: “Dựa trên các mẫu hóa thạch, chúng tôi phát hiện ở đây từng có khí hậu hoàn toàn phù hợp với rừng và khủng long. Khoảng 100 triệu năm trước, Nam Cực hỗ trợ sự phát triển của các thảm thực vật, các khu rừng lớn và một loạt các sinh vật, chẳng hạn như cây lá kim, dương xỉ và thực vật có hoa.
Vào năm 2021, tàn tích than củi được tìm thấy trên đảo James Ross - một phần của bán đảo Nam Cực bên dưới Nam Mỹ - đã cung cấp bằng chứng cho thấy đã xảy ra các trận cháy rừng vào cuối Kỷ Phấn trắng, từ 100 triệu đến 66 triệu năm trước”.
Khí hậu Trái đất thay đổi qua hàng trăm triệu năm, chuyển động giữa các thời kỳ băng hà lạnh hơn và các thời kỳ giữa các băng hà ấm hơn. Để hiểu khí hậu của Nam Cực như thế nào trong tương lai, các nhà cổ sinh vật học đã nhìn về quá khứ xa xôi của nó.
Bằng cách nghiên cứu các lớp trầm tích trong Thềm băng Ross, một nhóm các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, Vỉa băng Tây Nam Cực từng sụp đổ và tái phát triển nhiều lần.
Julie Brigham - Grette, Giáo sư địa chất Kỷ Băng hà và môi trường cổ đại Bắc Cực tại Đại học Massachusetts, nói rằng tiến trình này có thể tương quan với các thời kỳ “gian băng” (interglacial) cực kỳ ấm áp, và những biến động khí hậu như vậy sẽ đi đôi với những thay đổi trong bầu khí quyển của Trái đất, bao gồm cả mức độ tăng và giảm carbon dioxide.
Mặc dù, những thay đổi này đã xảy ra trong lịch sử hàng trăm nghìn năm, nhưng hiện nay lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang làm thay đổi khí hậu Trái đất với tốc độ chưa từng thấy. Nhà khoa học Chown cho biết, nếu chúng ta không đạt được mức phát thải net-zero vào năm 2040, thì biến đổi khí hậu “sẽ là động lực thay đổi lớn nhất đối với Nam Cực”.
Để tưởng tượng về loại môi trường có thể xuất hiện khi nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng, chúng ta hãy tìm đến các đảo cận Nam Cực và hệ sinh thái của các vùng cực Nam của Nam Mỹ.
Hầu hết lục địa Nam Cực bị bao phủ bởi lớp băng dày.
Triển vọng nhìn từ bán đảo Nam Cực
Bán đảo Nam Cực, nằm ở phần cực Bắc của lục địa Nam Cực, là một trong những nơi có vĩ độ cao nhất, trải dài đến Vòng Nam Cực về phía Nam Mỹ. Khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên, khí hậu ở đây sẽ thay đổi, khiến nó có thể giống với các vùng cực Nam của Nam Mỹ, hoặc các hòn đảo ở các vùng biển gần đó.
Trên bán đảo Nam Cực, cỏ bản địa, một số loài côn trùng, chim di cư và động vật biển có vú hiện đang tồn tại. Với khí hậu ấm lên, chúng ta có thể thấy nhiều loại cỏ và hoa hơn. Nếu xu hướng này tiếp tục, trong tương lai gần, nhiệt độ cao hơn và lượng mưa tăng sẽ kích thích sự phát triển của các loài thực vật.
Poa annua, một loài cỏ xanh mọc ở các thành phố ôn đới như Cape Town, Nam Phi và Melbourne, Australia, đã được tìm thấy ở Nam Cực. Ngay cả một đàn chim cánh cụt Gentoo được phát hiện ở Nam Cực vào đầu năm 2022 cũng gây chú ý vì những loài chim không thích băng giá này thường sống ở các đảo cận Nam Cực và chỉ thiên di về phía Nam khi khí hậu ấm.
Ngoài bán đảo, phần lớn lục địa Nam Cực được bao phủ bởi băng, có nơi dày vài km. Sự tan chảy của Vỉa băng Tây Nam Cực làm gia tăng mực nước biển, sẽ không chỉ thay đổi địa lý của Nam Cực, mà còn thay đổi khí hậu của toàn bộ hành tinh của chúng ta. Phần lớn Tây Nam Cực nằm dưới mực nước biển, nhưng khi nước biển dâng cao cũng sẽ nâng các đảo đá nhỏ ở đó lên, thay vì làm chúng ngập hoàn toàn.
Đến năm 2100, nhiệt độ và mực nước biển tăng có khả năng đẩy nhanh quá trình di cư của những người tị nạn khí hậu. Mọi người có thể tìm cách sinh sống ở Nam Cực nếu khí hậu mát mẻ của nó vẫn hiếu khách hơn những nơi nóng bức trên thế giới. Ngay cả khi không thể trồng trọt, băng biển tan có thể giúp mọi người kiếm sống bằng cách đánh bắt cá trong khu vực.
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của con người trong việc khám phá và nghiên cứu lục địa khắc nghiệt nhất của Trái đất, việc biến Nam Cực thành nơi sinh sống có lẽ cần phải một thời gian dài nữa.