Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong tháng 9/2023 đạt 471.177 tấn với trị giá hơn 156 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 2% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nước ta chi hơn 995 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,9 triệu tấn phân bón, tăng 20,4% về lượng nhưng giảm 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu bình quân trong 3 quý đầu năm đạt 337 USD/tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất, đồng thời ghi nhận sản lượng nhập khẩu tăng vọt trong những tháng gần đây. Cụ thể trong tháng 9, lượng nhập khẩu phân bón từ thị trường tỷ dân đạt 211.835 tấn với trị giá hơn 71,3 triệu USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 40,25% về trị giá so với tháng trước đó.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu phân bón từ quốc gia này đạt hơn 1,4 triệu tấn với trị giá hơn 445 triệu USD, tăng 18,1% về sản lượng nhưng giảm 11% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu phân bón bình quân từ Trung Quốc trong 3 quý đầu năm đạt 312 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên đang ghi nhận tăng giá liên tiếp kể từ tháng 8/2023. Kết thúc quý 3, tỷ trọng của Trung Quốc chiếm 48% trong tổng sản lượng nhập khẩu phân bón của Việt Nam.
Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường chủ đạo khác cung cấp phân bón cho Việt Nam bao gồm Lào, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 3,4 triệu tấn phân bón từ 51 quốc gia, trị giá 1,62 tỷ USD, giảm 25,86% về lượng và tăng 10,1% về trị giá so với năm 2021. Giá nhập khẩu bình quân 477 USD/tấn, tăng 48,5% so với năm trước, trong đó, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc lên tới 1,7 triệu tấn, trị giá 730 triệu USD.
Đầu tháng 9, Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới - yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón dừng xuất khẩu mặt hàng này sau khi giá trong nước tăng vọt. Theo Bloomberg, một số nhà sản xuất phân bón lớn của nước này đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng 9 theo yêu cầu của Chính phủ.
Động thái của Trung Quốc khiến giá phân trên thế giới và tại thị trường Việt Nam biến động mạnh. Là nhà sản xuất ure lớn nhất thế giới, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 nguồn cung phân bón gốc nitơ trên toàn cầu, đây là loại phân bón rất quan trọng cho việc trồng trọt.
Dự báo giá phân bón sẽ còn đi lên trong quý này, nhưng theo các chuyên gia, giá hàng hóa này khó tăng "phi mã" khi nguồn cung trong nước và trên thế giới không quá căng thẳng.
Hiện, chỉ phân bón SA và Kali là phải nhập do trong nước không có nguồn nguyên liệu để sản xuất. Với các sản phẩm phân bón DAP và MAP, sản lượng sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 86% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu. Đây cũng là những mặt hàng Trung Quốc không hạn chế xuất.