Theo tờ Deutsche Welle (DW) của Đức, hiện tại Trung Quốc không quá cần Hong Kong như hồi năm 1997 khi Anh trao trả lại khu vực này. Tuy vậy, Đặc khu Hành chính Hong Kong vẫn mang lại những giá trị lớn mà Bắc Kinh không muốn đánh mất.
Trong 4 thập kỉ vừa qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một phần không thể thiếu trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Điều này có được là nhờ Hong Kong.
Trong khi cải cách kinh tế tại đại lục vẫn chưa hoàn thiện, thì việc kết nối được với nền kinh tế đang bùng nổ ở Hong Kong là điều cực kì cần thiết đối với Trung Quốc.
Ảnh: AFP
Thậm chí trước khi các cuộc biểu tình xảy ra, thì người dân tại đặc khu Hong Kong và Trung Quốc cũng không dành cho nhau quá nhiều thiện cảm. Tờ DW cho rằng nhiều quan chức cấp cao tại Trung Quốc coi Hong Kong như một "đứa trẻ không ngoan".
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh can thiệp một cách cứng rắn tại Hong Kong, thì việc đó sẽ làm tổn hại sự ổn định ở Trung Quốc tới mức nghiêm trọng hơn những gì mà người biểu tình Hong Kong gây ra. Hậu quả sẽ nhanh chóng chuyển từ Hong Kong tới đại lục, khiến các nhà đầu tư lo lắng và làm tổn hại khả năng giao thương của Trung Quốc trên toàn cầu.
Áp lực từ mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung
Thương chiến Mỹ-Trung và việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen đã đẩy Bắc Kinh vào thế bí. Các công ty Trung Quốc được yêu cầu bớt phụ thuộc vào công nghệ và tiền nước ngoài, tức là phải tập trung hơn vào Hong Kong.
Tổng cộng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Hong Kong trị giá 620 tỉ USD - nhiều hơn 70% GDP của Hong Kong. Các công ty đại lục đã huy động được 47 tỷ USD vốn cổ phần và 66 tỷ USD trái phiếu trên thị trường Hong Kong trong năm 2017.
Ảnh minh họa: Getty Images
Gần 60% khoản đầu tư ra nước ngoài của đại lục, bao gồm các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được chuyển qua Hong Kong.
Điểm then chốt trong Dự án Greater Bay Area
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trên thị trường tài chính, Hong Kong còn là một phần không thể thiếu trong dự án Greater Bay Area, nối Hong Kong, Ma Cao và 9 thành phố lớn của tỉnh Quảng Đông. Vùng này có tổng cư dân lên tới 70 triệu người và có GDP khoảng 1,5 nghìn tỉ USD.
Trung Quốc cần Hong Kong để tránh khỏi viễn cảnh tăng trưởng kinh tế u ám. Những ngày tháng tăng trưởng mạnh đã qua, số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh số tiêu thụ hàng bán lẻ - những yếu tố then chốt trong nền kinh tế Trung Quốc - đã giảm trong tháng 7.
Bắc Kinh đã xây dựng những hệ thống khác để thay thế Hong Kong, ví dụ như trung tâm tài chính Thượng Hải và khu vực đổi mới ở Thâm Quyến nhưng những thành phố này vẫn chưa đủ phát triển để có thể thay được Hong Kong.
Hong Kong đem lại sự linh hoạt mà các nhà cạnh tranh ở đại lục không thể có được và là một nguồn gây quỹ IPO quan trọng đối với các công ty Trung Quốc. Trong vòng 25 năm qua, tổ chức Heritage Foundation đánh giá Hong Kong là nền kinh tế tự do nhất thế giới trong khi Trung Quốc đứng thứ 100.
Cả thế giới cũng cần Hong Kong
Không chỉ Trung Quốc - nhiều quốc gia khác cũng cần Hong Kong.
Những nhà đầu tư cho rằng hình thức "một quốc gia, hai chế độ" tạo ra điều kiện kinh doanh rất thuận lợi khi Hong Kong có hệ thống pháp lí riêng, tiền tệ và nền kinh tế riêng cho tới năm 2047.
Đây là lí do tại sao Hong Kong là nơi được 1.500 công ty đa quốc gia lựa chọn để tiếp cận thị trường Trung Quốc. 60% đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đi qua Hong Kong.
Trên hết, Hong Kong giúp đảm sự an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Bắc Kinh sẽ không liều lĩnh làm tổn hại khoản đầu tư khổng lồ tại Hong Kong và điều này chắc chắn sẽ buộc quân đội Trung Quốc không thể tiến vào đặc khu hành chính này.