Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho biết, trong bài viết ngày 7/9, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) nói rằng, Trung Quốc có thể lợi dụng một cơ hội hiếm có để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Tờ này đưa ra giả thiết, Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11, nếu ông Donald Trump thua cuộc với tỷ số rất sít sao và không công nhận kết quả kiểm phiếu thì chính trị Mỹ sẽ rơi vào thế hỗn loạn. Như vậy, ở phía bên kia thế giới, Trung Quốc có thể sử dụng cơ hội "ngàn năm có một" này để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
"Cơ hội nghìn năm có một"
Báo Đức dẫn lời ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Á-Phi thuộc Đại học London cho rằng, Bắc Kinh cần đáp ứng hai điều kiện để có thể thống nhất Đài Loan bằng vũ lực: Thứ nhất, Trung Quốc đại lục phán đoán được hệ thống chính trị Mỹ sẽ bị tê liệt và không kịp đến Đài Loan hỗ trợ quân sự; thứ hai, quân đội Trung Quốc (PLA) cần kịp thời tập hợp đủ quân lực vật lực xung quanh Đài Loàn trước khi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức. Nhưng ông này cũng cho rằng, chưa có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh làm điều này.
Bài viết cho rằng, hòa bình ở eo biển Đài Loan hiện rất mong manh bởi hiện nay bà Thái Anh Văn đang cố gắng tăng cường sức mạnh vũ trang trên đảo. Gần đây, Đài Loan đã mở một trung tâm bảo dưỡng máy bay chiến đấu F-16, ký hợp đồng 66 máy bay F-16. Quân đội Đài Loan mua sắm thêm nhiều vũ khí bao gồm máy bay không người lái, tên lửa phòng không và các hệ thống radar tiên tiến hơn. Mặt khác, PLA gần đây đã tiến hành nhiều cuộc tập trận trên biển và lần đầu tiên phóng "sát thủ tàu sân bay" - tên lửa Đông Phong.
Bà Thái đang nỗ lực tăng cường sức mạnh cho đảo Đài Loan trong thời gian nắm quyền. Ảnh: Sina
“Nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ, Đài Loan có thể chống trọi được bao nhiêu ngày?”, báo Đức nói, giả sử quân đội Mỹ hỗ trợ Đài Loan, dựa theo các đánh giá khác nhau, có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.
Ông Tsang thì cho rằng trong tương lai gần, Trung Quốc không mong muốn phát sinh chiến tranh với Mỹ nhưng nếu Mỹ không can thiệp, Bắc Kinh vẫn có thể xem xét về việc thống nhất Đài Loan. Sự biến động của ông Trump có thể củng cố dự đoán của Bắc Kinh.
Bà Bonnie S. Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, mục đích chính của việc Trung Quốc răn đe Đài Loan là nhằm cảnh báo Đài Loan không được vượt qua lằn ranh đỏ "phong trào Đài Loan độc lập".
"Mỹ đang trên cơ"
Trong khi đó, nhận định về sức mạnh quân sự Mỹ-Trung, ông Mã Chấn Khôn, chuyên gia về quân sự Trung Quốc ở Đài Loan, chia sẻ với VOA (Mỹ) nói, trình độ hiện đại hóa vũ khí và trang bị của PLA đang dần tiệm cận với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, quân đội Mỹ không chỉ vượt trội hơn quân đội Trung Quốc về sức mạnh mà còn bao gồm chiến thuật quân sự.
"Bởi vì xét cho cùng, quân đội Mỹ đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Quan trọng hơn, có thể thấy rất rõ ràng từ góc độ đọ sức của hai quân đội có thể thấy quân đội Mỹ không sợ xung đột. Khi Lầu Năm Góc giơ nắm đấm ra, họ thực sự sẵn sàng cho cuộc xung đột", ông Mã nói.
Chuyên gia Đài Loan cũng cho rằng, PLA không ngừng thông qua chính trị hóa quân sự, để tạo ra tiếng vang trên các phương tiện truyền thông nhưng các hành động quân sự của họ lại chưa theo kịp, cho thấy họ không muốn xung đột với quân đội Mỹ.
"Từ quan điểm hai bờ eo biển cho thấy, đe dọa vũ lực của Trung Quốc đang tăng lên từng ngày. Ngoài việc tránh xung đột quân sự, Đài Loan không nên rơi vào thế lưỡng nan bị kẹp giữa mà nên tăng cường liên minh với Mỹ, Nhật Bản...", ông Mã nói.
Trước đó, báo cáo của cơ quan quân sự Đài Loan cho biết, khả năng tác chiến điện tử của quân đội Trung Quốc bước đầu có thể làm tê liệt các hệ thống phòng không, hệ thống kiểm soát trên biển và hệ thống ứng phó của Đài Loan. Ngoài ra, bằng nhiều cách thức, năng lực tình báo, giám sát và trinh sát chung của PLA đã mở rộng phạm vi và tần suất tìm kiếm thông tin tình báo, qua đó nắm được đầy đủ các động thái quân sự liên quan của Đài Loan.