Trong những ngày gần đây, nhiều cuộc biểu tình, bạo động trong phong trào biểu tình sắc tộc George Floyd đã nổ ra tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, và thậm chí đã lan đến cả thủ đô Washington D.C và Nhà Trắng.
Nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát đã được ghi nhận. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đã được triển khai tại một số thành phố, bao gồm Washington và Los Angeles, đồng thời lệnh giới nghiêm ban đêm cũng đã được áp dụng tại những thành phố này sau khi có nhiều vụ việc phá hoại tài sản, cướp bóc và hôi của được trình báo.
Tính đến cuối tuần qua, đã có khoảng 4.100 người bị bắt giữ liên quan đến phong trào biểu tình George Floyd.
Phong trào biểu tình sắc tộc (Biểu tình George Floyd) đã nổ ra sau khi Floyd, một người đàn ông da màu, tử vong vì bị viên sĩ quan Sở Cảnh sát Minneapolis (MPD) Derek Chauvin quỳ lên cổ anh trong 8 phút 46 giây. Cuộc biểu tình đầu tiên thuộc phong trào này đã diễn ra vào ngày 26/5 tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, sau đó lan rộng ra toàn nước Mỹ.
Theo Washington Post, không chỉ tại Mỹ, mà phong trào biểu tình sắc tộc sau cái chết của George Floyd đã lan đến nhiều thành phố khác trên thế giới như London (Anh), Berlin (Đức) và Toronto (Canada)...
Trong bối cảnh nước Mỹ chìm trong bạo động và hỗn loạn, thì trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN vào cuối tuần trước, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice (người từng làm việc dưới quyền cựu Tổng thống Barack Obama) đã bình luận rằng các cuộc biểu tình này "nằm trong kế hoạch của Nga".
Một số quan chức và nghị sĩ Mỹ khác, như Thượng nghị sĩ Marco Rubio - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ, thì không đề cập trực tiếp tới Nga, nhưng đã có ý ám chỉ khi đăng tải dòng tweet về "ít nhất 3 đối tượng nước ngoài" đang "chủ động thêm dầu vào lửa và cổ xúy cho bạo lực và đối đầu từ nhiều góc độ khác nhau".
Sau đây là một số phản ứng từ phía Moskva về những bình luận nói trên do báo The Moscow Times tổng hợp:
1. Bộ Ngoại giao Nga
"Nhiều vấn đề nhân quyền hệ thống đã 'tích tụ' lâu năm ở Mỹ: phân biệt chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo, cảnh sát sử dụng vũ lực, sự thiên vị của công lý, những nhà tù đông đúc, việc các cá nhân sử dụng súng và các loại vũ khí tự vệ không được kiểm soát, v.v...
Chúng tôi kêu gọi giới chức Mỹ cần có những biện pháp hiệu quả để cải thiện tình hình chung, tiếp tục những nỗ lực thiện chí, tôn trọng các cam kết quốc tế và điều chỉnh luật pháp Mỹ theo các điều luật cơ bản của Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc sử dụng vũ lực và vũ khí của các lực lượng thi hành luật pháp.
Và, tất nhiên, họ cần điều tra kĩ lưỡng về vụ giết hại George Floyd."
Ảnh: Reuters
2. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova
"Bà Susan Rice thân mến; Trước đây những người đồng đảng với bà cũng từng mắc một sai lầm nghiêm trọng khi quyết định đổ lỗi cho Nga về tất cả những điều không vừa ý họ. Bà Hillary Clinton và đội ngũ của ông Obama đã tự huyễn hoặc bản thân và cố gắng huyễn hoặc cả thế giới rằng những vấn đề nội bộ của Mỹ là do một thế lực ngoại bang tạo nên và cổ xúy: Và đó chính là Nga.
Cuộc phỏng vấn của bà với đài CNN là một ví dụ điển hình cho chiến lược tuyên truyền 'mặt dày'. Tôi xin được nhắc nhở bà rằng các nền tảng mạng xã hội - điều mà bà tin là công cụ để các 'đặc vụ' của Nga thổi bùng phong trào biểu tình tại các thành phố của Mỹ - đều được đăng ký tại Mỹ, thuộc về Mỹ và hoạt động theo luật pháp của Mỹ.
Bà lại định tung ra con bài Nga nữa ư? Bà đã làm điều đó rất lâu rồi, làm ơn hãy quay về với thực tại. Hãy ra ngoài đường và đối diện với người dân Mỹ, hãy nhìn vào mắt họ và cố gắng thuyết phục họ rằng họ đang bị người Nga thao túng thông qua các mạng xã hội như Youtube và Facebook. Còn tôi sẽ ngồi đây để chứng kiến cái gọi là 'chủ nghĩa ngoại lệ kiểu Mỹ' trở thành sự thật."
3. Một số Thượng nghị sĩ Nga
- Ông Konstantin Kosachev:
"Phát biểu của bà Susan Rice là một lời sỉ nhục trực tiếp. Nhưng Nga không phải là đối tượng chịu sỉ nhục - vì chúng tôi không có liên quan đến chuyện này - mà đó là lời sỉ nhục chính những người dân Mỹ và nạn nhân George Floyd."
- Ông Oleg Morozov:
"Bà Rice lại có nhiệm vụ lôi kéo sự chú ý của dư luận Mỹ vào vũng lầy bài Nga. Với việc tìm kiếm một kẻ thù ở bên ngoài, bà ấy đã giúp Nhà Trắng và giới tinh hoa Mỹ 'né đạn'."
4. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov:
"Tất nhiên là chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình tại Mỹ. Tuy nhiên, những điều đang xảy ra ở đó hoàn toàn là chuyện nội bộ của họ.
Chúng tôi chưa từng can thiệp vào chuyện nội bộ của Mỹ và cũng sẽ không làm điều đó trong lúc này.
Mọi lời ám chỉ tương tự như phát biểu của bà Rice đều là phát ngôn không đúng [về Nga]. Chúng tôi cũng được biết rằng những lời ám chỉ đó không thể hiện lập trường chính thức của Washington."
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: