Bạo động tại Paris: "Mùa xuân Liên minh Châu Âu" đang gõ cửa từng quốc gia, TT Macron mắc kẹt trong thế bí

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Trong lịch sử, đặc biệt trong những năm gần đây, nước Pháp luôn luôn ở trong tình trạng bất ổn. Xã hội Pháp chứa đựng nhiều mâu thuẫn sâu sắc âm ỉ từ lâu.

Ngày thứ Bảy (8/12/2018), mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron đã nhượng bộ, tuyên bố hủy quyết định áp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, bất chấp việc chính quyền triển khai một lực lượng cảnh sát chống bạo động hùng hậu với 8.000 người tại Thủ đô Paris và 89.000 người trên cả nước được trang bị vũ khí, nhưng khoảng 125.000 người, trong đó có 10.000 người tại Paris vẫn tràn ngập các đường phố trên khắp nước Pháp.

Tại Paris, những người biểu tình đã đổ xuống đường phố Champs-Élysées gần điện Élysée hô vang những khẩu hiệu đòi Tổng thống E. Macron từ chức.

“Phong trào áo vàng” là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất từ năm 1968 đến nay

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết 118 người biểu tình, 17 nhân viên an ninh đã bị thương, 1.350 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình 8/12/2018. Ông C. Castaner nói “mức độ bạo động như vậy là không thể chấp nhận được”.

Các cuộc biểu tình bùng nổ ngày 17/11/2018 được coi là đợt biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất kể từ cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1968 chống cựu Tổng thống Charles de Gaulle đến nay.

Cảnh sát Pháp lần đầu tiên đã phải dùng xe tăng và xe bọc thép để trấn áp những người biểu tình. Đây cũng là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ông E. Macron phải đương đầu kể từ khi ông được bầu làm Tổng thống từ ngày 7/5/2017.

Bạo động tại Paris: Mùa xuân Liên minh Châu Âu đang gõ cửa từng quốc gia, TT Macron mắc kẹt trong thế bí - Ảnh 1.

Các nhân viên cứu hỏa xử lí hỏa hoạn gây ra bởi người biểu tình. Ảnh: Reuters

 Trong lịch sử, đặc biệt trong những năm gần đây, nước Pháp luôn luôn ở trong tình trạng bất ổn. Xã hội Pháp chứa đựng nhiều mâu thuẫn sâu sắc âm ỉ từ lâu.

Mâu thuẫn giữa các đảng phái, các tổ chức chính trị, khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng, chính sách lương bổng, hưu trí, nạn thất nghiệp, giáo dục, nhà ở, y tế, nhập cư ... là những vấn đề kinh niên chia rẽ xã hội Pháp.

Cuộc biểu tình ngày 7/11/2018 của những người áo vàng đòi hủy thuế môi trường đối với xăng dầu chỉ là giọt nước tràn ly. Không phải ngẫu nhiên mà hơn 72% dân Pháp ủng hộ phong trào của những người áo vàng và trong cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội, 358/94 phiếu ủng hộ việc hủy bỏ thuế xăng dầu.

Đáng chú ý là hiện nay khẩu hiệu của những người biểu tình đã vượt ra khỏi khuôn khổ phản đối chính sách áp thuế giá nhiên liệu, họ yêu cầu tăng lương hưu, tăng mức lương tối thiểu. Từ các đòi hỏi kinh tế, những người áo vàng đã nhanh chóng chuyển sang các mục tiêu chính trị, chống chính phủ, đòi Tổng thống E. Emmanuel phải từ chức, giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Ngoài việc đòi hủy thuế xăng dầu, những người biểu tình còn yêu cầu tăng mức lương hưu lên 1.200 Euro, tăng lương tối thiểu lên 1.300 Euro, cho phép nghỉ hưu từ 60 tuổi, khôi phục lại "thuế xa xỉ" đánh vào tầng lớp giàu có, tăng trợ cấp cho các thị trấn nhỏ và doanh nghiệp nhà nước, đối xử nhân đạo với người nhập cư và người vô gia cư.

Thanh niên Pháp chống lại các tiêu chí mới để được vào các trường đại học.

Bạo động tại Paris: Mùa xuân Liên minh Châu Âu đang gõ cửa từng quốc gia, TT Macron mắc kẹt trong thế bí - Ảnh 2.

Khung cảnh ngổn ngang ở cửa hiệu. Ảnh: Reuters

 Nguyên nhân sâu xa của các cuộc biểu tình

Trong thời gian 18 tháng cầm quyền của Tổng thống E. Macron, tình hình nước Pháp đã không được cải thiện cả về chính trị lẫn kinh tế.

Ngân sách quốc gia bị thâm hụt. Đời sống của người dân lao động bị sa sút nghiêm trọng, các doanh nghiệp hoạt động khó khăn do các chính sách áp quá nhiều các loại thuế má. Nạn thất nghiệp tràn lan lên tới 9,2% đặc biệt trong giới trẻ.

Tình hình này làm cho sự bất bình của dân chúng ngày càng tăng. Người ta cho rằng ông E. Macron đã không thực hiện các lời hứa của mình trong cuộc tranh cử. Mặt khác, mặc dù kinh tế toàn cầu có sự khôi phục về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu năm 2008 vẫn còn hết sức trầm trọng.

Kể từ năm 2008, nợ chính phủ trên thế giới đã tăng gấp đôi, nợ tư nhân cũng tăng mạnh. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ trang vòng hai năm gần đây nợ chính phủ và tư nhân đã tăng 11% từ 164 nghìn tỷ USD năm 2016 lên 182 nghìn tỷ USD năm 2018.

Paris của Pháp tiếp tục hỗn loạn trong đợt biểu tình thứ 4

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IFI), tổng các khoản nợ trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi và lên tới 217 nghìn tỷ USD năm 2017, tức 327% tổng thu nhập GDP toàn cầu. Sự tăng trưởng kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) đang bị chững lại.

Đây là nguyên nhân gốc rễ của làn sóng phản đối hiện nay.

Chiến thắng của những người theo chủ nghĩa dân tuý trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, Italia, Hy lạp, sự kiện Brexit... và các cuộc biểu tình ở Pháp hiện nay chính là hệ quả của cuộc khủng hoảng từ năm 2008 vẫn chưa kết thúc.

Các cuộc biểu tình từ tự phát chuyển sang có tổ chức

Các cuộc biểu tình áo vàng ở Pháp bùng nổ cách đây hơn ba tuần lúc đầu hoàn toàn mang tính tự phát. Khi phong trào phát triển với sự tham gia của hầu hết các tầng lớp xã hội thì các đảng phải chính trị của Pháp, trước hết là đảng Xã hội (PS) và Mặt trận Quốc gia (FN) thất bại trong cuộc bầu cử năm 2017 nắm thời cơ để thực hiện các mục tiêu của mình.

Tình hình ngày càng trở nên phức tạp hơn. Dưới sức ép của những người biểu tình và các đảng phái chính trị, không loại trừ khả năng Tổng thống E. Macron phải ra đi. Sự thay đổi quyền lực ở Pháp mà phong trào áo vàng đòi hỏi là có lợi cho Nga.

So với những người tiền nhiệm của mình như François Hollande và Nicolas Sarkozy, Tổng thống E. Macron có quan điểm thân Mỹ, cứng rắn hơn nhiều trong quan hệ với Nga.

Ông E. Macron ủng hộ việc tiếp tục chính sách trừng phạt chống Nga trong vấn đề Ukraine, công khai chỉ trích Kremlin can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia khác.

Việc tăng cường vị thế của Mặt trận Quốc gia, đảng Xã hội và một số đảng phái khác trên diễn đàn chính trị Pháp sẽ có lợi cho Nga vì các nhà lãnh đạo này ủng hộ dỡ bỏ cấm vận đối với Nga.

Jean-Luc Mélenchon thuộc đảng Xã hội, kêu gọi Pháp rút khỏi Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tiến hành trưng cầu ý dân về việc Pháp rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bà Le Pen thuộc đảng Mặt trận Quốc gia, đối thủ chính của E. Macron trong cuộc bầu cử 2017 cũng đang đòi E. Macron phải ra đi.

Phong trào áo vàng lan rộng sang các nước châu Âu không loại trừ dẫn đến sự tan rã của Liên minh châu Âu

Phong trào áo vàng ở Pháp trong những ngày này đã lan sang Bỉ và Hà Lan. Cảnh sát Bỉ đã bắt giữ khoảng 100 người vì tổ chức một cuộc biểu tình không xin phép ở Thủ đô Brussels. Cảnh sát địa phương đang được tăng cường để duy trì trật tự và đề phòng khả năng xảy ra bạo động.

Bạo động tại Paris: Mùa xuân Liên minh Châu Âu đang gõ cửa từng quốc gia, TT Macron mắc kẹt trong thế bí - Ảnh 5.

Tại Hà Lan, những người áo vàng cũng đã xuống đường biểu tình phản đối tình trạng đắt đỏ, tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề người nhập cư và yêu cầu Thủ tướng Mark Rutte từ chức.

Các nhà phân tích chính trị trên thế giới cho rằng cuộc biểu tình ở Pháp là một “cuộc diễn tập cho bữa tiệc lớn” và những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới tại châu Âu sẽ trả lời cho các dự đoán của các nhà quan sát.

Brexit, các cuộc biểu tình ở Pháp đang lan rộng sang nhiều nước châu Âu, thất bại liên tiếp của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 8/2017 và các cuộc bầu cử địa phương 20/10/2018 vừa qua và việc bà A. Merkel tuyên bố không tái tranh cử năm 2021... và trước đó là sự suy thoái, khủng hoảng kinh tế sẽ thổi bùng tình hình bất ổn chính trị ở các nước châu Âu.

Các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị đang diễn ra ở Pháp, Anh và Đức là ba nền kinh tế trụ cột trong Liên minh Châu Âu không loại trừ khả năng tan rã của Liên minh này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại