Nguyên nhân cuộc biểu tình
Nước Pháp đang trải qua những cuộc biểu tình bạo lực dẫn tới những vụ đụng độ khốc liệt với cảnh sát. Trong 3 tuần vừa qua, 4 người đã thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, thiệt hại về vật chất lên tới hàng nghìn USD, chưa tính tới các giá trị về văn hóa khác.
Các vụ biểu tình bắt đầu từ khoảng ngày 17/11 khi 280.000 người biểu tình áo vàng khắp cả nước bắt đầu phản đối tăng thuế gas và dầu diesel. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo về mức thuế này đầu năm nay với mục tiêu giúp nước Pháp giảm thiểu lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Giá dầu diesel tại Pháp đã tăng 16% trong năm nay từ mức 1,41 USD/lít tới 1,69 USD/lít, thậm chí còn lên tới 1,75 USD vào tháng 10 vừa qua - theo liên đoàn công nghiệp dầu mỏ Pháp.
Ảnh: Veronique de Viguerie/Getty Images
Việc tăng giá phần lớn do giá dầu bán buôn tăng vọt, khi dầu thô Brent - một trong các tiêu chuẩn của hoạt động mua bán dầu trên toàn thế giới - tăng hơn 20% trong nửa đầu năm 2018 từ mức 60 USD/thùng đến đỉnh 86,07 USD/thùng vào đầu tháng 10.
Nhiều người biểu tình còn tức giận với tổng thống Pháp vì tiếp tục các chính sách môi trường đã được áp dụng từ thời cựu tổng thống Francois Hollande.
Nhóm biểu tình đã chặn các đường phố, đường cao tốc, đốt xe, dùng vũ lực với cảnh sát. Vụ bạo động vào cuối tuần qua đã khiến thủ đô Paris chấn động mạnh mẽ trong hơn 50 năm trở lại đây.
Sự tức giận của phe áo vàng được cho là sẽ đe dọa tới nhiệm kì của tổng thống Macron và gây chia rẽ sâu sắc nội bộ nước Pháp.
Ảnh: Veronique de Viguerie/Getty Images
Những phương tiện bị đập phá trong cuộc biểu tình. Ảnh: Michel Stoupak/Getty Images/AP
Paris tan hoang
Vào ngày 1/12 vừa qua, Pháp đã điều gần 100.000 nhân viên an ninh tới Paris để kiềm chế người biểu tình. Cuộc đụng độ diễn ra quyết liệt, cảnh sát đã phải sử dụng tới hơi cay, lựu đạn gây choáng và vòi rồng.
Ít nhất 75 trạm xăng của công ty Total đã phải dừng hoạt động vì hoạt động biểu tình gây tắc nghẽn các tuyến đường lớn.
Các cửa hàng và nhà hàng tại Paris đã mất từ 20-50% khoản thu nhập từ khi cuộc biểu tình bắt đầu.
Tổng thống Macron đã đề nghị Thủ tướng Edouard Philippe gặp lãnh đạo các đảng chính trị và đại diện của phe áo vàng để giải quyết căng thẳng, tìm đường hòa giải.
Paris mù mịt trong khói và lửa. Ảnh: Getty Images
Vòi rồng được sử dụng để giải tán người biểu tình. Ảnh: AP
Cửa hàng bên đường bị tấn công. Ảnh: Michel Stoupak/NurPhoto/Getty Images
Mặc dù số lượng người biểu tình vào cuối tuần qua ít hơn trước đó khá nhiều, nhưng những nhóm này lại có hành vi quá khích hơn, bao gồm đốt xe, dựng rào chắn ngăn đường và làm "hàng rào lửa".
Theo CNN, vụ bạo động đã chuyển từ phản đối tăng giá xăng dầu và tăng thuế môi trường tới hoạt động phản đối ông Macron, chính phủ và căng thẳng giữa người giàu và người nghèo ở Pháp.
Trả lời trên đài radio Europe 1 vào ngày 1/12, phát ngôn viên Benjamin Griveaux cho biết chính phủ đang cân nhắc "mọi lựa chọn" để ngăn chặn "bạo lực nghiêm trọng bùng phát", bao gồm ban hành tình trạng khẩn cấp.
Ông Griveaux cho biết khoảng 1.000 tới 1.500 người tham gia cuộc biểu tình vừa qua "chỉ có mục đích tấn công cảnh sát, phá hoại của công và trộm cắp". Ông nói thêm rằng những kẻ nói trên "không liên quan gì tới lực lượng áo vàng".
Khải Hoàn Môn - một trong những biểu tượng của nước Pháp - cũng bị phá hoại với những câu khẩu hiệu ủng hộ phe áo vàng. Nhiều người tập trung tại đây để chỉ trích ông Macron là tổng thống "của người giàu".
Ông Macron gặp các quan chức cấp cao để thảo luận cách xử lí vấn đề. Ảnh: Zakaria Abdelkafi/Anadolu Agency/Getty Images
Ngay sau khi trở về Paris từ thượng đỉnh G20, ông Macron đã ngay lập tức tới thăm Khải Hoàn Môn, gặp gỡ các sĩ quan cảnh sát và lính cứu hỏa đã tham gia kiểm soát cuộc nổi loạn.
Ông Macron đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp với những quan chức cấp cao. Trong một thông cáo, tổng thống Pháp gửi lời cảm ơn tới các lực lượng hành pháp và đội cứu hộ "đã làm việc không ngừng nghỉ" vì an ninh của Pháp. Ngoài ra, ông Macron nhấn mạnh "sẽ không để những kẻ phá hoại lọt lưới pháp luật".
Bộ trưởng Tư pháp Nicole Belloubet cho biết vụ bạo động "hoàn toàn không thể chấp nhận được", nhưng nói thêm bà sẽ không ủng hộ ban hành tình trạng khẩn cấp bởi "vẫn còn những lựa chọn khác". Tuy nhiên, bà không nói rõ những lựa chọn này là gì.