Khuyến cáo phòng ngừa ngộ độc rượu của Bộ Y tế
- Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống.
- Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
- Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
- Tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia.
- Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn (dễ bị ngã, va chạm, chấn thương…).
(Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
10 người mắc ung thư thì có đến 9 người uống rượu
GS.TS Mai Trọng Khoa, PGĐ BV Bạch Mai cho biết, người uống rượu lâu năm dễ trở nên nghiện rượu khó mà từ bỏ được.
Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của BV tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân (BN) ung thư có liên quan đến rượu, 10 người bị bệnh thì có đến 9 người cho biết họ có uống rượu.
Đáng chú ý có BN nghiện rượu dẫn đến xơ gan do rượu, sau đó ung thư gan. Thậm chí, BN nghiện rượu đến mức vừa uống thuốc vừa uống rượu, BN nói dối bác sĩ là đã bỏ rượu nhưng hơi thở nồng nặc mùi rượu.
Số người sống lệ thuộc vào rượu, dù mắc ung thư giai đoạn cuối cận kề cái chết nhưng vẫn không từ bỏ được thói quen xấu này không hề ít.
Lúc này, các bác sĩ cũng chỉ có thể chữa được triệu chứng bệnh, chăm sóc giảm nhẹ cho BN ung thư mà thôi.
Cũng liên quan đến vấn đề bệnh tật do rượu, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cảnh báo, với những người uống rượu lâu năm thì hình ảnh não bộ của họ rất lạ kỳ và teo đi.
“Rượu bia cực kỳ độc với hệ thần kinh, nhất là trong tình hình hiện nay rượu có pha chế cồn công nghiệp (methanol).
Vụ ngộ độc rượu tập thể tại Lai Châu vừa qua là một ví dụ. Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ cũng đã từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc rượu có nồng độ methanol lên đến 687mg/lít, BN tử vong không thể qua khỏi.
Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng di chứng não, mắt rất nặng nề, não căng phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…”- ThS. Nguyên cho hay.
Đau xót nhìn bệnh nhân sảng rượu co giật, la hét
Đó là thực tế đáng buồn mà các bác sĩ khoa tiêu hóa thường xuyên phải chứng kiến. Thống kê trung bình mỗi năm, khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai tiếp nhận từ 2.500 đến 2.700 BN xơ gan do rượu và BN viêm tụy cấp do rượu.
Các tổn thương mạn tính do rượu ngày càng phổ biến. Ở BN viêm gan virus lại nghiện rượu thì tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, biến chứng nặng nề hơn.
TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy đau xót khi chứng kiến rất nhiều BN sảng rượu, xơ gan do rượu… nằm co giật đau đớn, la hét do hội chứng cai.
Cá biệt có người nhập viện đi nhập viện lại, hễ tỉnh táo, bệnh giảm lại lao vào uống rượu tiếp. Dịp Tết vừa qua, khoa tiếp nhận đến 50 ca xơ gan do rượu, khoảng hơn 10 ca viêm tụy cấp do rượu”.
“Năm 2016 có 7.200 BN nội trú thì 50% bị xơ gan rượu, trong khi 20 năm trước tỉ lệ này chỉ 20%, chủ yếu là xơ gan do virus viêm gan b, C.
Nếu người Việt cứ tiếp diễn tình trạng sử dụng rượu bia như hiện nay thì chỉ trong vòng chục năm nữa thôi, chính thứ đồ uống này là kẻ tàn phá sức khỏe khủng khiếp nhất, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh bần cùng, khánh kiệt…”- TS. Khanh nói.
THS.BS LÊ THỊ HẢI TƯ VẤN CHẾ ĐỘ ĂN CHO NGƯỜI VIÊM TỤY DO RƯỢU
Cần thay đổi văn hóa uống rượu
Rõ ràng, trên thực tế rất nhiều người biết tác hại của rượu bia nói riêng và các đồ uống có cồn khác, nhưng tại sao người dân vẫn lao vào uống? Người Việt đang tốn tiền vào rượu bia để tàn phá sức khỏe của chính họ.
Chỉ có ở Việt Nam mới có những quán bia lớn hàng trăm nghìn người mà không cần lễ hội!
Theo các chuyên gia, văn hóa uống của người Việt hiện đang có vấn đề và cần thay đổi, chỉ có như vậy mới hạn chế được gánh nặng bệnh tật do loại đồ uống này gây ra.
Ảnh minh họa.
GS. Khoa cho rằng, truyền thông cần mạnh mẽ định hướng, thay đổi ý thức cộng đồng, nhất là văn hóa uống của người Việt thường xuyên chúc tụng, tiếp khách, chia vui, chúc mừng dồn dập bằng rượu.
Từ vụ ngộ độc rượu tập thể ở Lai Châu mới đây, nếu mỗi người không tự ý thức lại cách uống rượu của bản thân thì rất có thể còn nhiều vụ ngộ độc tập thể khác xảy ra.
ThS. Nguyên cũng nhận định, rượu chính là một “cái bẫy” dễ khiến con người rơi vào bệnh tật, không kiểm soát được hành vi.
Đa số các ca bệnh ngộ độc rượu là rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.
Chính vì thế, bên cạnh việc thay đổi văn hóa uống của mỗi người thì cần có biện pháp quản lý, can thiệp kịp thời để tránh tình trạng gian dối trong sản xuất rượu bán cho người dân.
Vậy uống bao nhiêu rượu là đủ? ThS. Nguyên khuyến cáo, uống càng ít càng tốt, tốt nhất là không uống rượu bia.
Với nam giới bình thường, mức khuyến cáo là chỉ nên uống 50ml rượu 40 độ; nữ giới 25ml trong một lần uống và không uống liên tục. Bia là 400ml với nam; 200ml với nữ.
Hiện nay, lo ngại tác hại của rượu bia, nhiều người cho rằng chuyển sang uống rượu ngâm thực vật, động vật sẽ tốt hơn (?), tuy nhiên các bác sĩ cho rằng quan niệm này là sai lầm.
Rượu ngâm uống tăng cường sức khỏe chỉ là đồn thồi, không có bằng chứng khoa học.
Các chuyên gia khuyến cáo, không phải cái gì ngâm cũng tốt, và cần được đánh giá chuyên môn để đảm bảo an toàn, không có độc tính chứ không thể ngâm tùy tiện.
Trên thực tế tại Trung tâm Chống độc đã có không ít BN ngộ độc rượu ngâm xoa bóp, rượu ngâm củ ấu tầu, mã tiền hay các loại lá lẩu, thuốc nam không rõ nguồn gốc…