Báo động đỏ thói quen dùng thuốc cam của cha mẹ khiến rất nhiều trẻ ngộ độc chì thương tâm

Ngọc Anh |

Người lớn nhiễm độc chì có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng trẻ em phải chịu hậu quả rất nặng nề, thậm chí có thể tàn tật suốt đời.

Báo động đỏ về nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ

Chị Nguyễn Thị Chung (xã Quế Nham – Tân Yên, Bắc Giang) vô cùng xót xa khi hai cháu bé nhà chị một cháu 14 tuổi, 1 cháu 12 tuổi bị nhiễm độc chì do uống thuốc nam chữa chứng kén ăn.

Chị Chung cho biết, từ nhỏ hai bé nhà chị đã mắc chứng lười ăn nên chị mua thuốc nam về cho uống. Ông thầy lang ở gần nhà nên ai cũng tin tưởng. Sau khi uống thuốc nam, 2 bé nhà chị ăn uống tốt hơn nên vợ chồng chị yên tâm.

Tuy nhiên, khi các cháu lớn hơn chút thì đều có biểu hiện học kém đi, biếng ăn uống, đêm không ngủ, bố mẹ nói các cháu không nghe có biểu hiện không nghe lời.

Thấy nhiều trẻ trong xã đã phải đi thử máu vì ngộ độc chì do uống thuốc nam. Chị Chung cũng đưa con đi thử. Kết quả, hai cháu mức độ nhiễm chì trên 10 mcg/dl, một cháu 14 mcg/dl, đây là ngưỡng vượt quá quy định lượng chì trong người.

Hai cháu đã tham gia vào dự án thải độc chì tại nhà do Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai kết hợp với Trung tâm thải độc toàn diện Nam Việt thực hiện. Ở cả thôn Đông Mai, xã Chi Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên - làng nghề làm truyền thống có trên 350 cháu bị nhiễm độc chì.

PGS. TS Phạm Duệ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chì là kim loại độc với nhiều cơ quan trọng cơ thể đặc biệt là trí tuệ trẻ em. Nồng độ chì trong máu càng tăng thì trí tuệ càng giảm.

Báo động đỏ thói quen dùng thuốc cam của cha mẹ khiến rất nhiều trẻ ngộ độc chì thương tâm - Ảnh 1.

Bà mẹ cầm kết quả xét nghiệm chì trong máu của con qua thời gian thải độc nhờ sản phẩm từ dự án do PGS Duệ phụ trách.

Trên thế giới mỗi năm có 600.000 trẻ em bị khuyết tật trí tuệ từ tiếp xúc với chì; 99% trẻ em bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chì mức độ cao thuộc các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê đầy đủ về tình trạng này nhưng qua những ca bệnh trong những năm vừa qua, nhiều trẻ bị co giật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ.

Theo quy định tiêu chuẩn chì trong máu của Mỹ là 5 mcg/dl còn tại Việt Nam quy chuẩn hiện nay là 10 mcg/dl được coi là ngộ độc chì.

Tại trung tâm Chống độc từ năm 2011 đến nay ghi nhận số trẻ nhiễm độc chì tăng đột biến. PGS Duệ cho biết có cháu uống thuốc nam từ bé và khi có biểu hiện "khác lạ" bố mẹ cháu đưa con đến khám thì tỷ lệ ngộ độc chì xét nghiệm trong máu lên tới 600 mcg/dl, gấp 60 lần so với chuẩn của Việt Nam.

Bệnh nhi này ở Hà Nội, phát hiện ngộ độc chì từ năm 5 tuổi, khi chụp Xquang các bác sĩ còn thấy xương ánh lên vì nhiễm độc chì ở trong xương quá nhiều. Bố mẹ cháu bé đã phải kiên trì thải độc chì cho con. Đến nay, hàm lượng chì trong máu của bé vẫn còn 20 mcg/dl. Bố mẹ cháu vẫn thực hiện thải độc cho con cho đến tận bây giờ đã hơn chục năm.

PGS Duệ đưa thêm một trường hợp cháu bé bị nhiễm độc chì do trị tưa lưỡi bằng thuốc nam. Mới 1 tháng tuổi bé nhập viện trong tình trạng co giật, viêm não cấp do ngộ độc chì. Hay có những bé đến viện bị nhược cơ không thể ngồi được, người cứ oặt ẹo… có rất nhiều trường hợp thương tâm.

Gian nan thải độc

Trong khi đó, PGS Duệ cho biết để thải độc chì phải kiên trì và rất tốn kém. Khu vực Bắc Giang có lượng trẻ ngộ độc chì cao đột biến nhưng số cháu đến được Bệnh viện thải độc chì rất ít.

Mặc dù Nhà nước có chương trình thải độc, nhưng đối tượng bị nhiễm độc chì phải đến tại Bệnh viện vì thuốc thải độc có tác dụng mạnh, nhiều tác dụng phụ như dao hai lưỡi nên việc thải độc phải được giám sát kỹ.

Qua nghiên cứu, PGS Duệ đưa kinh nghiệm thải độc đó về địa phương cho các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh. Bệnh nhân có thể sử dụng các biện pháp thải độc khác lâu hơn dù không phải lên đến Trung tâm Chống độc.

Báo động đỏ thói quen dùng thuốc cam của cha mẹ khiến rất nhiều trẻ ngộ độc chì thương tâm - Ảnh 2.

Theo PGS Duệ thải độc chì rất gian nan và cần nhiều thời gian

PGS Duệ cho biết quá trình thải độc chì tốn kém rất nhiều thời gian. Chì vào trong cơ thể tích tụ chủ yếu là xương và các tổ chức cơ quan, nồng độ xương cao nhất, kho dự trữ chì trong xương chiếm 2/3 cơ thể. Chì tồn tại trong máu, não gây hại nhưng chỉ có 1 phần. Nếu không dùng thuốc thải độc chì để cơ thể tự đào thải phải mất 30 năm mới được đào thải.

Khi dùng thuốc hi vọng thải nhanh hơn để đỡ ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng việc thải độc này cũng kéo dài. Chì ở máu được thải độc xong, chì tồn tại trong xương lại thôi ra máu và tiếp tục ảnh hưởng tới trí tuệ. Khi đó, bệnh nhân nhiễm chì lại thải tiếp để có hiệu quả.

Theo PGS Duệ, các loại thuốc cam màu đẹp rực rỡ càng nhiều chì, vì màu da cam là màu của vị hồng đơn, là màu của oxit chì khi trộn vào thuốc đông y.

Khi các bệnh nhân đến khám, Trung tâm Chống độc ghi nhận lại qua các bệnh nhân đến nói tên tuổi thầy lang thì có 41 thầy lang. Trong danh sách, có nhiều thầy lang chữa hàng chục cháu, trong đó có thầy lang chữa 21 bệnh nhân được ghi nhận nhiễm chì.

Người lớn nhiễm độc chì có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng trẻ em phải chịu hậu quả rất nặng nề, thậm chí có thể tàn tật suốt đời. Lý do là vì kim loại chì tích lũy lâu dài trong xương của trẻ và phải điều trị nhiều lần.

Để phòng, chống ngộ độc chì, PGS, TS Phạm Duệ khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên cho con uống thuốc không rõ nguồn gốc từ các thầy lang.

Cha mẹ nên tìm đến các hiệu thuốc có đăng ký rõ ràng hoặc sử dụng những bài thuốc được cấp phép. Không nên sử dụng các vật dụng liên quan đến chì như ắc-quy chì thải loại, sơn có chì, đồ chơi có chứa chì.

Khi chọn sơn nhà, người tiêu dùng cần tìm hiểu mua những loại sơn không chứa chì. Nếu cha mẹ làm việc trong môi trường có chì, trước khi tiếp xúc với trẻ phải tắm, gội, thay quần áo sạch để tránh lây nhiễm chì cho trẻ.

Các biểu hiện cấp tính khi trẻ bị nhiễm độc chì là tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê...

Các biểu hiện lâu dài cũng không điển hình, như: Chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém.

Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn ảnh hưởng đến tiêu hóa khiến trẻ hay bị nôn, đau bụng, chán ăn. Nhìn bên ngoài, da trẻ xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại