Trẻ em bị đái tháo đường tuyp 2
Bệnh nhi N.T.H (13 tuổi, trú tại Hà Nội) được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương khám với triệu chứng cháu mệt mỏi, đi vệ sinh nhiều và háo ngọt. Lúc nào, H cũng thích uống nước ngọt và chỉ vài phút cháu có thể uống hết cả chai nước ngọt khối lượng 1,5 lít. Bé H học hành sa sút, thường xuyên cáu gắt với cả bố mẹ mình.
Mẹ H lo lắng cho sức khỏe của con nên đưa con vào viện khám tâm lý. Tuy nhiên, cân nặng của cháu bé 13 tuổi là 61 kg, cao 1,6 mét. Kết quả thử đường huyết, bác sĩ chẩn đoán H bị đái tháo đường tuyp 2.
Nhiều trẻ đường huyết cao chót vót
Không riêng gì H, theo TS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương ông đang điều trị cho cháu từ lúc 10 tuổi đến nay 15 tuổi bị đái tháo đường tuyp 2.
Bác sĩ Dương cho biết, trẻ nhỏ bị đái tháo đường tuyp 2 đều chung kịch bản đó là chỉ biết đi học, về nhà vào phòng, ăn vặt, ăn xôi, ăn đồ ngọt, nước ngọt, ít vận động. Cha mẹ không quản lý được khoản ăn uống của các cháu dẫn tới đường máu tăng cao.
Chính vì thế, nhiều đứa trẻ mới 12, 13 tuổi đã mắc bệnh của những người trên 40 tuổi cũng là điều dễ hiểu.
Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2017 thế giới có 425 triệu người bị bệnh đái tháo đường tuổi từ 20 - 79. Dự báo năm 2045 con số này sẽ tăng lên gần 630 triệu người.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế hiện đang có 3,53 triệu người chung sống với bệnh đái tháo đường. Mỗi năm có gần 29.000 người tử vong, tương đương hơn 80 người/ngày do các biến chứng liên quan như biến chứng tim mạch, thần kinh, thận, mạch máu, mắt... do đái tháo đường gây ra.
Đái tháo đường đang trở thành "đại dịch" nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm. Trong khi đó, 60% bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 còn chưa được phát hiện và điều trị, chỉ đến khi mắt mờ, chân loét, suy thận mới phát hiện ra đái tháo đường tuyp 2.
Hai biện pháp phòng bệnh
Theo bác sĩ Dương triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 không phải lúc nào cũng rõ ràng và khi phát hiện ra bệnh thì bệnh đã có biến chứng rất nặng . Đôi khi, tiểu đường tuýp 2 không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có biểu hiện đi tiểu thường xuyên. uống nhiều nước, cảm thấy mệt mỏi thường xuyên cha mẹ cần cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe để phát hiện và điều trị đái tháo đường sớm.
Để phòng đái tháo đường người lớn nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hạn chế thức ăn nhanh
Bác sĩ Dương cho biết trẻ đường huyết quá cao mới cần tiêm insulin. Còn bình thường với trẻ em và thanh thiếu niên bị tiểu đường tuyp 2 có thể kiểm soát lượng đường trong máu thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và các loại thuốc cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin.
Có bệnh nhân bị đái tháo đường tuyp 2 năm 15 tuổi nhưng do tập luyện và thay đổi chế độ ăn đến nay cháu đã không còn phải điều trị thường xuyên, đường trong máu ổn định.
Khi bị đái tháo đường tuyp 2, trẻ em cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết và trẻ sẽ được bác sĩ kê đơn, hướng dẫn ăn uống, vận động. Các bệnh nhân 1-2 năm đầu, từ năm 3, các chỉ số đường máu lại tăng rất nhanh, đến năm 5-6 thì quay lại như ban đầu.
Chính vì thế bác sĩ luôn luôn nhấn mạnh phải vận động, thậm chí có trường hợp mẹ phải nghỉ làm để cùng con đi tập luyện.
Để phòng bệnh đái tháo đường cho con, bác sĩ Dương nhấn mạnh cha mẹ hãy bỏ thói quen bắt trẻ ăn nhiều để cháu được bụ bẫm hoặc để trẻ ngồi học một chỗ quá lâu, không vận động. Hai phương pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ đó là dinh dưỡng và vận động với trẻ nhỏ vẫn cần vận động từ hôm nay không đợi trẻ lớn.