Với người nhạc sĩ già xấp xỉ 70 tuổi đời và gần 50 năm tuổi nghề như Bảo Chấn, ông có cả một "kho" ký ức tuyệt đẹp trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.
Trong đó, có lẽ đặc biệt nhất là những kỷ niệm thú vị về các đồng nghiệp mà ông từng nhiều năm làm việc chung như danh ca Thái Thanh, Khánh Ly, Ý Lan, NSND Thanh Hoa, diva Thanh Lam, nhạc sĩ Dương Thụ...
Vì 500.000, kéo tụt nơ đầm của Ý Lan
Từ nhỏ, Bảo Chấn được gia đình cho học trường dòng nhưng tình cờ một lần cùng cha tới trường nhạc đón em, đứng ngoài nghe, Bảo Chấn nhịp một tay theo nhạc không sai một nốt trong khi những học viên khác đều sai. Đó là cách ông đến với âm nhạc?
Ông thầy phát hiện ra năng khiếu của tôi là cha Ngô Duy Linh cũng là giám đốc Nhạc viện. Hôm đó, tôi đứng chờ ở ngoài cửa, dí mặt mình lên kiếng hóng, gõ nhịp tay theo. Mấy ông linh mục tai thính khủng khiếp. Cha hỏi tôi là ai. Tôi nói "dạ là con ông Phan", tức là bố tôi.
Hôm sau, cha nói chuyện với bố tôi "thằng này có khiếu lắm, sao không cho nó đi học", bố tôi cũng dạy nhạc trong đó. Bố tôi muốn cho con học trường dòng để sau này ra làm cha thiên hạ, rốt cuộc vì ngày hôm đó mà bị gãy.
Nhà tôi có 5 anh em học nhạc chơi nhạc hết nhưng cuối cùng rụng còn tôi với Bảo Phúc. Hồi đó, bố tôi là giám học nhạc viện nên chuyện cho con học nhạc dễ dàng lắm.
Hơn nữa, ngày ấy đỗ tú tài lại tốt nghiệp 1 trong 4 trường đại học Cao Thắng, Mỹ thuật, Âm nhạc, Phú Thọ là được miễn đi lính, miễn đi quân dịch nên tôi sướng đủ điều.
Nhạc sĩ Bảo Chấn
Sau khi tốt nghiệp trường nhạc, ông đã được làm việc ngay với rất nhiều danh ca lẫy lừng thời đó như Khánh Ly, Thái Thanh, Ý Lan...?
Hồi đó tôi đánh cho nhiều danh ca lắm, Ý Lan là sau này. Trong những người đó, khó nhất là cô Thái Thanh. Trước năm 1975, tôi chơi đàn ở phòng trà của cô Khánh Ly, cô Thái Thanh hay hát ở đó. Lúc ấy tôi mới 18 tuổi, còn cô Thái Thanh hơn 30, mỗi lần thấy cô Thái Thanh vô là mặt tôi xanh lè.
Đánh sai mà bị la là một lẽ, đánh đúng mà đánh ồ, cô Thái Thanh cũng mắng nữa. Tôi có kỷ niệm với cô Thái Thanh vui lắm.
Hồi ấy tôi mới ra trường, trẻ nên còn háo thắng, thích thể hiện. Hôm đó, cô Thái Thanh hát bài "Bà mẹ Gio linh", tới đoạn bi thảm, tôi đàn bi thảm; tới đoạn có tiếng chuông, tôi chơi tiếng chuông luôn.
Tôi đệm thế, cô Thái Thanh không hát được. Đang ở trên sân khấu nhưng cô Thái Thanh nói ngay: "Cháu đánh hay lắm, hay là cháu đánh luôn đi để cô đi xuống". Tôi mắc cỡ thiếu điều tìm lỗ chui xuống đất.
Mình bị chửi nhiều thì phải ngộ ra. Đệm cho người ta hát thì không được phô diễn kỹ năng ngón đàn của mình mà là làm nền, làm sao để ca sĩ phô diễn được chất giọng của họ.
Người đệm hay là người biết tới chỗ nào thì phải nhường lại cho ca sĩ. Thế mà mãi tới lúc hơn 30 tuổi, tôi mới hiểu ra được điều đó.
Với Ý Lan cũng vui nữa. Ý Lan hồi xưa hay đi hát cùng cô Thái Thanh trên chiếc Mercedes. Ý Lan khi ấy mới chừng 15, 16 tuổi, người nhỏ xíu. Ý Lan hay ngồi đợi cô Thái Thanh trên xe cùng với tài xế, lâu lâu đi vô sân khấu chơi lại nhằm đúng giờ giải lao của mấy anh em trong ban nhạc.
Hôm đó, Ý Lan mặc cái đầm có nơ sau lưng. Mấy anh em ban nhạc thách nhau "Chấn, mày kéo cái nơ đi, mày dám kéo, tao đưa mày 500.000". Vì khoái 500.000 nên lúc Ý Lan đi qua, tôi kéo tụt nơ. Ý Lan vô sân khấu méc cô Thái Thanh.
Bình thường cô Thái Thanh rất khó trong âm nhạc nhưng mấy chuyện trêu đùa của đám thanh niên thì cô bỏ qua. Cô chỉ bảo "thôi, đừng có nghịch em nó". Mà thanh niên hồi đó, nghịch như vậy đã là ghê gớm mạnh bạo lắm rồi. Cô Khánh Ly biết chuyện ra chửi quá chừng.
Nhạc sĩ Bảo Chấn ở tuổi gần 70...
Dương Thụ nói Thanh Lam "mày hát như một thằng đàn ông"
Vậy còn với những đồng nghiệp khác, như Dương Thụ chẳng hạn. Trong cuộc đời âm nhạc của ông, ngoài người em trai Bảo Phúc thì nhạc sĩ Dương Thụ là người có nhiều gắn kết, từ lúc thành lập ban nhạc trẻ thập niên 80 tới khi tên của cả hai liên tục được xướng lên trên các bảng xếp hạng trong giai đoạn nửa cuối thập niên 90?
Dương Thụ khó tính lắm, mỗi lần vào phòng thu là mặt mày rất căng thẳng. Dương Thụ cũng có nhiểu chuyện vui. Lần đó, Thanh Lam hát ca khúc mới của Dương Thụ. Thanh Lam là người rất nhiều lửa, cả trên sân khấu cũng như trong phòng thu.
Thanh Lam hát xong ra hỏi Dương Thụ "sao, tôi hát chú nghe thấy thế nào".
Dương Thụ tự nhiên quát lên "mày hát như một thằng đàn ông". Thanh Lam bực quá bảo "con này mà không hát thì chẳng còn con nào hát cho ông đâu".
Thế hệ các "nghệ sĩ già" ngày ấy vui quá...?
Thời của chúng tôi, nghệ sĩ tội nghiệp mà cũng dễ thương vô cùng. Nghệ sĩ nhân dân hay diva, danh ca thời đó không được như các nghệ sĩ trẻ bây giờ, lụa là xiêm y lộng lẫy.
Nghệ sĩ ngày xưa rất khổ, gần đi hát mới chạy vô đoàn cầm cái bàn ủi con gà, bỏ than củi bên trong để ủi áo dài. Thỉnh thoảng lại bị cháy đồ, tôi cũng bị cháy mấy cái quần.
Thập niên 80, tôi hay đi show ở Hà Nội. Hôm ấy ban nhạc đánh ở công viên Thủ Lệ. Chương trình có NSND Thanh Hoa hát. Đó là show làm cho nhà nước để tính điểm.
Nghệ sĩ hồi đó nghèo, đạp xe đạp đi hát. Một đống xe đạp dựa quanh gốc cây rồi lấy dây xích cột lại. Thanh Hoa vừa hát vừa ngó cái xe vì sợ mất. Thỉnh thoảng lại hỏi một cậu trong ban nhạc "cu ơi, mày để ý xem cái xe của chị còn không".
Nghệ sĩ có người rất máu trên sân khấu nhưng cũng có người, cơm áo gạo tiền theo mình suốt khi đi hát. Đang hát mà cứ lo cái xe cột ở gốc cây kia có bị thằng nào nhấc đi không.
Nhưng mọi ký ức thời thanh xuân với ông như vừa mới hôm qua...
"Thường những bài tôi thích nhất thì thiên hạ không ai ưa hết"
Còn kỷ niệm về "nguồn gốc" ra đời ca khúc mà ông yêu thích nhất thì sao?
Trong toàn bộ sáng tác của tôi, thường những bài tôi thích nhất thì thiên hạ không ai ưa hết. Ví dụ như bài "Say đắm", tôi thích lắm và một bài về mưa nữa mà tôi không nhớ tên. Tôi có cái khiếu khá mắc cười là sáng tác xong không bao giờ nhớ tên bài.
Tôi thích bài đó là vì được viết từ một câu chuyện rất vui. Năm 1975, tôi mới ngoài 20 tuổi, còn đang thanh niên. Hồi đó, ai làm cơ quan nhà nước là oai và sung sướng vô cùng.
Hồi ấy, nhà tôi trên đường Nguyễn Kim, đường lớn và rộng rãi. Gần nhà tôi có mấy con hẻm nhỏ xíu. Tôi để ý một cô gái nhà ở trong cái hẻm ấy. Đường Nguyễn Kim rộng rãi thoải mái tôi không đi, cứ đi qua cái hẻm bé tí kia để được gặp cô ấy.
Hồi đó xe buýt chưa nhiều, hàng ngày có xe buýt đón công nhân chở xuống Thủ Đức làm ở xưởng dệt may Thanh Phú. Tôi canh giờ cô ấy đi làm, cũng giả bộ đi làm.
Cái hẻm chỉ đủ một người đi, nếu có hai người là phải ép vào nhau xoay lại mới qua được. Tôi đi hẻm đó chỉ để được ôm cô ấy và xoay một cái như thế, rồi cô ấy đi đằng này, mình đi đằng kia. Và tôi cứ kiếm chuyện đi thế hoài.
Có một hôm trời mưa, tôi đi trễ, ra tới bến xe buýt thì thấy cô ấy đang đứng chờ xe. Cô ấy cầm cây dù, thấy tôi bị ướt mưa, cô ấy ghé dù qua, che cho mình khỏi ướt. Thấy thế, tôi mừng gần chết. Vừa đứng được vài phút, không thấy xe buýt tới mà một chiếc honda chạy tới, một thằng quỷ nào đó tới rước cô ấy đi. Thế là tôi viết bài hát đó...
Cảm ơn nhạc sĩ Bảo Chấn đã chia sẻ!