Báo cáo chính phủ TQ: Ông Tập vượt Đặng Tiểu Bình, chỉ xếp sau Mao Trạch Đông về số lần xuất hiện

Thủy Thu |

Nhận định về số lần đề cập ông Tập Cận Bình trong báo cáo chính phủ TQ hàng năm, phóng viên người Anh cho rằng, đây là kết quả không hoàn toàn bất ngờ nhưng khá ấn tượng.

Trong báo cáo công tác được chính phủ Trung Quốc công bố cách đây 2 ngày, số lần Chủ tịch Tập Cận Bình được nhắc đến trong báo cáo nhiều hơn hẳn những báo cáo thường niên trước đây. Thậm chí tính theo số lần xuất hiện, tên của ông Tập còn được đề cập nhiều hơn cả nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và chỉ đứng sau cố lãnh tụ nước này Mao Trạch Đông.

Cụ thể, tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC - tương đương Quốc hội) hôm 5/3, Thủ tướng Trung Quốc đã đọc báo cáo về công tác chính phủ trong nhiệm kỳ qua và đề ra một số các ưu tiên và mục tiêu lớn cho năm 2018.

Theo thống kê của Simon Rabinovitch, phóng viên tờ The Economist (Anh), những năm gần đây, số lần được đề cập tới trong báo cáo công tác chính phủ của nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm ngày càng tăng từ năm 2014-2015-2016-2017-2018 lần lượt là 5-5-6-9-15 lần.

Rabinovitch cho rằng, đây là kết quả không hoàn toàn bất ngờ nhưng khá ấn tượng.

Giới truyền thông Pháp thì nhận định, trước đây, tần suất lãnh đạo ĐCSTQ được nhắc tới trong báo cáo công tác chính phủ vượt quá 10 lần không nhiều, chỉ có hai lần: trong báo cáo công tác chính phủ năm 1975, Mao Trạch Đông được nhắc tới 17 lần và vào năm 1997, Đặng Tiểu Bình được nhắc tới 11 lần.

Vào tháng 10/2016, sau khi Hội nghị trung ương VI khóa 18 bế mạc, hội nghị đã xác lập địa vị hạt nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đến ngày 5/3/2018, trong ngày khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XIII, hội nghị chính thức công bố dự thảo sửa đổi hiến pháp, nội dung bao gồm đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước. Động thái này khiến dư luận dấy lên dự đoán, ông Tập có khả năng tiếp tục tại nhiệm sau năm 2023.

Trước các ý kiến trái chiều trong dư luận, báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo giải thích, việc sửa đổi quy định nhiệm kỳ đối Chủ tịch Trung Quốc có lợi cho việc nhất quán thể chế lãnh đạo "tam lập nhất thể" - người đứng đầu quốc gia đồng thời giữ ba chức vụ quan trọng gồm Tổng bí thư - Chủ tịch nước và Chủ tịch quân ủy trung ương ĐCSTQ - nhưng "không đồng nghĩa với việc thay đổi chế độ nghỉ hưu của cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước, cũng không đồng nghĩa với việc cán bộ lãnh đạo làm việc trọn đời".

Ông Trương Nghiệp Toại - phát ngôn viên NPC, khẳng định đề xuất này chỉ đơn thuần làm cho chức danh Chủ tịch nước giống với chức danh Tổng bí thư đảng và Chủ tịch Quân ủy trung ương, vốn không bị giới hạn nhiệm kỳ .

Trương nói: "Điều này có lợi cho việc củng cố thẩm quyền của Ủy ban Trung ương đảng với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân cũng như có lợi cho việc thống nhất vai trò lãnh đạo" .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại