Các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và khách sạn đang đồng loạt cắt giảm lương và giờ làm hoặc thậm chí phải sa thải nhân viên để có thể sống sót. Nhiều người dự báo nếu không có giải pháp tức thì, tỷ lệ thất nghiệp – hiện đang ở mức thấp kỷ lục – sẽ sớm tăng lên.
Nestor Manuel (21 tuổi) nằm trong số những người bị ảnh hưởng. Mới đây cậu vừa nhận việc mới: làm quản lý tầng tại Mint Supper Club sau khi đổi việc tới mấy lần trong vài tháng qua. "Tôi đã phải đổi việc 2 lần trong 6 tháng bởi vì các công ty không thể trả lương, thật buồn khi nhìn thấy ngành kinh doanh mà mình yêu thích đang chết dần vì biểu tình", cậu nói.
Những ông chủ trước của Manuel lúc đầu giảm lương để giữ chân nhân viên, nhưng sau đó đã phải đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn để có thể duy trì hoạt động kinh doanh.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Hồng Kông vẫn giữ ở mức thấp kỷ lục 2,9% kể từ tháng 7, mọi chuyện đang dần xấu đi. Hôm nay tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 sẽ được công bố và được dự báo sẽ tăng lên 3%. Các ngành liên quan đến tiêu dùng và du lịch như bán lẻ, dịch vụ cung cấp chỗ ở và thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Trong quý III tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này tăng lên mức 4,9%, cao nhất 2 năm. Ngành thực phẩm và đồ uống còn tệ hơn, với chỉ số lên cao nhất 6 năm – 6%.
Ginevra Tonelli, 1 nhân viên bán hàng tại shop quần áo Excuse My French ở quận SoHo cho biết nhiều cửa hàng ở gần đó đã phải đóng cửa và rất có thể shop của cô sẽ phải làm điều tương tự. "Chúng tôi dành cả ngày để theo dõi xem người biểu tình đang ở đâu và họ sẽ tới đâu", cô nói.
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã kéo dài 5 tháng và đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu sẽ dừng lại, các cửa hiệu mua sắm, nhà hàng và hệ thống tàu điện ngầm sẽ tiếp tục phải đóng cửa sớm, theo Ines Lam – chuyên gia kinh tế tại CLSA. Sau những phản ứng đầu tiên như cho nhân viên tạm nghỉ không lương và giảm giờ làm, nếu biểu tình kéo dài hơn, các ngành du lịch, bán lẻ và kinh doanh ăn uống của Hồng Kông sẽ tiếp tục suy giảm.
Lam dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong những ngành này có thể lên đến 10% vào giữa năm 2020, đẩy tỷ lệ thất nghiệp chung lên mức 4% - con số chưa từng thấy kể từ tháng 11/2010.
Cùng lúc đó, suy thoái ập đến có nghĩa là người lao động không dễ gì tìm được việc làm mới nếu không được đào tạo lại để chuyển sang ngành khác. Số lượng người chủ động tìm việc sẽ co hẹp vì người lao động từ bỏ hoặc rời khỏi Hồng Kông thay vì tìm việc làm mới. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Hồng Kông vẫn được duy trì ở mức trên 60% suốt từ năm 2011 đến nay.
Theo giới phân tích, nỗi đau thực sự có thể bắt đầu ập đến vào đầu năm sau, khi tình trạng biểu tình kéo dài nhiều tháng bắt đầu tác động sâu hơn đến các xu hướng chi tiêu.
Kevin Lai, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á trừ thị trường Nhật Bản của Daiwa Capital Markets, nhận định các doanh nghiệp nhỏ chỉ có thể duy trì tình hình hiện tại được 3-6 tháng nữa. Ông dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh vào tháng 1 năm sau, rất có thể sẽ đạt 3,5% trong ngắn hạn.
Mùa Giáng sinh và dịp lễ mua sắm cuối năm sắp tới (thường là mùa chi tiêu cao điểm trong năm) sẽ là thời khắc quyết định đối với rất nhiều nhà hàng và các nhà bán lẻ.
Christina Wan, chủ sở hữu của hãng thời trang Ohemia, mới đây đã đầu tư vào 1 gian hàng ở hội chợ Giáng sinh. Lượng khách chỉ bằng 1/5 so với thông thường, và đến 5h chiều thì họ đã thu dọn đồ đạc. "Chúng tôi phải đóng cửa sớm hơn 3h trước khi hội chợ kết thúc, không ai vui cả nhưng lúc này thì chẳng ai có thể làm gì khác", anh nói.