Tờ Defence 24 (Ba Lan) đăng bài viết cho hay, Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam International Defence Expo 2024) diễn ra tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 19-23/12 là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, với 77 đơn vị trong nước tham gia sự kiện.
Những phát minh và giải pháp (nâng cấp) mà các đơn vị này mang tới triển lãm "rất thú vị và phong phú", dù một phần đáng kể vũ khí của Việt Nam là các hệ thống được Liên Xô cấp phép.
Việt Nam cũng tự hào về năng lực sửa chữa và hiện đại hóa có thể cung cấp cho các quốc gia khác. Một ví dụ điển hình là AESC (Dịch vụ kỹ thuật hàng không vũ trụ), được thành lập năm 2008 để phục vụ cả thị trường quân sự và dân sự. Trong thời gian qua, AESC đã tham gia sửa chữa các bộ phận cho máy bay tuần thám biển C212, máy bay vận tải C295, và thủy phi cơ DHC-6.
Việc cung cấp đạn dược (hướng tới mục tiêu xuất khẩu) và máy bay không người lái (UAV) cũng rất phong phú. Tại triển lãm, có thể thấy ít nhất một chục thiết kế UAV nội địa. Trong khi đó, Việt Nam cho thấy khả năng sản xuất đa dạng các loại đạn dược, từ mìn, lựu đạn cho tới đạn pháo.
Đáng chú ý, "gã khổng lồ" Viettel đã trưng bày một loạt UAV thuộc các chủng loại khác nhau, cũng như các hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống tên lửa và tác chiến điện tử. Tập đoàn này còn giới thiệu bộ trang bị người lính tương lai tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Máy bay quân sự đầu tiên "Make in Vietnam": Bước tiến lịch sử
Theo Defence 24, trong khuôn khổ triển lãm năm nay, một dự án tiêu biểu khiến Việt Nam – "người chơi mới" trong lĩnh vực hàng không quân sự - đặc biệt tự hào là máy bay huấn luyện – tuần tra quân sự TP-150.
Đây sẽ là "máy bay đầu tiên trong lịch sử" mà Việt Nam tự sản xuất trong nước. TP-150 là máy bay hạng nhẹ phục vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện cơ bản và tuần tra, với khả năng thực hiện được cả các động tác nhào lộn.
Tờ báo Ba Lan nhận định, màn ra mắt của TP-150 đã làm nổi bật 2 điều. Thứ nhất, đây là máy bay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, đánh dấu bước đột phá đáng kể đối với ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, đồng thời là điểm khởi đầu cho việc nâng cao kiến thức và năng lực sản xuất, cũng như năng lực thiết kế.
Thứ hai, đây là dự án đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng nhà nước và một công ty tư nhân nước ngoài. TP-150 do công ty Flying Legend của Ý thiết kế và sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam.
Máy bay trang bị động cơ 150 mã lực, có thể bay với tốc độ gần 300km/h, phạm vi hoạt động lên tới 6,5 giờ với các thùng nhiên liệu bổ sung.
Các thành phần của máy bay, bao gồm động cơ và thiết bị điện tử, được nhập khẩu từ các nước phương Tây.
Tuy nhiên, khung máy bay, cánh và bánh đáp được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, điều quan trọng là TP-150 sẽ được cung cấp cho các thị trường nước ngoài như Bắc Phi, Nam Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương.
Minh chứng cho khả năng tự chủ quốc phòng
Một giải pháp quân sự thú vị khác mà Việt Nam giới thiệu tại triển lãm năm nay là xe chiến đấu bộ binh XCB-01, do Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam thiết kế và chế tạo. Đây là phiên bản hiện đại hóa của mẫu BMP-1 (Liên Xô) vẫn đang có trong trang bị của lục quân Việt Nam.
Theo Defence 24, với giải pháp mới, "cỗ máy bọc thép" này sẽ còn phục vụ lâu dài trong biên chế quân đội Việt Nam, và rất có khả năng quân đội Việt Nam "sẽ vượt qua quân đội Ba Lan" trong việc sử dụng và bảo trì loại xe quân sự này trong tương lai.
Trước đó, vào năm 2021, theo Defence 24, quân đội Ba Lan (đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng năng lực quân sự châu Âu của Global Fire Power) thông báo chọn ra 3 đơn vị đấu thầu để tiến hành hiện đại hóa các xe BMP-1 (với khoảng 1.000 chiếc).
Gói nâng cấp sẽ tập trung vào vũ khí, hệ thống chỉ huy – kiểm soát và cung cấp điện năng. Tuy nhiên, những chiếc BMP-1 của Ba Lan hiện chủ yếu phục vụ trong vai trò huấn luyện và tập trận.
Theo giới thiệu tại triển lãm, XCB-01 có chiều dài 6,95m, rộng 3,25m và cao 2,14m, kíp vận hành 3 người, có thể chở tối đa 8 binh sĩ.
Mẫu xe này vẫn trang bị các loại vũ khí điển hình của BMP-1, nhưng tháp pháo đã được thay thế. Ngoài pháo 73mm 2A28 Grom với cơ số đạn 40 viên, XCB-01 còn được trang bị CVTN-18, phiên bản nội địa của tên lửa chống tăng có điều khiển 9M14 Malyutka.
Xe được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, máy đo khoảng cách laser, kính ngắm ảnh nhiệt, hệ thống cảnh báo bức xạ và súng phóng lựu khói 81mm. Phía sau xe có một thanh dầm đặc trưng trong các mẫu xe Liên Xô và Nga – một cải tiến hợp lý trong điều kiện địa hình ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, xe có hệ thống chữa cháy tự động và trang bị điều hòa không khí, cũng như hệ thống thông tin liên lạc mới.
Động cơ diesel 300 mã lực cho phép XCB-01 di chuyển với tốc độ 65 km/h trên bộ, hoặc 7 km/h dưới nước. Mẫu xe này có thể vượt qua các chướng ngại vật có độ dốc lên đến 30 độ.
Các mẫu UAV và tên lửa mới lạ
Một điểm đáng lưu ý tại triển lãm năm nay là sự ra mắt của các loại UAV dân sự và quân sự. Defence 24 đặc biệt lưu ý tới mẫu UAV-Z113-50 do nhà máy Z113 nghiên cứu chế tạo. Phương tiện bay không người lái này được trang bị 2 ống phóng chất chữa cháy, có thể hoạt động trên không tới 20 phút trong điều kiện mang tải trọng tối đa.
UAV-Z113-50 được thiết kế để dập tắt đám cháy ở những nơi khó tiếp cận, bao gồm cả các tầng cao của tòa nhà. Phạm vi truyền tín hiệu từ máy bay không người lái đến người điều khiển là 5 km, có thể hoạt động ở nhiệt độ từ 0 đến 40 độ C.
Cũng tại triển lãm, công ty MK Aerospace của Việt Nam đã giới thiệu hệ thống tên lửa hạng nhẹ (LMS), có khả năng lắp đặt vào phía sau xe bán tải thông thường. Với tính cơ động và linh hoạt cao, thiết bị không yêu cầu cân bằng hoặc ổn định, cho phép thực hiện phương pháp bắn và chạy.
Một hệ thống LMS tiêu chuẩn có thể mang 12 tên lửa Magic Arrow MK70 (có hoặc không có dẫn đường mục tiêu), 12 tên lửa MK82 hoặc 4 tên lửa MK140. Hệ thống này trang bị camera ngày đêm, máy đo khoảng cách laser và thiết bị chỉ thị mục tiêu laser.
Tên lửa MK70 có tầm bắn 8km (không dẫn đường), 6km (dẫn đường). Trong khi tên lửa MK82 và MK 140 có tầm bắn lần lượt là 2km và 6km.