Mới đây, tờ ABC News (Australia) đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Việt Nam đã chặn đứng dịch COVID-19 lần thứ 2 như thế nào?" của tác giả Max Walden. Dưới đây là nội dung bài viết:
Việt Nam đã trải qua hai tuần không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Đây có thể được coi là chiến thắng lần thứ 2 trước đại dịch nguy hiểm.
Tới nay, quốc gia có hơn 95 triệu dân này chỉ ghi nhận hơn 1.068 ca nhiễm COVID-19 - gần bằng con số ở Queensland - và có 35 ca tử vong - ít hơn số tử vong ở New South Wales.
Gần như tất cả các hạn chế ở thành phố Đà Nẵng - nơi có hơn 550 ca nhiễm hồi cuối tháng 7 - đã được gỡ bỏ.
Vậy, Việt Nam đã làm thế nào để ngăn chặn được dịch COVID-19 lần thứ 2?
6 tháng không có ca tử vong do COVID-19
Ngay từ đầu đại dịch, Việt Nam đã hành động nhanh và quyết liệt chống lại virus corona.
Sau khi những trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng 1, các chuyến bay tới và từ Vũ Hán trở về đề bị hủy bỏ.
Tới cuối tháng 3, các đường biên giới ở Việt Nam gần như đóng cửa hoàn toàn.
Việc xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và các chiến dịch y tế công cộng đều được triển khai nhanh chóng.
"Niềm tin của người dân là yếu tố then chốt để thành công," Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) nhận xét hồi tháng 6.
"Ngay từ đầu, thông tin về virus và chiến lược của Việt Nam đều đã rất minh bạch".
Chính quyền đã sử dụng nhiều phương pháp sáng tạo để thông tin về các triệu chứng, cách phòng bệnh, địa điểm xét nghiệm, bao gồm thông qua cơ quan truyền thông quốc gia, mạng xã hội, nhắn tin và thậm chí đầu tư một ca khúc có tính lan truyền mạnh để quảng bá về tầm quan trọng của việc rửa tay.
Ảnh: Hau Dinh
Từ giữa tháng 3, đeo khẩu trang là việc bắt buộc ở nơi công cộng.
Không giống như các khu vực khác ở trên thế giới, hầu như không ai ở Việt Nam phản đối đeo khẩu trang.
"Người Việt Nam có kinh nghiệm trước các bệnh dịch truyền nhiễm, quốc gia này đã trải qua nhiều đợt dịch bệnh truyền nhiễm trong 20 năm qua," Guy Thwaites, giám đốc của Đơn vị Nghiên cứu Y khoa Đại học Oxford, cho biết.
"Đây không phải là cách phản ứng dựa trên công nghệ cao, mà dựa vào việc tổ chức và hành động nhanh chóng".
Lệnh cách ly xã hội toàn quốc đã được áp dụng từ ngày 1/4 đến ngày 22/4. Trong khi đó, hàng trăm nghìn người, đặc biệt là các ca nghi nhiễm COVID-19, đã buộc phải cách ly trong các bệnh viện, cơ sở do nhà nước quản lí hoặc cách ly tại nhà.
Tới nay, số nhiễm bệnh vẫn ở ngưỡng thấp.
Tuổi trung bình của những người nhiễm COVID-19 là khoảng 30 tuổi, và đó là lí do tại sao Việt Nam có hơn 6 tháng không có cơ tử vong do virus corona. Theo khảo sát từ cơ quan nghiên cứu YouGov ở Anh, có tới 97% người dân Việt Nam được khảo sát cho biết hoàn toàn tin tưởng cách chính phủ đối phó với đại dịch - con số cao kỉ lục và đứng đầu thế giới.
Cuối tháng 7, dịch bệnh lại xuất hiện "bí ẩn" tại Đà Nẵng.
Ảnh: Reuters
Giải quyết ổ dịch Đà Nẵng
Ngày 31/7, một bệnh nhân nam 70 tuổi trở thành ca tử vong đầu tiên do COVID-19 ở Việt Nam, chỉ 6 ngày sau khi ổ dịch mới bùng phát ở bệnh viện địa phương. Cùng lúc, số ca nhiễm mới tăng hơn 550 ca - chiếm 1 nửa tổng số ca nhiễm ở Việt Nam kể từ khi dịch bùng phát.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), "khoảng 98% số ca nhiễm đợt 2 có liên quan tới các bệnh viện lớn ở Đà Nẵng hoặc từng di chuyển tới Đà Nẵng".
Cả thành phố này sau đó đã bị phong tỏa, việc di chuyển được kiểm soát khắt khe.
"Chính quyền thực hiện mọi biện pháp mà họ làm lúc trước, nhưng lần này thực hiện ở quy mô lớn và rất nhanh chóng," giáo sư Thwaites nói.
Ảnh: Reuters
Cũng như cách xét nghiệm cộng đồng quy mô lớn ở Vũ Hán, trong lần này Việt Nam đã sử dụng xét nghiệm gộp mẫu. Nếu mẫu xét nghiệm gộp của 5 hoặc 6 người cho ra kết quả dương tính, tất cả những người trong mẫu đều sẽ được xét nghiệm riêng biệt.
"Mẫu xét nghiệm của cả gia đình được gộp lại xét nghiệm. Bằng cách đó, có thể xét nghiệm được 100.000 người chỉ qua 20.000 lần xét nghiệm. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí," Giáo sư Thwaites nói.
Theo WHO, khoảng 1/3 hộ dân ở Đà Nẵng đã được xét nghiệm trong giai đoạn từ ngày 3/9 tới ngày 10/9.
"Cách ly xã hội lần này nghiêm ngặt hơn lần trước và họ phản ứng rất nhanh," Jos Aguiar, một người Australia làm việc tại công ty ở Đà Nẵng, kể lại.
"Ở khu của chúng tôi, họ đặt rào chắn ở cả hai bên đường. Việc này khá bất tiện nhưng tôi rất vui vì cách Việt Nam đối phó với dịch bệnh".
Ba-Linh Tran từ Đại học Bath và Robyn Klingler-Vidra tại Đại học Hoàng Gia Anh đã nghiên cứu cách người dân Việt Nam đối phó với đại dịch.
Trả lời ABC, họ cho biết người dân Đà Nẵng đã "quyên góp tiền, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các bệnh viện lớn ở thành phố".
"Khi được xuất viện, một bệnh nhân thậm chí còn cùng bạn bè lập quỹ để sản xuất sản phẩm khử trùng cho bệnh viện ở Đà Nẵng và các vùng xung quanh". Đây là những hành động đáng quý và góp phần quan trọng cho công cuộc đẩy lùi đại dịch COVID-19.
"Đường phố lại đông như xưa," Giáo sư Thwaites nhận xét về cuộc sống ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trong tuần trước, Việt Nam cho biết sẽ bắt đầu nối lại các chuyến bay tới Seoul, Quảng Châu, Đài Bắc và Tokyo. Các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia tiếp tục đạt được tăng trưởng kinh tế trong năm nay.