Báo Anh: Tổng thống Trump làm bà May suýt khóc

Phạm Nghĩa |

Báo The Telegraph mô tả giọng điệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nói chuyện với cựu Thủ tướng Anh Theresa May là bắt nạt, suýt làm bà khóc.

Theo The Telegraph, Tổng thống Trump được cho là đã hỏi các nhà lãnh đạo thế giới khác rằng họ nghĩ gì về bà May. Ông cũng nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron việc bà May "mắc sai lầm khi kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2017, khiến đảng Bảo thủ mất đa số ghế tại Quốc hội".

Theo các tài liệu về những cuộc gặp và điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh bị rò rỉ, The Telegraph cho biết Tổng thống Trump thường bỏ qua các chủ đề thảo luận, thay vào đó "độc thoại dài dòng". "Thật khó để nói xen vào dù chỉ một từ" - một cựu cố vấn của bà May kể lại về cách nói chuyện của ông Trump.

Một quan chức Washington sau khi nghe cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và bà May tiết lộ cựu thủ tướng Anh thất vọng đến mức có thời điểm người này nghĩ rằng bà "muốn hét lên hoặc khóc". Hai nhà lãnh đạo lúc đó thảo luận về các biện pháp tiềm tàng chống lại Nga sau vụ đầu độc điệp viên Liên Xô Sergei Skripal và con gái Yulia tại TP Salisbury – Anh năm 2018.

Bà May hối thúc Tổng thống Trump dẫn đầu các hành động toàn cầu chống lại Nga. Tuy nhiên, ông đáp lại: "Không, tôi muốn theo sau hơn là dẫn đầu". Nhà lãnh đạo Mỹ cũng muốn thực hiện nỗ lực phối hợp để trừng phạt Điện Kremlin.

Ông nói: "Không, tất cả chúng ta phải cùng nhau làm. Đức phải làm điều gì đó. Mọi người phải tập hợp một liên minh. Tôi không sẵn sàng để Mỹ đi trước, sau đó để những người khác không làm gì. Đức phải làm điều gì đó".

The Telegraph cho biết thêm Tổng thống Trump thậm chí còn hủy một cuộc điện đàm với bà May sau khi ông được các cố vấn cho biết rằng bà muốn phản đối quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Báo Anh: Tổng thống Trump làm bà May suýt khóc - Ảnh 2.

Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost. Ảnh: AP

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 6-9 cảnh báo nước ông có thể rời khỏi các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) "trong vòng vài tuần tới". Ông lưu ý thỏa thuận chỉ có thể đạt được nếu các nhà đàm phán EU "suy nghĩ lại về quan điểm hiện tại của họ".

Về phần mình, EU cáo buộc Anh "đàm phán không nghiêm túc". Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost và người đồng cấp EU Michel Barnier sẽ gặp nhau tại London bắt đầu từ ngày 8-9 cho vòng đàm phán thứ tám.

Tuần trước, Barnier cho biết ông "lo lắng và thất vọng" vì đàm phán dậm chân tại chỗ, trong khi Anh "không tham gia một cách xây dựng". Các điểm mấu chốt chính là khả năng tàu thuyền châu Âu tiếp cận các vùng biển đánh cá của Anh và viện trợ của nhà nước cho các ngành công nghiệp. EU muốn đảm bảo một sân chơi bình đẳng để các công ty Anh không thể cắt xén các tiêu chuẩn về môi trường hoặc bơm tiền công vào các ngành công nghiệp của vương quốc.

Anh rời EU (hiện có 27 thành viên) vào ngày 31-1--2020, sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra khoảng 3 năm rưỡi trước đó. EU muốn đạt thỏa thuận hậu Brexit trước tháng 11 tới song Thủ tướng Johnson tuyên bố hoặc đạt được thỏa thuận trước ngày 15-10 hoặc nước ông chấm dứt đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại