Nga đã ký thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD để cung cấp cho Ấn Độ 5 trung đoàn hệ thống phòng không S-400 vào tháng 10/2018. Gần đây, New Delhi được cho là đã thúc giục Moscow xúc tiến các đợt chuyển giao, bất chấp những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, trong một bài viết đăng tải ngày 6/11, tờ Times Now News của Ấn Độ lại bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tác chiến của S-400.
Cụ thể, theo tờ báo này, hệ thống phòng không S-400 của Nga "hiệu quả ngang hoặc hơn bất cứ hệ thống phòng không nào khác trên thị trường hiện nay", nhưng "chưa được thử nghiệm rộng rãi" trong các cuộc xung đột.
Times Now News cũng chỉ ra rằng, mặc dù Nga "đã có cơ hội để thể hiện năng lực của S-400 khi nó được triển khai tại Syria vào tháng 4/2018, nhằm chống lại các tên lửa Tomahawk từ Mỹ" nhưng họ đã không làm điều đó.
Trước đó, vào ngày 14/4/2018, nhằm đáp trả "cuộc tấn công hóa học" (mà sau này được tiết lộ là sai sự thật) tại Douma, Syria, liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa nhằm vào quốc gia Ả Rập, sử dụng kết hợp các tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến và các tên lửa tầm xa phóng từ trên không.
Các sĩ quan Liên Xô chụp ảnh trước hệ thống phòng không S-200VE tại Syria những năm 1980. Ảnh: SERGEY KACHKO / VETERANSYRIA.ORG
Mặc dù chỉ có trong tay phần lớn các hệ thống phòng không lỗi thời, trong đó có tổ hợp S-200 (được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô cuối những năm 1960) nhưng Syria tuyên bố đã đẩy lùi được cuộc tấn công. Bộ Quốc phòng Nga sau đó xác nhận phòng không Syria đã phá hủy được 71 trong tổng số 103 tên lửa của liên quân.
Vào thời điểm đó, các hệ thống S-400 đóng tại căn cứ không quân Khmeimim của Nga tại tây bắc Syria đã không được sử dụng. Quân đội Nga giải thích rằng, trước đó họ đã nói rõ S-400 chỉ được sử dụng để bảo vệ các quân nhân Nga đang hoạt động ở Syria.
Bất chấp tình trạng "chưa được kiểm nghiệm" của S-400, tờ Times Now News của Ấn Độ đã chỉ ra một số lợi thế quan trọng của hệ thống này, bao gồm khả năng triển khai nhiều loại tên lửa, từ tầm ngắn, trung, đến xa (40-400km), khả năng cơ động cao và thời gian triển khai nhanh chóng.
Về giá cả, Times Now News đánh giá rằng, S-400 "có giá thấp hơn đáng kể so với các hệ thống tương tự do Pháp hoặc Mỹ sản xuất" và đây được xem là một điểm thu hút khác của nó.
Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: ANDREI KALIY / KRASNAYA ZVEZDA
Cuối bài, tờ báo Ấn Độ lưu ý rằng "tên lửa tầm xa 40N6 mà S-400 có khả năng triển khai" đã thực sự khiến nó trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh khác như PAC-3MS, khi tổ hợp của Mỹ chỉ có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 100km hoặc thấp hơn.
S-400 hiện là hệ thống phòng không di động tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Nga. Cùng với Nga, hệ thống này đang được triển khai bởi Belarus, Trung Quốc và gần đây nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp nhận các tổ hợp S-300 trong vòng 3-4 năm tới.
Mỹ đã đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Ấn Độ mua S-400. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ nhấn mạnh rằng mua vũ khí Nga là "quyền chủ quyền" của họ.