Mở đầu bài viết, tờ báo Ấn Độ khẳng định Việt Nam đã phản đối chính đáng khi nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Economic Times nhấn mạnh Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh lại ngang ngược khẳng định nó thuộc đường 9 đoạn mà Trung Quốc sử dụng để tuyên bố chủ quyền với hơn 80% Biển Đông.
Tờ này dẫn ý kiến của các chuyên gia về vấn đề hàng hải nói rằng Trung Quốc không được triển khai bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình và vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và các hành động của Trung Quốc cho tới nay đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.
"Động thái của Trung Quốc báo hiệu Bắc Kinh không sẵn sàng tuân thủ UNCLOS trong khi bám víu vào yêu sách của mình đối với quyền chủ quyền của Biển Đông dựa trên cái gọi là đường 9 đoạn", Economic Times viết.
Việc Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngang ngược và không có dấu hiệu từ bỏ yêu sách chủ quyền với Biển Đông, các chuyên gia lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế thời gian tới. Họ khẳng định bất cứ sự nhượng bộ nào với Trung Quốc trong giai đoạn này chỉ thúc đẩy tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông và Đông Nam Á.
Tờ báo Ấn Độ kêu gọi các quốc gia tiếp tục lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các hành động đơn phương của Trung Quốc.
Economic Times cũng dẫn lại phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Thái Lan hồi cuối tháng 7 rằng hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Thông cáo chung được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra trong dịp này cũng bày tỏ lo ngại về các vụ việc nghiêm trọng trong khu vực làm xói mòn lòng tin cũng như sự tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.