Ra mắt vào tháng 10/2016, bánh mì Xin Chào là thương hiệu của hai anh em Bùi Thanh Duy (1986) và Bùi Thanh Tâm (1991) sau nhiều nỗ lực, trăn trở.
Trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp của VTV1, Tâm cho biết ý tưởng về tiệm bánh mì Việt xuất hiện sau khi cậu có cơ hội lên Tokyo chơi, và phải xếp hàng dài để mua thử 1 ổ bánh mì Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Cháu thấy chiếc bánh ấy cũng bình thường. Cháu nghĩ tại sao bánh mì Việt Nam rất là ngon, được đưa vào từ điển Oxford mà mình không mở một tiệm bánh mì tại đây?", Tâm trao đổi với MC Lại Văn Sâm về những nền móng ban đầu của tiệm bánh.
Tuy nhiên trái với nhiệt huyết của cậu em, anh trai Thanh Duy lại trăn trở và suy nghĩ nhiều hơn. Với một người vừa cưới vợ được hơn 1 năm như anh, và một người còn đang đi học như Tâm, câu chuyện vốn khởi nghiệp là bài toán khó nan giải. Rất may, vợ Thanh Duy đã đồng ý để 2 anh em dùng khoản tiền cưới của họ làm vốn khởi nghiệp.
Quán lựa chọn tên là Xin Chào, câu nói đơn giản mà bất cứ người nước ngoài nào muốn tìm hiểu về ngôn ngữ hay văn hóa Việt Nam sẽ nghĩ đến. Phiên bản bánh mì ở đây được học hỏi từ bánh mì Phượng (Hội An), cũng gồm nước sốt, bơ, pate, thịt xá xíu,...nhưng được điều chỉnh một chút để ra công thức cuối cùng.
Những ngày chuẩn bị, bánh mì Xin Chào cũng gặp vô số khó khăn như phải tìm được người bảo lãnh bản địa (tránh trường hợp có vấn đề thì chủ quán trốn về nước), tìm được xưởng nhận sản xuất bánh mì theo kiểu Việt Nam, tìm địa điểm mở quán, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng khắt khe của người Nhật,...
Cuối cùng, bánh mì Xin Chào đã vượt qua được tất cả để đi vào hoạt động ổn định và tìm kiếm những khách hàng đầu tiên cho mình. Sau 4 tháng mở ra, cửa hàng bán trung bình 200 ổ bánh mì mỗi ngày, giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/ổ.
Nhiều tờ báo nổi tiếng nước Nhật như ameblo.jp hay tờ tin tức Chunichi đã dành hẳn một trang để nói về tiệm bánh mì của Duy và Tâm.
"Trước đây, nhiều người nhận xét rằng người Nhật nổi tiếng bởi sự bảo thủ, họ rất hiếm khi và không muốn tiếp xúc với sự mới lạ từ bên ngoài.
Nhưng gần đây với việc toàn cầu hóa và sự thâm nhập, ảnh hưởng của các quốc gia Âu - Mỹ, các quốc gia láng giềng thì người dân Nhật, nhất là giới trẻ cũng đã hưởng ứng khá là nồng nhiệt với những kết tinh các nền văn hóa mới, các món ăn là đại diện tiêu biểu.
Họ ăn cơm Tàu, mì Ý, hamburger Mỹ, Kebab Thổ Nhĩ Kỳ, mì lạnh Hàn Quốc... và việc thích bánh mì Việt Nam hoàn toàn dễ hiểu", Thanh Tâm từng chia sẻ với báo chí như vậy.
Bánh mì Xin chào nhận được nhiều sự quan tâm của giới truyền thông Nhật Bản.
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, bên cạnh 2 cửa hàng chính tại Tokyo, bánh mì Xin Chào đã nhượng quyền thành công cửa hàng đầu tiên tại Kobe vào tháng 6/2020. Cửa hàng này cũng đang hoạt động ổn định, đạt lợi nhuận ngay từ tháng đầu tiên.
Thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, các đường bay quốc tế bị ngừng, doanh thu bánh mì Xin Chào giảm đến 50%.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Nhật Bản cho các doanh nghiệp thời điểm đó như giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà...cùng với các biện pháp xoay chuyển tình thế kịp thời, dù nằm ở tâm dịch Tokyo nhưng 2 cửa hàng bánh mì Xin Chào vẫn đứng vững trong đại dịch.
"Chúng tôi đã nghiên cứu, đẩy mạnh nhiều hoạt động như: thực hiện chiến dịch bán mang về và giao hàng trên xe điện, bán coupon điện tử, kết hợp với một ứng dụng vận chuyển có tiếng... để đảm bảo yếu tố vệ sinh, tiện lợi.
Rất may bánh mì của người Việt chúng ta là sản phẩm có tính cơ động cao, lại đầy đủ dinh dưỡng và giá cả phải chăng nên nhu cầu mua mang về cao. Và nhờ đó mà dù nằm ngay trong tâm dịch là thành phố Tokyo, chúng tôi vẫn lấy lại doanh số ngang ngửa, có lúc thậm chí cao hơn cả trước dịch".
Ngoài sản phẩm chính là bánh mì, và một số sản phẩm bán kèm như cà phê, Mỳ Quảng, bánh mì Xin Chào cũng kết hợp với một công ty chuyên xuất khẩu cà phê sang thị trường Âu - Mỹ đê sản xuất sản phẩm cà phê đóng gói dành riêng cho thị trường Nhật. Hiện tại lượng khách của mặt này đã dần đi vào ổn định, trong đó khách người Nhật chiếm từ 50-80%.