Tảng băng trôi lớn ở phía đông Greenland hôm 15/8/2019. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, “băng zombie” là lớp băng đã chết, dù vẫn bám vào những tảng băng dày hơn, nhưng không còn được bồi đắp vì tuyết rơi ít hơn trên các sông băng chính. Nhà nghiên cứu băng học William Colgan tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, cho biết nếu không được bồi đắp, “băng zombie” sẽ tan chảy nhanh chóng do biến đổi khí hậu và chắc chắn sẽ khiến mực nước biển dâng cao.
“Băng zombielà lớp băng chết. Nó sẽ tan chảy và biến mất khỏi tảng băng. Lớp băng này sẽ tan chảy vào đại dương, bất kể chúng ta đối mặt kịch bản khí hậu nào”, ông Colgan giải thích trong một cuộc phỏng vấn.
Nhà băng học Jason Box, tác giả chính của nghiên cứu, mô tả tình trạng này giống như “đặt một bàn chân vào nấm mồ”. Nghiên cứu của ông chỉ rõ rằng việc mực nước biển dâng cao gấp đôi so với dự đoán trước đây là do lớp băng ở Greenland tan chảy mạnh.
Nghiên cứu trên tạp chí Nature Climate Change dự đoán mực nước biển còn có thể dâng cao 78 cm. Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu năm ngoái dự báo mực nước biển sẽ dâng từ 6 đến 13 cm nếu băng ở Greenland tan chảy vào năm 2100.
Các nhà khoa học đã đ xem xét các tảng băng ở trạng thái cân bằng. Ở trạng thái cân bằng hoàn hảo, tuyết rơi trên các ngọn núi ở Greenland chảy xuống và làm dày các bề mặt sông băng, bù đắp phần đang tan chảy ở các rìa băng.
Nhưng trong vài thập kỷ qua, lượng tuyết rơi xuống ngày càng ít hơn, trong khi quá trình tan chảy diễn ra mạnh hơn, dẫn đến trạng thái mất cân bằng. Các tác giả nghiên cứu đã xem xét tỷ lệ bổ sung và tan chảy, họ kết luận 3,3% tổng khối lượng băng của Greenland sẽ tan chảy bất kể thế giới cắt giảm ô nhiễm carbon như thế nào.
Ông Colgan nhận định: “Tôi nghĩ rằng 'chết đói' là một cụm từ hay để mô tả về những gì đang xảy ra với băng ở Greenland”.
Tảng băng trôi ở phía đông Greenland vào ngày 14/8/2019. Ảnh: AP
Một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết hơn 120 nghìn tỷ tấn băng đã tan chảy do tảng băng đang nóng lên không có khả năng được bồi đắp. Khi lớp băng đó tan thành nước, nếu chỉ tập trung trên lãnh thổ Mỹ, mực nước sẽ sâu 11 mét.
Bà Ellyn Enderlin, giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Bang Boise, cho rằng mực nước biển dâng 27 cm chỉ là mức trung bình toàn cầu. Còn tại một số nơi xa Greenland, mực nước biển sẽ dâng lên cao hơn, trong khi những nơi gần hơn - như Bờ Đông nước Mỹ, mực nước biển sẽ dâng ít hơn. Nhà khoa học địa chất này cảnh báo mực nước biển dâng cao sẽ tạo ra triều cường và bão mạnh hơn, gây tác động rất lớn đến xã hội, kinh tế và môi trường.
Nhà nghiên cứu David Holland tại Đại học New York , người vừa trở về từ Greenland, cho biết: “Đây thực sự là tổn thất lớn và sẽ gây tác động tiêu cực đến các đường bờ biển trên khắp thế giới“.
Nghiên cứu mới là lần đầu tiên các nhà khoa học tính toán lượng băng tối thiểu mất đi khi mực nước biển dâng cao ở Greenland, một trong hai tảng băng khổng lồ của Trái Đất đang dần thu hẹp lại vì biến đổi khí hậu do đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên.
Nhà băng học Richard Alley tại Đại học Pennsylvania, người không tham gia nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này vô cùng có ý nghĩa. Ông mô tả tình trạng băng tan chảy và mực nước biển dâng giống như một khối đá lạnh được đặt trong một tách trà nóng giữa một căn phòng ấm áp.
Hai nhà khoa học Leigh Stearns tại Đại học Kansas và Sophie Nowicki tại Đại học Buffalo cho hay thời gian vẫn là ẩn số quan trọng. Nhóm nghiên cứu không chắc sẽ mất bao lâu để tất cả băng zombie tan chảy, nhưng họ dự đoán có thể vào cuối thế kỷ này, hoặc ít nhất là vào năm 2150.