Bảng lương mới của giáo viên được tính ra sao?

Thanh Hùng |

Theo cách tính của bảng lương mới cho giáo viên đang được xây dựng thì sẽ bỏ phụ cấp thâm niên, rút ngắn khoảng cách lương giữa người mới vào và người làm lâu năm.

Để hiểu hơn về những chính sách đối với giáo viên sau khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua và chương trình phổ thông mới sắp đi vào triển khai, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT).

Bảng lương mới của giáo viên được tính ra sao? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Sẽ không còn giáo viên hợp đồng

Phóng viên: Ông có thể cho biết về tổng thể thực trạng thừa thiếu giáo viên?

Ông Hoàng Đức Minh: Số lượng giáo viên đến thời điểm này vừa thừa vừa thiếu. Đặc biệt số giáo viên thiếu ở bậc mầm non vẫn nhiều với trên 45.000 người.

Với khung định mức giáo viên hiện nay, tất cả các tỉnh cũng như Bộ Nội vụ đều đang giao thiếu người cho giáo dục. Giả sử yêu cầu định mức giáo viên tiểu học là 1,5 giáo viên/lớp thì hiện mới đạt 1,48. Khó khăn nhất là ở bậc mầm non với định mức lớp 2 buổi/ngày yêu cầu là 2,2 giáo viên/lớp nhưng hiện trung bình toàn quốc mới đạt tỷ lệ 1,68.

Để đảm bảo thực hiện được chất lượng giảng dạy đúng quy định, ngành giáo dục đang tiếp tục cùng các địa phương quyết tâm với nhiều giải pháp.

Đặc biệt, ngành đã có một cơ sở dữ liệu phản ánh được bức tranh thực trạng đội ngũ hiện nay ở các vùng miền, các tỉnh ở tất cả các bộ môn.

Cách đây hơn một tuần, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã gửi công văn thể hiện toàn bộ việc thừa thiếu nhu cầu giáo viên để làm kênh cho Bộ Nội vụ có phương pháp tiếp tục đề xuất, bổ sung; đặc biệt là với những vùng khó khăn, khu công nghiệp, vùng tăng trưởng nóng và cả những vùng trũng khác. Đây là việc sẽ phải làm từng bước.

- Giáo viên thiếu trầm trọng, Bộ GD-ĐT có tính đến sử dụng đội ngũ giáo viên hợp đồng hiện nay?

Chỉ thị năm nay của Bộ GD-ĐT là đảm bảo đúng quy định và Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định 161 sửa đổi quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức, công chức. Như vậy, bắt đầu từ năm nay sẽ giải quyết dứt điểm, chấm dứt vấn đề hợp đồng dạy học đối với giáo viên.

Những vấn đề do lịch sử để lại, các địa phương cần có hướng giải quyết dứt điểm. Song cũng cần tính đến chính sách cho đội ngũ đã hợp đồng lâu năm, có năng lực, tâm huyết với nghề.

Trong quá trình chấm dứt, khi có chỉ tiêu cũng cần quan tâm đến cả đối tượng lao động hợp đồng một cách thỏa đáng, đảm bảo an ninh, tính đến cống hiến của họ trong giai đoạn khó khăn của ngành, của địa phương.

Tuy nhiên, khi thực hiện hết số biên chế được giao và đã tính đến cả những trường hợp hợp đồng được tuyển dụng mà vẫn thiếu thì phải tiếp tục đề xuất giải pháp. Còn nếu thừa thì phải cắt đúng theo quy định.

Bảng lương mới của giáo viên được tính ra sao? - Ảnh 2.

Khoảng 400.000- 500.000 người phải đào tạo lại

- Sau khi sửa Luật Giáo dục, chính sách với giáo viên có thay đổi gì rõ rệt, thưa ông?

Luật Giáo dục sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, ngành đã xúc tiến các công việc, xây dựng các nghị định, thông tư từ bây giờ. Đối với đội ngũ giáo viên có một số chính sách thay đổi lớn.

Thứ nhất là nâng chuẩn trình độ đào tạo. Trước đây, bậc mầm non chuẩn trình độ đào tạo chỉ là trung cấp, giờ được nâng lên thành cao đẳng. Giáo viên tiểu học thì nâng chuẩn từ trung cấp lên đại học. Giáo viên THCS thì từ cao đẳng lên đại học.

Như vậy tới đây, toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông sẽ có chuẩn tối thiểu là trình độ đại học; mầm non chuẩn tối thiểu là trình độ cao đẳng.

Bộ đã có phương án bồi dưỡng, lộ trình đào tạo cho giáo viên khi chưa đạt chuẩn để đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây là bài toán lớn trong công tác của ngành, bởi giáo viên vừa phải thực hiện công việc hằng ngày vừa phải thực hiện đào tạo lại.

Đội ngũ giáo viên hiện nay khoảng 1,3 triệu nhưng lực lượng cần phải đào tạo lại để nâng chuẩn của bậc mầm non, tiểu học và THCS là khoảng 400.000- 500.000 người - đây là một lượng tương đối lớn.

Có những việc nâng chuẩn rất nặng, như tiểu học từ chuẩn trung cấp vọt lên đại học, đó là một khoảng lớn. Ở bậc THCS, còn đến 40% đội ngũ chưa đạt trình độ đại học. Nếu tính trung bình tất cả các cấp thì tổng khoảng 25% đội ngũ cần đào tạo lại.

Dự kiến tháng 4/2020 sẽ có Nghị định về thực hiện lộ trình đào tạo giáo viên đáp ứng chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục sửa đổi.

Thứ hai là tất cả các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý sẽ được đưa vào luật và trở thành khung quy định với năng lực, phẩm chất.

Trước đây, những chuẩn đó không được nói đến một cách tường minh trong các văn bản quy phạm mà chỉ là những mong đợi của ngành thích ứng với thực tiễn.

Tới đây, các tiêu chuẩn của giám đốc sở, trưởng phòng giáo dục cũng đang được xây dựng và công bố cùng các chương trình bồi dưỡng để hệ thống quản lý các cấp đều có các chuẩn nghề nghiệp phù hợp yêu cầu.

Thứ ba, là việc khẳng định lại tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính đặc thù của ngành và phù hợp với các yêu cầu, chỉ thị và Nghị quyết của Đảng. Từ đó cũng là một căn cứ cho việc thiết kế bảng lương mới theo Nghị quyết 27.

Không phải cứ giáo viên có tuổi cao là phụ cấp cao

- Bảng lương mới của giáo viên sẽ được tính như thế nào, thưa ông?

Bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề.

Bảng lương làm việc trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ngành giáo dục không có bảng lương riêng so với các ngành nghề khác, nhưng định vị các bậc lương theo thực tiễn trình độ đào tạo đã được nâng lên theo chuẩn yêu cầu.

Đây cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương ở bậc mầm non, tiểu học, THCS. Theo một cách logic, như vậy mức lương đã được nâng lên so với hiện nay.

Tới đây, sẽ có khái niệm một lượng tiền ứng với khởi động ban đầu, nhân với các hệ số. Như vậy lương của giáo viên, đặc biệt là mầm non, tiểu học và THCS sẽ được nâng lên, đặc biệt với những giáo viên mới vào ngành.

Về phụ cấp ưu đãi, Bộ đang xây dựng và bảo vệ quan điểm đối với ngành giáo dục được tối đa là 30%. Tới đây không còn phụ cấp thâm niên, do đó Bộ sẽ phân tích tính chất phức tạp, đặc thù của ngành để bảo vệ quan điểm được phụ cấp cao nhất các cấp độ.

Ngoài bậc lương thì tất cả các phụ cấp khác sẽ theo đúng giá trị giáo viên mang lại cho xã hội. Giáo viên sẽ được đánh giá theo bộ chuẩn về năng lực và phẩm chất, chứ không có nghĩa cứ nhiều tuổi hơn thì phụ cấp được nhiều hơn.

Như vậy hy vọng sẽ có được một hệ thống lương để thu nhập của giáo viên cao hơn so với hiện nay và cũng giải quyết được những bất cập cho những người mới vào ngành khi hệ số lương như hiện tại là quá thấp.

Hiện chúng tôi đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quá trình tiếp tục chỉnh sửa để chuẩn bị trình lên Thủ tướng vào tháng 9 này.

Bảng lương mới của giáo viên được tính ra sao? - Ảnh 3.

- Như vậy tới đây khoảng cách lương giữa người mới vào và người làm lâu năm sẽ được rút ngắn?

Điều này đang trong lộ trình tính toán. Tới đây không còn phụ cấp thâm niên nữa - phụ cấp này đang là một bức tranh phân cấp giữa người mới vào ngành và người lâu năm. Khi bỏ phụ cấp thâm niên, có thể phân hóa về mặt phụ cấp giữa người mới vào và người lâu năm sẽ không còn hoặc được rút ngắn thông qua cơ cấu của phụ cấp ưu đãi.

Điều này không làm ảnh hưởng đến lương của người làm lâu năm nhưng những người mới vào với lộ trình 10 năm đầu sẽ được đẩy lên tương đối. Rút ngắn đó cũng mang tính logic, hợp lý.

Về tổng thể, có thể đều cùng được nâng lên nhưng khoảng cách giữa lương của người mới vào ngành và người lâu năm sẽ giải quyết một số bất cập đang hiện hữu.

Tức là cứ càng lâu năm thì bậc lương đã cao mà phụ cấp cũng được kéo dài chứ không đi theo đặc thù cống hiến hoặc theo nguyên lý rõ ràng như cách tính bảng lương đang xây dựng hiện nay – trả theo đúng vị trí việc làm.

Như vậy, điều này sẽ làm cho khoảng cách đó cơ bản được rút ngắn và cũng phù hợp với các thực tiễn mong đợi là lương trả theo tính chất phức tạp và vị trí nghề nghiệp.

Trong tổng cơ cấu phụ cấp đó, trong nội bộ của ngành, không phải tất cả đều được mức 30% mà có xê dịch, tính toán theo tính chất công việc của các cấp, các nhóm theo hạng chức danh.

Nhưng cơ cấu phụ cấp ấy sẽ không bị “giãn” như trước nay là hoàn toàn chỉ theo độ tuổi (thâm niên) mà sẽ phân định theo mức phức tạp của các đối tượng trong cùng một cấp và của các cấp khác nhau.

Như vậy, đảm bảo không bất cập theo kiểu cứ tuổi cao là phụ cấp cao, khác biệt so với người mới vào như trước đây.

- Với chương trình phổ thông mới, chương trình tiểu học sẽ là 2 buổi/ngày bắt buộc chứ không như trước nay. Giáo viên cho rằng khối lượng công việc hẳn sẽ tăng lên, như vậy lương có được tăng theo?

Trước đây, một giáo viên tiểu học khởi đầu nếu trình độ trung cấp thì hệ số cơ bản là 1,86 thì với chuẩn trình độ đào tạo mới được nâng lên thành 2,34. Như vậy, ngay hệ số cơ bản, nếu so với hiện nay cũng đã gấp rưỡi.

Song việc này khác với việc thực hiện chương trình. Dạy 2 buổi/ngày của chương trình mới tới đây sẽ khác 2 buổi/ngày của chương trình hiện hành với những định mức khác nhau vì sự tinh giản, tích hợp.

Việc dạy học 1 buổi hay 2 buổi/ngày, vốn bắt đầu từ chương trình sau đó tính toán ra khối lượng công việc và liên quan đến số lượng người làm việc.

Nếu như trước đây 1 buổi/ngày thì số lượng người làm/lớp ít, tới đây khối lượng công việc nhiều hơn thì số lượng người làm trên một định mức đó sẽ phải nhiều hơn.

Do chương trình tăng lên, theo một nghĩa nào đó là 2 buổi thì phải tuyển thêm người và phải định mức lại người cho lớp học. Ví dụ vẫn những viên chức đó, khi công việc tăng lên gấp rưỡi thì sẽ tuyển dụng thêm và định mức lại chứ không phải là giáo viên phải làm tăng giờ, cho cả việc của người khác.

Và không phải chỉ mỗi tiểu học mà ở các cấp học khác, ngành giáo dục đã đặt hàng Trường ĐH Kinh tế quốc dân gần 2 năm nay một đề tài nghiên cứu tiếp cận chương trình phổ thông mới từ khi khởi động để xây dựng lại toàn bộ định mức làm việc của giáo viên.

Cụ thể, theo chương trình mới thì một tuần hoặc 1 ngày hay 1 buổi, mỗi giáo viên phải làm bao nhiêu thời gian, quy đổi theo số giờ làm việc theo quy định của nhà nước thì sẽ ra bao nhiêu tiết thực phải đứng lớp và bao nhiêu tiết chuẩn bị.

Từ đó ra được số người cần cho một lớp và thay đổi định mức. Sau đó, so với thực tế cũ nếu thiếu thì phải tuyển thêm, thừa thì phải tinh giảm. Những điều này đều đi theo tính toán lao động và định mức trên đối tượng lớp học hay nhóm trẻ. Đề tài nghiên cứu này sẽ nghiệm thu vào cuối năm nay.

Tức là không phải thêm việc thì thêm lương mà sẽ tuyển thêm người, còn giảm việc thì tinh giản. Còn lương tính theo tính chất phức tạp, trình độ đào tạo gắn với các tiêu chuẩn, ngạch, hạng.

Chỉ có trong trường hợp không đủ người, giáo viên phải cáng đáng thêm, làm thêm một chút thời gian thì có thể được trả thêm lương thừa giờ. Việc này sẽ theo quy định trả lương thừa giờ để bù đắp chuyện làm thêm việc chứ không phải là lương của giáo viên được tăng.

- Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại