Mới đây, trang web Glassdoor chuyên review về môi trường làm việc của các công ty trên toàn thê giới đã giới thiệu một bản danh sách khá đặc biệt: 15 thương hiệu nổi tiếng không cần bằng đại học để ứng tuyển . Điều đáng chú ý nằm ở chỗ trong số đó không thiếu những cái tên "sừng sỏ" hàng đầu về độ hot cũng như mức lương, điển hình là 3 ông lớn Apple, Google, IBM của làng công nghệ.
Học hành là chuyện cả đời, trong đó bạn sẽ thông thường phải cần tới khoảng 4 năm là ít nhất để có được cho mình một tấm bằng đại học - dù khó nhưng đây được đánh giá là con đường thuận tiện nhất để có được cho mình nền tảng và tiếp tục mở rộng tri thức.
Việc phá vỡ "giao kèo" 4 năm này, dù là vì lý do nào đó, dù là mình hay người khác, có thể là một cơn sốc đối với quan điểm của nhiều người, vì rất nhiều công ty hiện tại vẫn coi đó là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên để nhìn vào trước khi tiến tới một hợp đồng chính thức.
"Những người không hoàn thành hết chương trình học mà vẫn thành công trong cuộc sống, họ thực sự là những người phi thường. Chúng ta cần phải nỗ lực hơn để tìm kiếm và cho họ một cơ hội xứng đáng," Phó chủ tịch mảng Điều hành nhân lực của Google - ông Lazlo Bock cho biết.
Những cá nhân đã nỗ lực xuất sắc mà không cần bằng đại học cũng chính là những người mà họ tìm kiếm.
Bên cạnh đó, Maggie Stilwell, quản lý nhân sự cho Ernst and Young cũng tiết lộ rằng họ đã xem xét bỏ định kiến về một tấm bằng đại học bắt buộc: "Các chứng chỉ và bằng cấp học thuật luôn có giá trị và cần đạt được để cân nhắc cho một ứng viên chuẩn bị vào làm việc. Tuy nhiên, thời thế ngày nay, nó không hẳn là một điều kiện bắt buộc nữa."
Đó mới chỉ là một cái tên ít ỏi trong làn sóng thay đổi quan điểm này. Nói cách khác, ngày càng có nhiều công ty chọn cách tuyển dụng thông qua cả kinh nghiệm và kỹ năng vốn có, miễn là chúng thật sự cần thiết cho công ty và hoàn toàn phù hợp với vị trí còn trống, không nhấ thiết đó phải là một tấm bằng xuất thân từ trường học.
Google cũng là một trong những cái tên đi khá sớm trong việc nhận ra rằng ở thời đại ngày nay, điểm số lý thuyết ở trường học gần như không có giá trị gì để đảm bảo ứng viên đó sẽ làm tốt công việc về sau của mình.
Tại đế chế lâu đời IBM, nơi có tới 15% nhân viên mới tuyển vào không có bằng đại học, CEO Ginni Rometty cho rằng các chứng chỉ khóa học kỹ năng nghề nghiệp hay kinh nghiệm thực tế liên quan đến công việc mới là phù hợp, đặc biết là ở lĩnh vực công nghệ, khi nó có giá hơn 4 năm đại học đơn thuần rất nhiều.
Dĩ nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bằng đại học là vô nghĩa, là không cần phấn đấu. Ở một số phạm trù nhất định, môi trường sư phạm chính là một nơi tốt để làm quen dần với kỹ năng nghiệp vụ và các tiêu chuẩn nghề nghiệp mơ ước của mỗi người.
Dù vậy, chúng ta cần có một cái nhìn cởi mở hơn với cả những ai chọn con đường khác, bên ngoài cánh cổng trường đại học nhưng vẫn đảm bảo được sự chuyên nghiệp, thành thạo trong công việc tương lai.
Dù sao thì việc lựa chọn giữa một bên là ứng viên có 4 năm đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học máy tính, bên còn lại là một lập trình viên tự phát làm nghề tự do hoặc tay trái trong cuộc sống hàng ngày mà không qua trường lớp nào cả - đó sẽ là công việc của một nhà tuyển dụng.
Còn việc của chúng ta là hãy cố gắng tích lũy thật nhiều kiến thức, không bằng cách này thì cách khác, nhưng tuyệt đối không bao giờ được dừng chân trên con đường học hỏi đó.