Tên lửa hành trình không đối đất tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM được coi là vũ khí "thay đổi cuộc chơi" thế hệ mới của Mỹ, nó sẽ khiến cho kỷ nguyên của "Sứ giả chiến tranh Tomahawk" bị lùi vào dĩ vãng.
Sở dĩ có nhận định này là do AGM-158 được trang bị những công nghệ mới nhất như hệ thống dẫn đường tinh vi kết hợp giữa bay theo quán tính, tham chiếu GPS để hiệu chỉnh sai số và còn sử dụng cả đầu do so khớp ảnh hồng ngoại để xác định chính xác mục tiêu.
Nhờ thiết kế giúp giảm tín hiệu phản xạ radar, khiến cho có khả năng tàng hình cao, tên lửa AGM-158 khi triển khai từ tiêm kích hoặc máy bay ném bom sẽ khiến cho đối phương gần như không thể phát hiện, nó sẽ thực hiện đường bay phức tạp để lẩn tránh radar ngay từ đầu, phương tiện mang phóng cũng rất khó theo dõi so với những chiến hạm cồng kềnh.
Tên lửa hành trình tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM của Mỹ
Tầm bắn của tên lửa JASSM đời đầu đạt 370 km, đủ để triển khai ngoài tầm bắn của mọi tổ hợp phòng không tiên tiến nhất hiện nay, sang đến biến thể tăng tầm JASSM-ER thì con số này còn lên tới 1.000 km, khi kết hợp cùng tầm bay của chiến đấu cơ sẽ khiến nó thực sự là một phương tiện tấn công vô cùng đáng sợ.
Bên cạnh đó, sức công phá của JASSM không hề thua kém Tomahawk khi mang được đầu đạn nặng 450 kg chưa thuốc nổ cực mạnh AFX-757. Đơn giá một quả JASSM là 850.000 USD trong khi JASSM-ER là 1,4 triệu USD, tương đương Tomahawk.
Nhưng thật ngạc nhiên khi lần đầu tiên một vũ khí nguy hiểm như vậy trải qua thực chiến mà lực lượng phòng không Syria lại tuyên bố đã bắn hạ phần lớn số tên lửa không đối đất được Mỹ và đồng minh sử dụng khi chưa nắm rõ được tính năng kỹ chiến thuật của chúng, đây là điều gây nghi ngờ cho giới quan sát.
Phần còn lại của quả tên lửa AGM-158 JASSM trong đống đổ nát của Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah
Tuy nhiên mới đây một vài bức ảnh chụp đống đổ nát của Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah đã cho thấy những mảnh tên lửa lạ, khi chúng có phần vỏ ngoài được làm bằng sợi carbon, đây chính là vật liệu tàng hình sử dụng cho AGM-158 thay vì kiểu vỏ cũ của Tomahawk.
Điều này cho thấy cơ sở trên của Syria đã bị trúng vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm, lưới lửa bảo vệ bầu trời Damascus đã bị xuyên thủng bởi loại tên lửa thế hệ mới này.
Mặc dù đa số ý kiến đầu cho rằng đây là mảnh tên lửa AGM-158 JASSM nhưng cũng chưa thể loại trừ rằng thực tế nó là Scalp EG/Storm Shadows được chiến đấu cơ Anh - Pháp sử dụng vì nó cũng có kết cấu vỏ ngoài như vậy.
Bên cạnh đó, cũng chưa rõ đã có bao nhiêu tên lửa loại này bắn trúng vào tòa nhà trên, nếu chỉ tìm thấy vài quả thì tuyên bố của Syria rằng phần lớn trong số đạn không đối đất đã đi "tìm chim" cũng không phải là thiếu cơ sở.
Giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa hành trình không đối đất Scalp EG/Storm Shadows