Các nhà khoa học muốn biết mọi thứ về cái chết, nhưng họ không thể gọi người chết sống dậy để hỏi chuyện. Vì vậy, cách tiếp cận duy nhất là phỏng vấn những người có trải nghiệm cận tử (Near-death experiences-NDE).
Cận tử được định nghĩa là khoảnh khắc khi một người đã tắt thở, ngưng tim và rơi vào trạng thái chết lâm sàng nhưng sau đó sống lại. Bạn có thể tìm thấy trên cơ sở dữ liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (PubMed) hơn 240 bài báo khoa học về cận tử.
Trong đó, hàng ngàn nhân chứng đã mô tả một loạt hiện tượng kỳ lạ xảy ra khi họ "chết". Một số người cảm thấy hiện tượng hồn lìa khỏi xác (Out of Body Experience - OEB). Họ nhìn thấy cơ thể của chính mình ở góc nhìn thứ ba, từ phía đối diện, đằng sau lưng hoặc bên cạnh.
Một số khác nhìn thấy ánh sáng chói lọi cuối đường hầm, một số lại bắt gặp mình đi trong một hành lang tối.
Nhưng có một trải nghiệm thường được báo nhiều nhất là sự hồi tưởng (flash back hay life review). Trong đó, người sắp chết sẽ nhìn thấy một loạt ký ức về cuộc đời, từ khi họ sinh ra cho tới khi họ chết đi.
Không phải một cách tự nhiên mà bạn thường thấy trên phim ảnh, khi một nhân vật sắp chết thì đạo diễn hình ảnh lại lồng vào đó một loạt các đoạn tóm tắt cuộc đời của họ. Thủ pháp này cũng được sử dụng nhiều trong tiểu thuyết.
Nhưng liệu "flash back" hay "life review" có thật hay không? Mới đây, các nhà khoa học đã vô tình phát hiện ra một bằng chứng đầu tiên ủng hộ điều đó. Khi họ đang quét sóng não cho một người đàn ông lớn tuổi thì ông ấy đột ngột qua đời khi vẫn đeo thiết bị điện não đồ (EEG).
Trong khoảnh khắc 30 giây trước và sau khi tim của bệnh nhân ngừng đập, các bác sĩ đã ghi lại được hoạt động sóng não của ông ấy. Và sóng não này trùng khớp với mô hình sóng xuất hiện khi chúng ta có những hồi tưởng trong cuộc đời mình.
Bệnh nhân xấu số được báo cáo là một người đàn ông Canada đã 87 tuổi. Ông ấy đã phải vào viện cấp cứu sau một cú ngã. Người đàn ông bị tụ máu não nhưng đã được phẫu thuật để giải phóng khối tụ đó.
Nhưng một vài ngày sau, một loạt các cơn động kinh lại xảy ra trong bán cầu não trái của ông ấy. Để điều tra những cơn động kinh này đến từ đâu, các bác sĩ đã đeo cho bệnh nhân một thiết bị ghi sóng não liên tục (EEG).
Thật không may, ngay chính giữa xét nghiệm đó, người đàn ông lại lên một cơn đau tim và đột ngột qua đời. Ngay trước và sau khoảnh khắc đó, các nhà khoa học đã kịp ghi lại 900 giây hoạt động não bộ của bệnh nhân. Nhưng họ để ý 30 giây trước và sau cái chết là lúc mô hình sóng não của ông ấy có sự thay đổi bất thường nhất.
Bác sĩ Ajmal Zemmar, một nhà giải phẫu thần kinh tại bệnh viện Đại học Toronto cho biết: "Ngay trước và sau khi tim ngừng hoạt động, chúng tôi đã thấy những thay đổi trong một dải dao động thần kinh cụ thể".
Những dạng dao động cụ thể này được gọi là sóng não gamma. Sóng não, hay các dao động não là một mô hình hoạt động nhịp nhàng của tín hiệu thần kinh, được phân loại dựa trên tần số và biên độ của chúng.
Sóng gamma có tần số từ 30 đến 100 hertz, là tần số dao động cao nhất được quan sát thấy trong não bộ khi con người truy cập vào trung tâm trí nhớ của họ, được gọi là vùng hồi hải mã trong não bộ.
Khác với các loại sóng não yếu hơn bao gồm sóng delta, theta, alpha và beta, sóng não gamma liên quan đến các chức năng nhận thức cao, chẳng hạn như trạng thái tập trung cao độ, trong khi chúng ta mơ hoặc thiền định.
"Thông qua việc tạo ra các dao động liên quan đến việc gợi lại trí nhớ, bộ não có thể đang hồi tưởng lại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời ngay trước khi chúng ta chết, tương tự như những sự kiện được báo cáo trong trải nghiệm cận tử", bác sĩ Zemmar cho biết.
Trước đây, một số thí nghiệm trên chuột cũng đã cho thấy mô hình sóng não gamma xuất hiện vào khoảnh khắc trước khi chết của chúng. Các nhà khoa học vì thế đã suy đoán hiện tượng "flash back" hay "life review" không chỉ có ở con người, mà có thể phổ biến trong những bộ não của động vật có vú khi chúng sắp chết.
"Những phát hiện này đang thách thức sự hiểu biết của chúng ta về thời điểm kết thúc chính xác của sự sống. Và nó cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng tiếp theo, chẳng hạn như những câu hỏi liên quan đến thời điểm lấy tạng hiến [khỏi một thi thể]", bác sĩ Zemmar nói.
Mặc dù vậy, nó cũng sẽ là một nguồn an ủi cho bạn bè, người thân và gia đình người đã mất. "Là một bác sĩ giải phẫu thần kinh, đôi khi tôi cũng phải đối mặt với sự mất mát. Thật khó để diễn tả cái cảm giác phải báo tin cho gia đình bệnh nhân, rằng người nhà của họ đã mất", bác sĩ Zemmar nói.
"Nhưng có một điều mà chúng ta có thể học được từ nghiên cứu này: Đó là mặc dù những người thân yêu của chúng ta đã nhắm mắt và sẵn sàng yên nghỉ, nhưng bộ não của họ có thể đang phát lại một số khoảnh khắc đẹp nhất mà họ từng trải qua trong cuộc đời".
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience.
Tham khảo Livescience