Mới đây, trong một hội nhóm về quản lý tài chính và đầu tư, một cô bạn chia sẻ bản thân có lương cố định 18 triệu/tháng dù mới ra trường. Có mức lương khá ổn, song cô chi tiêu khá tiết kiệm, nên mỗi tháng có thể cất riêng được khoảng 8-10 triệu. Với số tiền tiết kiệm đang có, cô dự định dùng để mua vàng, song vẫn đang phân vân vì hiện tại giá vàng tăng cao.
Để có thể tiết kiệm 8-10 triệu đồng/tháng, cô nàng đã chi tiêu như thế nào? Dưới đây là bảng chi tiêu trong 1 tháng của cô bạn này:
- Chi phí ăn uống: 3 triệu.
- Chi phí đi cafe và mua sắm: 3 triệu.
- Tiền gửi về cho mẹ: 2 triệu.
- Các khoản phát sinh: 1triệu.
Cô nàng không tốn tiền nhà và chi phí xăng xe vì sống ở công ty.
Sau khi đọc những chia sẻ của cô nàng, nhiều người đã phải dành lời khen cho khả năng kiếm tiền và cách quản lý tài chính của cô.
- "Người trẻ bây giờ giỏi quá".
- "Các bạn trẻ giờ siêu thật, lương mới ra trường đã bằng mình và đa số người khác làm trong 20 năm rồi đây".
- "Lương mới ra trường như vậy là cao rồi. Bạn nên đầu tư tích lũy thêm, nếu có thể thì hãy dành ra cho mình một quỹ dự phòng lúc ốm đau bệnh tật để không phiền ba mẹ nữa nhé".
- "Đã kiếm tiền giỏi còn sống tiết kiệm nữa. Bạn này ngoài đời chắc khéo lắm đây".
- "Bạn kiếm được lương cao quá. Theo mình nghĩ bạn cứ mua vàng, vì nếu mua tích lũy dài hạn thì vàng không bao giờ xuống giá đâu".
Cách bắt đầu thói quen tiết kiệm cho người trẻ
Có những người cho rằng phải chạm đến cột mốc tài chính nào đó hoặc khi có gia đình thì mới nên học cách sống tiết kiệm. Tuy nhiên cũng có những bạn trẻ như cô gái kể trên, vừa mới ra trường là đặt mục tiêu tiết kiệm lên hàng đầu để sớm có tích lũy cho tương lai.
Với những người trẻ muốn bắt đầu sống tiết kiệm, đây là 3 lời khuyên từ các chuyên gia tài chính của CNBC:
1/ Quản lý thu nhập hàng tháng
Bạn có thể trở nên kỷ luật hơn về tài chính bằng cách theo dõi chi tiêu và số tiền dư lại hàng tháng. Một cách phổ biến nhất hiện tại là chia thu nhập thành phần trăm theo tỷ lệ 50-30-20, tức dành 50% thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu, , 30% cho các chi phí cá nhân và dành 20% cho tiền tiết kiệm. Nếu bạn đang ở độ tuổi 20, chuyên gia gợi ý có thể điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phù hợp hơn theo hướng tăng tỷ lệ tiết kiệm, ví dụ 25% cho tiết kiệm trong ít nhất 10 năm.
2. Có khoản dự phòng
Ngay cả khi bạn chưa xây dựng được kỷ luật tài chính, chuyên gia khuyên rằng bạn ít nhất cũng nên có khoản tiền dự phòng cho các tình huống xấu phát sinh như mất việc hoặc nguồn thu nhập bị gián đoạn. Khoản dự phòng này nên tương đương ít nhất 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Ví dụ, bạn kiếm được lương 5 triệu/tháng và chi tiêu hết 4 triệu, bạn hãy bắt đầu bằng việc tiết kiệm 1 triệu này và ưu tiên phân bổ cho mục tiêu dự phòng, thay vì nghĩ tới việc mua sắm một món đồ giá trị lớn.
3. Đặt ra các mục tiêu tài chính
Khi đã có khoản dự phòng cho ít nhất 3 đến 6 tháng, đây là lúc bạn đặt ra các mục tiêu tài chính khác như trả hết nợ, mua nhà hoặc tiết kiệm cho nghỉ hưu,...
Có ba câu hỏi bạn nên đặt ra cho bản thân, bao gồm: Mục tiêu tài chính của bạn sẽ tốn bao nhiêu tiền và mất bao lâu để đạt được? Khi nào bạn muốn đạt được từng mục tiêu? Bạn muốn ưu tiên mục tiêu nào? Bằng cách cân nhắc ba câu hỏi này, bạn có thể bắt đầu lập kế hoạch tiết kiệm hiệu quả và xây dựng lối sống phù hợp để đạt được các mục tiêu tài chính trong tương lai.