Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, bài đăng ẩn danh của một cô gái 28 tuổi đang thu hút sự quan tâm, tranh luận của CĐM. Với mức thu nhập khá cao, ở mức 85-90 triệu/tháng, sau khi liệt kê các khoản chi tiêu trong 1 tháng, cô gái này bày tỏ thắc mắc: Ở 1 mình mà chi tiêu như vậy liệu có ổn không?
Các khoản chi tiêu cũng như tài sản, tiền tiết kiệm hiện tại của cô gái 28 tuổi này có thể tóm tắt như sau:
- 1. Tiền tiết kiệm: ~1 tỷ đồng.
- 2. Các khoản chi tiêu trong tháng 6: 28.030.000
- - Tiền thuê nhà (đã bao gồm phí dịch vụ, điện nước): 7.550.000
- - Ăn uống: 2.735.000
- - Gia đình (tiền biếu bố mẹ, thi thoảng mua đồ cho bố mẹ): 6.285.000
- - Nuôi thú cưng: 5.165.000
- - Giáo dục: 3.000.000
- - Sự kiện: 1.905.000
- - Tiêu dùng: 695.000
- - Quần áo: 295.000
Trong phần caption của bài đăng, cô gái này cũng giải thích rằng khoản chi phí cho việc nuôi thú cưng trung bình chỉ tốn khoảng 2,5 triệu/tháng, tháng này cao hơn do các bé bị ốm và phải điều trị.
Ngoài ra, cô cũng chia sẻ thêm bản thân đang có dự định mua nhà, mua xe nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ chứ cũng chưa có plan rõ ràng, một phần vì bản tính “chill chill” không muốn nghĩ nhiều, một phần vì bạn trai đã có nhà.
CĐM nhiệt tình chia sẻ quan điểm: Người nể phục, người khuyên bán chó, động viên cô gái mua cả nhà lẫn xe
Nhìn lại tổng chi tiêu trong tháng 6 và đối chiếu với mức thu nhập, không khó để nhận ra cô gái này đang chỉ tiêu khoảng 33%/tổng thu nhập và tiết kiệm tới 67%/tổng thu nhập. Đây là tỷ lệ có phần tuyệt vời mà không phải ai cũng làm được.
Đặc biệt là khoản tiêu dùng cá nhân (695.000/tháng) và mua quần áo (295.000/tháng) còn chưa tới 1 triệu đồng. Là con gái mà chi tiêu vậy là quá khéo rồi!
Dẫu vậy, nếu “zoom” vào từng khoản chi, vẫn có người tìm ra một vài vấn đề cần sửa đổi, khắc phục.
Thấy được gì từ chia sẻ của cô gái 28 tuổi này?
Tạm bỏ qua vấn đề về chi phí nuôi thú cưng cũng như các khoản tiền khác (tiền ăn, mua sắm, tiền biếu bố mẹ), vì vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhu cầu cá nhân của bản thân cũng như gia đình.
Vậy đâu mới là điều đáng quan tâm?
1 - Nếu có khả năng, hãy mua nhà riêng trước khi lấy chồng
Với mức thu nhập, tài sản tích lũy hiện có của cô gái này, nhiều người khuyên cô nên ưu tiên mua nhà trước khi mua xe. Một phần vì nhà là tài sản, còn xe là tiêu sản; một phần vì dù bạn trai cô đã có nhà nhưng chẳng có gì chắc chắn cả hai sẽ đến được với nhau. Trong trường hợp hai người về chung một nhà, việc cô gái này mua nhà trước khi cưới cũng giống như một tấm khiên phòng vệ nếu chẳng may hôn nhân không hạnh phúc.
Tài sản (nhà, đất, sổ tiết kiệm,...) mà mỗi người có trước khi kết hôn sẽ được tính là tài sản riêng, không phải tài sản chung. Nếu không may đường ai nấy đi, căn nhà mà cô gái này đã mua sẽ không bị “chia đôi”, và khi ấy cũng chẳng cần bận lòng lo chi phí thuê nhà. Đương nhiên nếu hôn nhân yên ấm, cả hai có thể cho thuê căn nhà ấy để tạo một nguồn thu nhập thụ nhập thụ động.
Nói chung, mua nhà trước khi kết hôn là lựa chọn an toàn, không đi đâu mà thiệt.
2. Xây dựng quỹ dự phòng
Trong hoàn cảnh của cô gái này nói riêng và với những người đang nuôi thú cưng nói chung, có 2 khoản quỹ dự phòng cần chuẩn bị: Một khoản cho riêng bản thân để phòng khi ốm đau, thu nhập giảm; Một khoản dành riêng cho thú cưng.
Tùy vào mức thu nhập cũng như số lượng thú cưng mà tỷ lệ dành cho 2 khoản quỹ dự phòng này sẽ khác nhau. Quyết định ra sao là do bạn quyết định, nhưng việc xây dựng quỹ dự phòng này luôn là điều cấp thiết, để những vấn đề phát sinh không tác động, ảnh hưởng quá nhiều đến chi tiêu chung.
3. Đầu tư
Có tiền nhàn rỗi nhưng chưa có kiến thức đầu tư nên vẫn để tiền “nằm yên một chỗ” là tình trạng của cô gái 28 tuổi trong bài viết này. So với lãi suất tiết kiệm hiện tại, đầu tư chứng khoán hoặc chứng chỉ quỹ là 2 hình thức đầu tư sinh lời tốt hơn. Tuy nhiên, vì chưa có kiến thức nên phần lớn mọi người đều khuyên cô nên đi học và bắt đầu đầu tư với số vốn nhỏ, thay vì đầu tư mò để giảm thiểu rủi ro thua lỗ.
4. Mua bảo hiểm
Hiện tại, cô gái này đang làm việc tự do. Điều này đồng nghĩa với việc cô sẽ không được công ty đóng bảo hiểm xã hội cho. Trong các khoản chi mà cô liệt kê, cũng không có mục nào dành cho bảo hiểm nhân thọ/bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm xã hội. Với mức thu nhập và tình hình chi tiêu như hiện tại, nhiều người khuyên cô nên trích một phần thu nhập để mua bảo hiểm nhân thọ và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Việc này nhằm đảm bảo 2 yếu tố: Có lương hưu khi về già và được hỗ trợ chi trả viện phí nếu không may ốm đau, tệ hơn là mất khả năng lao động.