Trái ngược với những kỳ vọng tích cực, một số chuyên gia về quân sự quốc phòng cho rằng lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran hết hiệu lực sẽ khó dẫn đến viễn cảnh mua bán vũ khí rầm rộ giữa Moscow và Tehran.
Thay vào đó, việc bán vũ khí của Nga cho Iran sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi các vũ khí phòng thủ như S-300 hoặc cấp phép sản xuất và chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Tehran.
Iran hiện nay đang quá thiếu nguồn lực để chi trả cho các loại vũ khí tiên tiến, gồm cả chi phí bảo dưỡng và phụ tùng thay thế. Hơn nữa, Nga cũng sẽ phải rất thận trọng về các loại vũ khí mà họ dự tính chào bán vì lo ngại những phản ứng từ Israel hoặc các quốc gia vùng Vịnh.
Iran thiếu tiền hay Nga hết "hào phóng"?
Đầu tiên, chúng ta cần nhớ rằng trước đây Nga đã từng miễn cưỡng cung cấp các hệ thống công nghệ cao và vũ khí tấn công cho Iran.
Tháng 8/2017, Nga được cho là đã từ chối yêu cầu cung cấp 24 máy bay chiến đấu Su-35 và Su-30SM cho Iran. Thay vào đó, Moscow đã đề nghị chuyển giao các máy bay Su-27SM3 vì lo ngại nếu hành động như vậy sẽ bị “rò rỉ” các công nghệ nhạy cảm và Tehran khó có khả năng chi trả đầy đủ cho Nga.
Tương tự, Nga cũng đã từ chối đề nghị chuyển giao hệ thống tên lửa tiên tiến S-400 cho Tehran trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tới Moscow vào tháng 5/2019 trước những lo ngại về việc sẽ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực giữa Iran và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Tiêm kích Sukhoi Su-30SM. Ảnh: BQP Nga
Mặc dù Nga nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thông tin sẽ không bán S-400 cho Iran và thậm chí còn khẳng định Moscow không gặp vấn đề gì trong thương vụ vũ khí này nhưng rõ ràng tiến trình đàm phán khó có thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Tình trạng khó khăn về kinh tế của Iran và những toan tính về chính trị và uy tín trong khu vực của Nga buộc nước này phải rất thận trọng khi xem xét tới bất kỳ triển vọng mua bán vũ khí nào với Tehran.
Lý do ở đây không quá khó hiểu. Một quốc gia đang phải vật lộn với một nền kinh tế suy thoái như Iran thì chắc chắn sẽ không có đủ khả năng tài chính để chi trả cho những hệ thống đắt đỏ như S-400 hay bất cứ lô máy bay chiến đấu hiện đại nào. Trong khi đó, Moscow đã từ chối đề nghị cung cấp tín dụng cho các hợp đồng mua bán vũ khí của Tehran.
So với một số quốc gia khác ở khu vực như Israel hay Saudi Arabia, Iran cũng là một trong những nước có ngân sách quốc phòng thấp nhất.
Trung Quốc có thể chuyển giao vũ khí cho Iran với những ưu đãi về tín dụng dựa trên các toan tính địa chính trị riêng của Bắc Kinh nhưng Nga sẽ khó thực hiện điều này bởi bản thân họ cũng đang gặp phải những vấn đề về kinh tế.
Nhưng toán tính lợi ích của Moscow
Việc bán vũ khí cho Iran sẽ có tác động rõ ràng đối với chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông. Nga một mặt muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Iran nhưng mặt khác cũng đang không ngừng nỗ lực mở rộng quan hệ với các đối thủ của Iran như Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.
Mối quan hệ của Nga với các quốc gia này cho thấy Moscow sẽ vẫn phải thận trọng trong việc cung cấp các loại vũ khí tấn công cho Iran vì nó có thể phá vỡ thế cân bằng sức mạnh trong khu vực và gây bất lợi cho các nước láng giềng của Tehran.
Việc Moscow từ chối cung cấp vũ khí tấn công hoặc trang thiết bị công nghệ cao cho Tehran luôn gắn liền với sự e dè của Nga trong vấn đề sẽ làm thay đổi sâu sắc cán cân quân sự ở khu vực và làm trầm trọng thêm những căng thẳng vốn dĩ đã âm ỉ ở vùng Vịnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hội đàm với Bộ trưởng QP Iran Hossein Dehkan ngày 20/1/2015. Ảnh: TASS
Trong những năm gần đây, Nga đã tìm cách thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí với thế giới Ả Rập. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin đã luôn khôn khéo đi theo một con đường thận trọng để cân bằng lợi ích của các bên cạnh tranh trong khu vực và tránh bị kéo quá gần vào bên nào.
Ông Anton Marasdov, một chuyên gia về quân đội Nga đã rất chính xác khi chỉ ra rằng: “Có sự giằng co rõ ràng giữa việc Moscow mong muốn cung cấp các thiết bị phòng thủ cho Iran với việc Tehran muốn sở hữu những vũ khí tấn công, bởi điều này sẽ gây ra sự phản đối gay gắt từ phía UAE, Saudi Arabia và Israel.
Hơn nữa, theo lập luận của Samuel Ramani, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Nga tại Đại học Oxford thì hợp tác an ninh giữa Nga với UAE, trong đó có các dự án phát triển máy bay chiến đấu chung trong tương lai, tiếp tục là rào cản cho mối quan hệ giữa Moscow với Iran.
Chuyên gia Kirill Semenov thuộc Hội đồng các Vấn đề Quốc tế của Nga cũng chia sẻ cùng quan điểm khi nói rằng Moscow sẽ phải kiềm chế xuất khẩu vũ khí cho Iran.
Ông Semenov tin rằng, mối quan hệ của Moscow với các quốc gia vùng Vịnh và Israel có nghĩa là “Nga sẽ không cung cấp cho Iran các vũ khí tấn công như máy bay Su-30 và hệ thống tên lửa tiên tiến như S-400”.
Theo đó, hoạt động mua bán có thể chỉ giới hạn ở các loại vũ khí phòng thủ như S-300 hoặc các hệ thống phòng không TOR-M1 mà Iran đã mua từ Nga trước đây.
Chuyên gia Semenov dự đoán, Moscow có thể sẽ sẵn sàng cung cấp cho Iran các lô hàng mới gồm hệ thống phòng không S-300 hoặc TOR-M cũng như xe tăng T-90, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 hay các hệ thống pháo và súng cối.
Xét tới tất cả những ràng buộc nêu trên, hợp tác quân sự giữa Nga và Iran trong tương lai gần có thể sẽ chỉ giới hạn ở mức độ hạn chế. Để bù đắp, nhiều khả năng Nga sẽ tập trung tăng cường hoạt động trao đổi kỹ thuật quân sự chính quy và mở rộng các cuộc tập trận với Iran.
Như vậy, Tehran vẫn có thể hưởng lợi từ các chương trình hợp tác quân sự - kỹ thuật với Moscow, ngay cả khi những thỏa thuận mua bán vũ khí tiên tiến bị giới hạn.
Tên lửa hành trình Iran được phóng đi từ dưới lòng đất