Người mới nhất trong danh sách này là Jordan Pickford, với việc đưa Anh vào tứ kết, xoá bỏ cái dớp đã đeo đẳng họ biết bao năm nay luôn thất bại trong các loạt luân lưu.
Báo chí Anh đã sung sướng rằng “bây giờ chúng ta đã có một thủ môn giỏi”. Mà thực ra, cái anh thủ môn giỏi này lại không phải là một ngôi sao ở giải Premier League, bởi các đội bóng hàng đầu của Anh quốc đều luôn chuộng “hàng ngoại”. Nhưng bây giờ, Pickford đã là một người hùng.
Pickford chỉ là người tiếp theo trong xu hướng World Cup của các thủ môn. Trước anh, Igor Akinfeev - người từng bị chỉ trích nặng nề vì những sai lầm nghiêm trọng ở World Cup 2014, trở thành người hùng của trận đấu với Tây Ban Nha, khi phá hỏng mọi nỗ lực của đối thủ trong 120 phút thi đấu và chỉ chịu thua một lần từ một cú sút phản lưới nhà.
Trong loạt luân lưu, anh đã đẩy được cú sút quyết định của Iago Aspas và sau trận, Akinfeev được hô vang trên phố, trong khi trên các kênh truyền hình Nga chiếu đi chiếu lại những pha cứu thua ngoạn mục của anh.
Không quên nhắc lại rằng, kể từ thời Rinat Dassaev huyền thoại những năm 1980, nước Nga chưa từng có một thủ môn nào hay như anh. Thậm chí, báo chí còn so sánh anh với huyền thoại Lev Yashin
Subasic và Schmeichel “con” là 2 người hùng khác khi Croatia và Đan Mạch chống lại nhau. Kasper Schmeichel, người đẩy được quả penalty của Modric ở hiệp phụ, hơi một trận tuyệt vời khi cản phá được 2 quả luân lưu của Croatia, dù cuối cùng vẫn chịu thua.
Lý do duy nhất: Đội bóng của anh đá penalty kém hơn Croatia. Cha anh, thủ môn huyền thoại Peter Schmeichel đã rất tự hào vì có cậu con trai.
Còn Daniel Subasic - người được HLV Ranieri đưa vào khung gỗ của Monaco - cũng đẩy được 3 quả luân lưu, bằng kỷ lục mà thủ môn Bồ Đào Nha Ricardo đã làm được ở EURO 2004 trong trận đấu với Anh. Đấy là ngày tuyệt nhất trong sự nghiệp, như Subasic sau đó thừa nhận. Còn có gì tuyệt vời hơn thế, khi trở thành người hùng đem đến chiến thắng?
Những bàn thắng từ penalty bị từ chối, có điều gì tự hào và hiển hách hơn với các thủ môn? Thủ môn Ali Beiranvand đẩy được quả penalty của Ronaldo và anh chàng từng sống trong cảnh khổ cực một thời trong vùng núi non của Iran ấy đã coi pha cản phá ấy là một trong những điều tuyệt vời nhất anh đã làm được trong đời, sau chiến công lớn khác là thoát khỏi đói nghèo đến mức phải làm tất cả những gì có thể để sống qua ngày, từ rửa bát, rửa xe ôtô cho đến làm việc trong quán ăn.
Trước Beiranvand, một thủ môn khác cũng đã đẩy được phạt đền từ chân của một siêu sao, Messi. Haldorsson của Iceland, ngoài đời là một nhà quay phim tài liệu cơ đấy.
World Cup đến thời điểm này, có tới 7 quả penalty bị phá, và đó là một kỷ lục.
Còn nhiều điều để nói về World Cup này từ phía các thủ môn, những anh hùng từ các pha cứu thua ở những trận đấu cực kỳ căng thẳng và gian nan. Họ đã đưa các đội bóng vào tứ kết, và giờ đây, người ta chờ đợi họ tiếp tục toả sáng.
Có một thủ môn cũng giỏi bắt penalty là Alisson của Brazil chưa có dịp trổ tài, bởi Brazil của anh quá mạnh trong phòng ngự và do đó, không cho anh có cơ hội thể hiện tài năng trước chấm phạt đền. Nhưng thực ra, anh lúc nào cũng sẵn sàng. Đã vào đến vòng này, Brazil hay bất cứ đội bóng nào cũng chuẩn bị cho phương án đá luân lưu rồi...
FIFA chọn thủ môn huyền thoại Lev Yashin là hình ảnh tiêu biểu để đưa lên poster cổ động chính thức của World Cup 2018. Và trên đất Nga, World Cup là của các thủ môn.