Những tay súng độ chính xác cao chuyên nghiệp chia bắn tỉa thành hai loại: bắn tỉa thể thao và bắn tỉa thực tế. Với bắn tỉa thể thao thì mọi việc rất đơn giản: các xạ thủ chỉ cần cố gắng bắn trúng bia càng nhiều càng tốt để đạt kết quả cao nhất, giành các giải thưởng, huy chương và danh hiệu.
Trong khi đó bắn tỉa thực tế lại hoàn toàn khác. Đây là ngành đặc thù của các tổ chức quân sự và an ninh vì mục đích của nó là tiêu diệt sinh lực đối phương, phá hủy các công trình, khí tài như phương tiện vận chuyển, xe bọc thép hạng nhẹ, hầm trú…
Và bắn tỉa thực tế độ chính xác cao lại được phân chia thành bắn tỉa cảnh sát và bắn tỉa quân đội. Vậy hai tiểu nhánh này có điểm gì giống và khác nhau?
Những xạ thủ bắn tỉa cảnh sát thường tác chiến trong khu vực đô thị với khoảng cách tới đối tượng mang đặc thù riêng của địa hình thành phố, trung bình từ 50 đến 300 m.
Đối với bắn tỉa cảnh sát thì độ chính xác của phát bắn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Lấy ví dụ, có những tình huống khi cảnh sát phải triệt hạ những tên tội phạm đang lấy con tin làm lá chắn sống.
Cảnh sát Denver (Mỹ) bắn tỉa hạ gục tên tội phạm để giải cứu con tin
Trong tình huống này, chỉ cần viên đạn đi chệch dù chỉ một vài cm cũng có thể là sai lầm chết người. Ngoài ra, cảnh sát bắn tỉa phải luôn cố gắng hạ gục tội phạm ngay từ phát đạn đầu tiên, có nghĩa là viên đạn phải găm chính xác tuyệt đối vào những bộ phận quan trọng trên cơ thể mục tiêu.
Cảnh sát bắn tỉa hầu như không bao giờ có cơ hội bắn điều chỉnh – tức là bắn một vài phát súng để thử thông số. Họ luôn phải hành động một cách chắc chắn và ngay lập tức.
Bắn tỉa quân đội có nhiều khía cạnh khác với bắn tỉa cảnh sát. Trước hết, chúng ta đang nói về khoảng cách: xạ thủ bắn tỉa quân đội thường phải thực hiện phát bắn từ khoảng cách 500-1500 m ở địa hình rừng núi. Nhiệm vụ chính của xạ thủ bắn tỉa quân đội thường không phải là tiêu diệt kẻ thù.
Làm cho kẻ địch bị thương sẽ khiến chúng chịu nhiều thiệt hại hơn: kẻ bị trúng đạn cần phải được đưa ra khỏi chiến trường, và đồng đội của người này sẽ tới đưa anh ta đi, đồng nghĩa với việc tự kéo nhau đến trước họng súng của tay bắn tỉa.
Vì vậy xạ thủ bắn tỉa quân đội không nhất thiết phải bắn trúng các bộ phận quan trọng trên cơ thể đối phương mà chỉ cần ngắm chân, bụng hoặc lưng là những mục tiêu lớn, dễ trúng.
Nếu phát súng đầu chưa trúng thì xạ thủ quân đội có thể bắn tiếp một vài phát đạn nữa vào mục tiêu – vốn đã bị mất lợi thế ẩn nấp tại các địa hình trống trải.
Những phát bắn "thử" này là cần thiết để hiệu chỉnh được đường ngắm chuẩn vì trên chiến trường, xạ thủ ở rất xa kẻ thù, và kẻ địch khó phát hiện ra nơi xạ thủ bắn tỉa thực hiện phát súng.
Và trong một số trường hợp thậm chí mục tiêu còn không nghe thấy được gì bởi tốc độ đạn bay nhanh gấp 2-3 lần tốc độ âm thanh, và tiếng nổ đến sau khi đạn đã găm vào mục tiêu. Quả thật như "sét đánh không kịp bưng tai".
Cú bắn hạ gục kẻ địch từ 1 dặm của xạ thủ quân đội Mỹ
Xạ thủ bắn tỉa quân đội thường biết trước thời gian và địa điểm mà nạn nhân sẽ xuất hiện, và do đó có thời gian chuẩn bị từ trước. Anh ta có thể ngụy trang nơi trú ẩn của mình bằng những vật liệu sẵn có tự nhiên, lợi dụng đặc điểm địa hình và thảm thực vật trên mặt đất.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát bắn tỉa thường gặp hạn chế trong việc lựa chọn phương tiện ngụy trang. Họ phải sử dụng sự khác biệt giữa những vật thể chiếu sáng, phát sáng để tạo lợi thế.
Một sự thật là xạ thủ bắn tỉa tác chiến trong thành phố không bao giờ đặt súng thò ra ngay từ cửa sổ mà luôn cố gắng làm nhiệm vụ từ không gian sâu phía trong nhà để tận dụng bóng râm.