JRD Tata hiến kế cho người bạn "đểnh đoảng"
JRD Tata (1904 - 1993) là một vị doanh nhân huyền thoại của Ấn Độ, chủ tịch Tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng Tata có trụ sở ở thủ đô Mumbai của Ấn Độ, kinh doanh các sản phẩm từ thép, ô tô, hóa chất... cho đến các dịch vụ tư vấn, hàng không, v.v.
JRD Tata sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, là con trai thứ 2 của doanh nhân nổi tiếng Ratanji Dadabhoy Tata nên thừa hưởng năng khiếu kinh doanh và sự nhanh nhẹn, linh hoạt. Sở hữu trí tuệ sắc sảo, JRD Tata luôn có cách nhìn nhận và đánh giá con người cũng như những sự vật, sự việc một cách rất đặc biệt và những câu chuyện về ông luôn được nhiều người quan tâm và tìm đọc.
Doanh nhân nổi tiếng của Ấn Độ JRD Tata, từng là Chủ tịch Tập đoàn đa quốc gia Tata (1904 - 1994). (Nguồn ảnh: Wiki)
Chuyện kể rằng, ngày xưa, JRD Tata có một người bạn có tính cẩu thả. Anh này rất hay để bút lung tung và thường xuyên mất bút. Cũng vì lý do này, anh ta chỉ mua những chiếc bút rẻ tiền để nếu có mất thì cũng không có gì đáng tiếc.
Đã có lần, người bạn này đã tâm sự với Tata, rằng anh ta rất lo lắng về sự đãng trí và đểnh đoảng của mình.
Nghe bạn nói vậy, Tata mới bảo bạn rằng có một cách để sửa được tật xấu nói trên, đó là hãy mua một chiếc bút đắt nhất có thể theo khả năng của anh ta, rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Người bạn này thấy có lý, liền làm theo và mua hẳn một chiếc bút vàng 22 carat.
Kết quả bất ngờ sau gần nửa năm
Gần 6 tháng sau, Tata mới có dịp gặp lại người bạn của mình và vui vẻ hỏi mọi chuyện tiến triển ra sao rồi, anh ta có còn hay đánh mất bút nữa hay không.
Chẳng ngờ, sau câu hỏi, người bạn này tủm tỉm cười và nói, chiếc bút vàng 22 carat vẫn còn nguyên, và anh ta cũng đã sửa luôn được cái tật để đồ đểnh đoảng rồi, chẳng còn bị mất thứ gì nữa.
Từ khi sử dụng chiếc bút quý giá, người bạn của JRD Tata đã sửa được tật đểnh đoảng của mình. (Ảnh minh họa)
Đến lúc này, JRD Tata mới giải thích cho bạn, rằng vấn đề không nằm ở con người và tính cách của anh ta, mà sự khác biệt duy nhất ở đây chính là giá trị của chiếc bút.
Thực ra chẳng ai sinh ra trên đời đã là con người cẩn thận, cũng không ai vừa mới sinh ra đã trở nên đểnh đoảng, chẳng qua là họ không để ý, không quan tâm vì giá trị của món đồ quá nhỏ bé mà thôi.
Còn một khi giá trị của món đồ thay đổi, không còn là một vật tầm thường, mà là một thứ hết sức quý giá, người ta tự khắc sẽ biết cách chú ý và bảo vệ tài sản của mình.
Người bạn nghe Tata nói thì chợt hiểu ra mọi chuyện, gật đầu thán phục tư duy sâu sắc của vị doanh nhân.
Và bài học quan trọng về 2 chữ "giá trị"
Câu chuyện có thật giữa doanh nhân JRD Tata và người bạn của ông vô hình chung đã nói lên một sự thật vẫn luôn tồn tại, nhưng nhiều người lại không nhận ra: Chúng ta thường quan tâm đến những thứ mà mình trân trọng nhất, đánh giá cao nhất. Sự bất cẩn, không chú ý, không chú tâm thường chỉ xảy ra với những thứ chúng ta không coi trọng.
Nếu coi trọng sức khỏe, chúng ta sẽ cẩn thận hơn với những thứ mình ăn, uống vào người.
Nếu coi trọng bạn bè, chúng ta sẽ biết cách đối xử với họ bằng sự tôn trọng, tận tâm.
Nếu coi trọng những đồng tiền mồ hôi nước mắt mà mình làm ra, chúng ta sẽ biết cách chi tiêu cho hợp lý.
Nếu coi trọng thời gian, chúng ta sẽ biết cách để không lãng phí nó.
Nếu coi trọng các mối quan hệ, chúng ta cũng sẽ biết cách giữ gìn để không làm những mối quan hệ này tan vỡ.
Ngoài ra, hiểu rõ về quy luật về giá trị - sự coi trọng trong cuộc sống cũng giúp con người có những cách ứng xử phù hợp trong giao tiếp, không quá kỳ vọng, ngộ nhận để rồi bị tổn thương sâu sắc khi không được ai đó quan tâm và trân trọng.
Nên nhớ không có ai bận rộn đến mức không thể quan tâm tới bạn, mà nguyên nhân chủ yếu là do bạn không thuộc danh sách ưu tiên của người ta mà thôi. Gặp những trường hợp như vậy, bạn hoặc phải khẳng định được giá trị của bản thân với họ, hoặc hãy mỉm cười và rút lui, đừng tự ngây thơ tin vào những lời giải thích, để rồi phí hoài tuổi xuân và năm tháng cho những mối quan hệ sẽ chẳng đi đến đâu.
Theo Moral Stories