Chiều 17/3, trò chuyện với PV, ông Nguyễn Văn Khỏe (89 tuổi, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM), bạn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, khoảng 1h sáng cùng ngày, ông được lực lượng chức năng đón đến nhà nguyên Thủ tướng để nhìn mặt lần cuối.
Từ giây phút đó, ông không ăn, không ngủ vì quá xúc động, mất mát khi nguyên Thủ tướng - người bạn ấu thơ qua đời.
Ông Khỏe vừa khóc vừa kể: "Khi còn sống, sáng nào cũng vậy, ông ấy (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) chạy chiếc xe điện đến Đình làng uống trà.
Ông luôn vui vẻ nên mọi người không ai cảm thấy xa cách giữa một người từng làm rất lớn và người dân bình thường.
Hễ thấy bóng xe điện ông Khải từ xa, ai cũng reo lên "Bác Khải, bác Khải đến rồi!".
Đình Tân Thông nơi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thường uống trà, trò chuyện với mọi người.
Theo ông Khỏe, nhà ông gần nhà nguyên Thủ tướng. Ông học trên ông Khải một lớp. Đi học, đi làm cùng nhau nên cả hai rất thân thiết và có nhiều kỷ niệm.
"Cả hai đều nghèo, từ nhỏ đã đi làm phụ giúp gia đình, nhưng ông Khải cực hơn tôi. 12 tuổi, ông ấy đi học thì thôi, chứ về đến nhà là cởi bỏ áo, cùng ông ngoại ra đồng làm ruộng, đánh cá, cái gì ông cũng biết.
Ông Khỏe chia sẻ tấm hình chụp chung với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đang học, ông đi theo cách mạng rồi suốt từ đó chưa có thời gian nghỉ ngơi. Được về hưu, ông Khải mừng lắm, ông ấy về đây để được thư thả, được gần gũi mọi người hơn.
Khi mới về hưu, ai cũng e dè không dám bắt chuyện vì ông Khải từng làm Thủ tướng, chức lớn quá. Thế là ông Khải chủ động đến bắt chuyện, ngồi cùng bà con và nói "Bây giờ, tôi vẫn như các bác, các ông thôi. Tôi về quê để được hưởng không khí quê nhà, để trở về với tôi của ngày xưa. Các bác, các ông thương tôi thì đừng xa cách!".
Ông Khỏe xúc động trước linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ở xã Thông Tân Hội, các gia đình nghèo, không có tiền cho con cái tiếp tục việc học là cứ mang học bạ đến, ông Khải thấy sức học tốt sẽ lo cho đến nơi, xin cho việc làm để ổn định cuộc sống.
"Ông Khải cũng vận động xây dựng trường tiểu học cấp quốc gia tại xã Thông Tân Hội cho hơn 1.000 học sinh đến học", ông Khỏe kể.
Theo ông Khoẻ, lần gặp gần nhất của ông với nguyên Thủ tướng là tháng trước, nhưng chỉ được nhìn qua tấm kính vì nguyên Thủ tướng đang nằm viện. Đợt uống trà cuối cùng, ông Khải còn tâm nguyện tu sửa lại chùa Phước Long, ngôi chùa 175 năm tuổi để giữ gìn di tích cũng như nuôi dưỡng tâm thiện của bà con nhưng chưa làm được.
Mắt đỏ hoe, ông Khỏe bồi hồi: "Dẫu biết tuổi già không ai tránh khỏi cửa tử, nhưng ông ấy đi rồi xã này cũng buồn lắm. Mỗi buổi sáng tôi hết còn chờ ông bạn của mình đến uống trà hàn thuyên tâm sự, ôn lại kỷ niệm. Ở những bữa tiệc, chiếc ghế cạnh bên tôi cũng thiếu vắng một người tri kỷ".
Ở xã Tân Thông Hội, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ xây đường, tu sửa Đình, chùa, mà còn luôn lắng nghe và tìm cách giúp đỡ những người nghèo.
Một lần, xe nguyên Thủ tướng đi ngang qua hai mẹ con đang bán bắp. Ông hạ kiếng xe thấy ngôi nhà quá lụp xụp, tạm bợ. Ông quay lại, hỏi thăm.
"Sau khi hỏi chuyện chúng tôi, bác Khải nắm chặt tay nói gia đình bà cứ yên tâm làm ăn, bà sống lương thiện, rồi sẽ hết cực nhọc, rồi sẽ có nơi để ở. Tôi nghe thế thì cũng không nghĩ gì, nhưng chỉ vài tháng, có người đến xây cho tôi ngôi nhà cấp 4. Nhờ bác Khải mà con cái tôi có nơi che mưa che gió, giờ vẫn bán bắp nhưng đỡ khổ hơn xưa", Bà Mai Thị Bốp - ở ấp Chánh, xã Tân Thông Hội rưng rưng.
>> Xem thêm clip: "Ông Sáu Khải" giản dị trong ký ức của người thợ hớt tóc (nguồn: VTC1)
“Ông Sáu Khải” giản dị trong ký ức của người thợ hớt tóc (nguồn: VTC1)