Bán tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ: "Đòn đánh hiểm độc" của TT Putin khiến nước Mỹ bấn loạn!

Anh Tú |

Một số nhà phân tích và chuyên gia pháp lý lập luận rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 cho thấy Ankara đang xa rời nước Mỹ và liên minh NATO để xích lại gần Nga.

Hệ thống tên lửa S-400 Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”

Ngày 5/10, nhiều hãng truyền thông Hy Lạp đồng loạt đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất, đặc biệt là nó lại được sử dụng cho mục đích theo dõi một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hy Lạp khi chiếc tiêm kích này trở về từ một cuộc tập trận đa phương vào tháng 8 trước đó.

Nếu thông tin trên phản ánh đúng sự thật, tức là nếu Ankara đã bật radar để theo dõi một máy bay phản lực do Mỹ sản xuất trang bị cho một đồng minh NATO khác thì đây sẽ tín hiệu cho thấy những tuyên bố đầy hăm dọa của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ một vũ khí Nga từng gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa.

Thế nhưng, vấn đề lại nằm ở chỗ không ai biết chắc liệu việc kích hoạt S-400 thực sự đã diễn ra hay chưa.

Lầu Năm Góc vẫn rất kín tiếng còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ nói rằng các quan chức ở Washington “biết rõ những thông tin này”.

Tại Quốc hội Mỹ, hai thượng nghị sĩ đại diện cho cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã gửi một lá thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu giải trình xem tin tức mà báo chí địa phương Hy Lạp đăng tải là có đúng sự thật hay không.

Bán tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ: Đòn đánh hiểm độc của TT Putin khiến nước Mỹ bấn loạn! - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16 của KQ Hy Lạp tham gia cuộc diễu binh quân sự thường niên ở thành phố cảng phía Bắc Thessaloniki ngày 28/10/2018. Ảnh: AP

Hai nhà lập pháp cũng thúc giục chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vốn vẫn được trì hoãn bấy lâu nay.

“Những báo cáo về việc Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt S-400 cho thấy Ankara rõ ràng không có ý định thay đổi quyết định và từ bỏ hệ thống này”, thượng nghị sĩ Chris Van Hollen của đảng Dân chủ và thượng nghị sĩ James Lankford của đảng Cộng hòa viết trong bức thư gửi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo.

“Những tin tức cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt hệ thống S-400 để phát hiện F-16 của Mỹ làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc của chúng tôi về khả năng Nga có thể truy cập được các dữ liệu nhạy cảm”.

Năm 2017, việc Ankara mua S-400 của Moscow đã thổi bùng lên mối lo ngại rằng hệ thống phòng không tinh vi này sẽ bí mật gửi thông tin nhạy cảm về các máy bay và mạng lưới phòng thủ của NATO ngược trở lại Moscow.

Vì vấn đề này, Quốc hội Mỹ đã âm thầm ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ giữa năm 2018. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận S-400 vào năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã loại Ankara khỏi chương trình F-35.

Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước “đòn hiểm” của Tổng thống Putin?

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng sử dụng radar của S-400 trong một cuộc thử nghiệm với mục tiêu là một trong những máy bay phản lực F-16 của chính nước này, tình tiết khiến các nhà lập pháp Mỹ càng thêm phẫn nộ.

Hôm thứ Ba (6/10), Bloomberg đưa tin Ankara đang có kế hoạch thử nghiệm S-400 vào tuần tới tại một địa điểm ở tỉnh Sinop trên bờ Biển Đen. Ở vị trí này, với tầm bắn 400km, S-400 hoàn toàn có thể theo dõi các máy bay quân sự của Mỹ và cả của Nga vẫn thường xuyên hoạt động tại đây.

Bloomberg viết rằng, không phải Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kích hoạt tổ hợp S-400 mà là “thử nghiệm các thiết bị cũng như khả năng sẵn sàng của các nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuy nhiên, cách sử dụng ngôn ngữ như vậy đã tạo ra sự mơ hồ khiến giới quan sát càng tỏ ra nghi vấn.

Các nhà phân tích ở cả trong và ngoài chính phủ Mỹ đang chia rẽ về cách Washington có thể phản ứng với hành động khiêu khích mới nhất này từ phía Thổ Nhĩ Kỳ nếu thông tin thử nghiệm S-400 được chứng minh là đúng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một khi Thổ Nhĩ Kỳ đã sở hữu được S-400 rồi thì Ankara khó có thể từ bỏ hệ thống cực kỳ đắt tiền này. Mặc dù Quốc hội Mỹ đã thúc giục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ankara nhưng cho đến nay Tổng thống Donald Trump vẫn né tránh. Vì vậy, chưa rõ liệu sự kiện mới nhất liên quan tới S-400 có thay đổi được những tính toán của Washington hay không.

Theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017, Washington phải áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các chính phủ ký kết mua hàng hóa quốc phòng lớn từ Nga.

Bán tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ: Đòn đánh hiểm độc của TT Putin khiến nước Mỹ bấn loạn! - Ảnh 2.

Các bộ phận của hệ thống tên lửa S-400 được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay quân sự Murted ở Ankara ngày 12/7/2019. Ảnh: AP

Giới lập pháp Mỹ cho rằng thỏa thuận S-400 của Ankara với Moscow nằm trong khuôn khổ điều tiết của Đạo luật này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không loại trừ khả năng áp dụng CAATSA.

“Chúng tôi tiếp tục cương quyết phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 và quan ngại sâu sắc trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục nỗ lực đưa S-400 vào hoạt động”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

“Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh với các cấp lãnh đạo cao nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ rằng thương vụ S-400 vẫn là một trở ngại lớn trong mối quan hệ song phương và với NATO cũng như sẽ dẫn tới nguy cơ phải đối với các lệnh trừng phạt CAATSA”.

Bộ Ngoại giao Mỹ tin rằng “Tổng thống Erdogan và các quan chức cấp cao của ông hiểu được quan điểm đó của chúng tôi”.

Mối quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên căng thẳng trong hai năm qua. Mặc dù sự khác biệt về quan điểm liên quan tới S-400 là vấn đề trọng tâm nhưng hành động tiến công của Ankara vào Syria cũng tạo ra mối rạn nứt lớn giữa hai nước đồng minh NATO.

Một số nhà phân tích và chuyên gia pháp lý lập luận rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 cho thấy Ankara đang xa rời Mỹ cũng như phần còn lại của NATO để xích lại gần Nga.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đang làm những gì họ vẫn luôn làm: Đưa ra các quyết định mang tính chiến thuật và chiến lược dựa trên những các lợi ích cốt lõi của mình.

Ngay bên trong cơ quan hành pháp Mỹ, các quan chức nước này cũng nhận thức sâu sắc được cái giá phải trả cho sự chia rẽ sâu sắc hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Những thứ có thể phải đánh đổi ở đây là quyền tiếp cận một số căn cứ chính của Mỹ và NATO.

Căn cứ không quân Incirlik là nơi lưu trữ các quả bom trọng lực hạt nhân B-61 của Mỹ và là một điểm xuất kích thuận lợi sang Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ cũng kiểm soát eo biển Bosphorus, mà theo thỏa thuận năm 1936 thì có nghĩa rằng nước này kiểm soát các lực lượng hải quân ra vào Biển Đen.

Giới chỉ trích, gồm cả một số nhà lập pháp nói rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa hệ thống S-400 vào sử dụng nếu đúng sự thật thì sẽ là bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quá mềm mỏng với Ankra.

“Điều này khác xa so với quan điểm sử dụng áp lực tối đa của chính quyền Mỹ hiện nay”, chuyên gia Karako nhấn mạnh. “Cái giá phải trả của việc chính quyền Mỹ không áp đặt các biện pháp trừng phạt ngày càng trở nên rõ ràng hơn”.

S-400 khai hỏa tiêu diệt gọn 8 mục tiêu trên không tại trường bắn Kapustin Yar thuộc vùng Astrakhan miền Nam nước Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại