Chi Người (Homo) gồm rất nhiều loài, nhưng trước đây giới khoa học vẫn luôn tin rằng ngoài loài người hiện đại Homo sapiens, các loài khác vẫn mang dáng dấp của các "vượn nhân hình" kém phát triển.
Nhưng các nghiên cứu mới trong vài năm nay dần tìm ra bằng chứng đáng ngạc nhiên về một loài đã phát triển đến mức mang hình thái và những kỹ năng rất giống chúng ta. Nghiên cứu mới đứng đầu bởi tiến sĩ Ameline Bardo từ Trường Nhân học và Bảo tồn thuộc Đại học Kent (Anh) là một trong số đó.
Phys.org cho biết từ phân tích 3D hài cốt của 5 cá thể người Neanderthals, một loài đã tuyệt chủng cách đây 30.000-50.000 năm và từng phối ngẫu khác loài với tổ tiên loài người hiện đại, nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ các khớp tinh vi giữa các xương chịu trách nhiệm cho cử động của ngón tay cái, gọi chung là phức hợp trapeziometacarpal. Kết quả được so sánh với cấu trúc tương tự trên cơ thể 50 cá thể Homo sapiens.
Theo báo cáo đăng tải trên tạp chí khoa học Scientific Reports, cử động ngón cái là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của giống loài. Ngón cái đặc biệt đã giúp loài người hiện đại sử dụng các công cụ khéo léo và tạo nên nền văn minh của chính mình. Người Neanderthals cũng vậy!
Tư thế ngón cái của người Neanderthals cho thấy họ sử dụng đặc biệt tốt các công cụ có tay cầm, cần đến lực bóp mạnh để giữ vững. Thậm chí một số điểm khác biệt còn cho phép việc sử dụng lực tay hiệu quả hơn các chúng ta, cho phép thực hiện các động tác chính xác hơn từ vật dụng được cầm, ví dụ như một chiếc gậy dài.
Nhưng lợi thế về lực bóp tay này lại khiến bàn tay của họ kém linh hoạt hơn người hiện đại, nên không có ưu thế trong một số hoạt động khác cần sự khéo léo.
Tuy nhiên bằng chứng nói trên đã đủ thành một mảnh ghép thuyết phục về một loài người từng phát triển không kém cạnh chúng ta, chỉ là thiếu may mắn, bị tuyệt chủng trên chặng đường tiến hóa. Trước đó, một số nghiên cứu khác cũng dần tái hiện bức chân dung Neanderthals là những cá thể lực lưỡng, rắn chắc như các cầu thủ bóng bầu dục, phát triển sớm các kỹ năng dệt sợi và chế tạo các công cụ lao động.
Nói cách khác, họ là một "bản sao" gần như hoàn hảo của loài người hiện đại về trình độ và văn minh sơ khai chứ không phải một dạng "vượn nhân hình" như suy nghĩ của số đông vài năm trước.
Người Neanderthals có phần khỏe mạnh hơn, thiện chiến hơn tổ tiên chúng ta, nhưng lại thiếu sự linh hoạt và khả năng thích nghi. Vì thế, nhiều nhà khoa học đang theo đuổi giả thuyết rằng sự biến đổi khí hậu dẫn đến môi trường khắc nghiệt đã khiến người Neanderthals tuyệt chủng, trong khi các Homo sapiens ăn uống đa dạng hơn, khéo léo hơn đã vượt qua nghịch cảnh.